Ông Tôn Thạnh Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn: "Tôi đã có một khởi đầu mới"
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 07:00, 11/12/2020
Năm 1997, từ một căn gác xép chật chội trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo tại quận Phú Nhuận (TP.HCM), ông Nghĩa đã cùng 6 người thợ cần mẫn mài cắt từng vỏ sò, vỏ trai và vỏ ốc để tạo thành những chiếc nút áo xà cừ, với mong muốn biến những phế phẩm bỏ đi từ biển thành sản phẩm hữu dụng và hiện diện trên các bộ trang phục của các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như Burberry, Hugo Boss, Dior, Adidas, Van Laack, Oui, Escada, Ralph Lauren...
Kể lại "cơ duyên" gắn nghiệp với nghề sản xuất nút áo từ vỏ ốc, ông Nghĩa nhớ lại: "Tốt nghiệp kỹ sư ngành thủy lợi (Đại học Bách khoa TP.HCM), tôi vào làm phiên dịch cho một công ty của Nhật Bản chuyên làm cúc áo từ vỏ sò, vỏ ốc biển vừa chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Mặc dù làm phiên dịch nhưng tôi làm đủ mọi việc từ "chạy" các thủ tục, đi gặp các lãnh đạo Ủy ban Hợp tác và Đầu tư nước ngoài đến xin cấp phép đầu tư... Tóm lại là công ty cần gì, tôi làm tuốt.
Cũng nhờ làm nhiều việc và nhiệt tâm với công việc được giao nên tôi học được rất nhiều thứ và được các ông chủ Nhật yêu mến, tôi cũng học được công nghệ làm nút áo từ họ. Sau bốn năm, cảm thấy công việc không mới mà bản thân lại muốn được sáng tạo và thử thách nhiều hơn nên tôi quyết định khởi nghiệp".
* Từ 6 nhân viên nhưng đến nay đã lên đến 150 công nhân, nhà máy mở rộng lên 10.000m2, doanh thu triệu USD, vượt quá xa so với kỳ vọng đặt ra, ông cảm thấy hài lòng?
- Nói thật, thời điểm đầu khởi nghiệp, tôi chỉ đặt mục tiêu làm sao có sản phẩm thật tốt, chất lượng tinh xảo để đáp ứng và chinh phục các đối tác thế giới, nhắm đến các thị trường "khó tính" như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ... và dựa trên kỹ thuật cao, giá cao để làm lợi thế cạnh tranh chứ không phải giá rẻ. Bởi nếu cạnh tranh về giá sẽ không thể vượt qua Trung Quốc. Mong muốn của tôi là sau 5 năm phải có được vị trí số một trong ngành sản xuất nút áo, không chỉ ở Việt Nam. Và động lực để tôi làm được như hôm nay là nhờ khách hàng. Họ càng yêu cầu cao, thị trường càng khe khắt thì càng đẩy mình đi, càng quyết tâm phải làm bằng được.
Với tôi, đã kinh doanh thì không có khái niệm "hài lòng". Bởi hài lòng với gì đang có sẽ vô tình tạo sức ỳ cho chính mình và doanh nghiệp, kìm hãm sự nỗ lực đi tìm kiếm thách thức. Những năm đầu khởi nghiệp, điều kiện kinh doanh thiếu thốn, máy móc, thiết bị nhập khó khăn, vốn liếng lại có hạn nên tôi phải mày mò, tự nghĩ, tự sáng tạo và phải tự chế tạo máy móc để làm. Có lúc làm không thành, trăn trở cả đêm để nghĩ. Và dĩ nhiên, học phí cho những lần phải sửa sai cũng không nhỏ.
Cũng năm 1997, khi công ty thành lập chưa bao lâu thì khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra, tiếp theo đó dịch SARS lan rộng, ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế. Tôi phải đối mặt, chống chọi với nhiều thách thức như hàng tồn kho, nợ nần và giải bài toán nuôi quân. Nhưng khi vượt qua thách thức đó thì lại cảm thấy cứng cáp hơn, trưởng thành hơn, có chút... thú vị và thấy năng lượng lại dồi dào để lại tiếp tục đi tìm thách thức mới. Với một nền kinh tế mở cửa và luôn thay đổi, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đòi hỏi doanh nghiệp cũng phải "mở cửa" tư duy và không thể hài lòng để mỉm cười... quá lâu với chính mình. Phải tự tạo ra áp lực cho mình và áp lực chính là động lực để phát triển. Với tôi, "bới" khó để làm và tạo áp lực cho chính mình là cách để mình lớn lên mà không già.
* Giá trị kinh tế từ sản phẩm này đã được chứng minh qua doanh thu xuất khẩu hằng năm nhưng còn một giá trị khác mà ông từng tiết lộ "còn cao hơn cả tiền"...
- Mặc dù đã có một chỗ đứng vững chắc, lâu dài tại các thị trường Anh, Pháp, Mỹ, Ý, Nhật Bản, Đức, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc... nhưng đã gần một phần tư thế kỷ trôi qua, tôi vẫn còn quá nhiều mục tiêu mới phía trước để theo đuổi. Đó là cái thú của người kinh doanh. Đơn cử, tôi vẫn phải liên tục đổi mới, đầu tư. Hiện chúng tôi đã trang bị được nhiều loại máy móc hiện đại nhập khẩu từ Ý như máy làm nút tự động, máy khoan lỗ vuông, máy khắc chữ bằng tia laser trên bề mặt lẫn bề dày hạt nút... với giá khoảng 15.000 USD/chiếc, có thể sản xuất trung bình 200.000 - 300.000 hạt nút áo mỗi ngày. Trải qua 10 công đoạn, từ mài, cắt, làm khuôn, khoan lỗ, đánh bóng... trong hai ngày, những chiếc cúc áo thành phẩm nhỏ bé được bán với giá khoảng 2.000 đồng/chiếc, nhưng đã mang về những đồng đô la không hề nhỏ để đóng góp cho nền kinh tế. Hay như chiếc muỗng ngọc trai - một sản phẩm tiếp nối sản phẩm nút áo cũng đạt năng lực xuất khẩu 50.000 chiếc/năm đã xuất bán sang Pháp và có mặt tại những nhà hàng dành cho giới thượng lưu, dùng để xúc cá hồi, trứng cá tầm, trứng cua biển...
Song giá trị mà tôi cảm thấy còn lớn hơn cả tiền, đó là niềm tự hào của một thương hiệu Việt, tuy nhỏ bé nhưng đã biến những phế phẩm bỏ đi thành những sản phẩm mang lại doanh số đứng hàng đầu Việt Nam và được nhiều thương hiệu thời trang đẳng cấp quốc tế sử dụng như Burberry, Hugo Boss, Dior, Adidas, Van Laack, Oui, Escada, Ralph Lauren, đặc biệt sản phẩm luôn đạt độ tinh xảo và chưa "từ chối" bất kỳ yêu cầu nào về độ khó, cũng như độ độc, lạ.
Thực tế trong quá trình làm, có rất nhiều đơn hàng khó, phải suy nghĩ, đầu tư máy móc mà sản lượng lại không nhiều nhưng chúng tôi vẫn làm vì say mê, vì lòng tự ái, vì quyết tâm không gì là không thể làm được. Chẳng hạn, có một khách hàng muốn gia tăng giá trị những bộ trang phục của họ nên đặt hàng chúng tôi phải nghiên cứu để có thể khắc laser tên khách hàng lên từng mặt của nút áo. Với nỗ lực suốt 25 năm qua cho lĩnh vực này, tôi còn có một mong muốn nữa là xóa dần quan niệm về ngành công nghiệp phụ trợ may mặc của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu.
* Một triết lý kinh doanh mà ông luôn tâm niệm, đó là không thể thiếu khả năng ứng biến và sáng tạo, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vậy trong khủng hoảng Covid-19, ông đã ứng biến và có sáng tạo gì để vượt khó, thưa ông?
- Khi đã chọn con đường tự "bới" khó và tìm thách thức để lớn thì chúng tôi cũng phải chủ động tạo ra nhiều mẫu mới, đa dạng hóa sản phẩm để khách hàng phải thích và mua chứ không ngồi chờ đặt hàng nữa. Trong đợt dịch vừa qua, trong lúc thị trường xuất khẩu ngừng trệ, tôi đã dành thời gian để tập trung nghiên cứu hoàn thiện một số sản phẩm đã ấp ủ gần 10 năm qua nhưng vẫn còn dang dở. Đây cũng là cách ứng biến để công nhân vẫn có việc và máy móc vẫn được hoạt động. Đúng như Li Edelkoort - một trong những chuyên gia nổi tiếng thế giới vừa chia sẻ rằng, virus Corona tặng chúng ta "trang giấy trắng cho một khởi đầu mới". Và tôi đã có một khởi đầu mới bằng việc ra mắt Công ty TNHH Blusaigon (thành viên của Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn) và "chào sân" với hai sản phẩm chủ lực là bút ngọc trai và nữ trang bằng xà cừ với mục đích tăng thêm các sản phẩm du lịch Việt Nam. Các sản phẩm này đều trải qua hàng chục công đoạn thủ công tỉ mỉ từ những nghệ nhân Việt. Riêng chiếc bút ngọc trai khảm xà cừ, mạ vàng được xem là sản phẩm cao cấp có giá vài triệu đồng.
Hôm ra mắt Blusaigon, có một doanh nhân hỏi tôi: "Vì sao anh chọn bút làm sản phẩm chiến lược". Tôi quan niệm cây bút là thứ gắn liền với đời người. Nét chữ đầu tiên - cánh thư đầu tiên - giao kết đầu tiên, tất cả khởi đầu từ cây bút. Nhưng quan trọng hơn, bút là công cụ giúp ta ghi lại mọi điều diễn ra trong cuộc sống. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để tương lai không xa mọi doanh nhân sẽ tự tin giắt trên túi áo một cây bút ngọc trai BluSaigon được làm bằng tay, chính hiệu made in Việt Nam - đẹp và sang trọng không kém như họ đã trân quý bút thương hiệu nổi tiếng khác.
Song có một lý do để tôi ấp ủ sản phẩm này, đó là trước đây mỗi năm hai lần, tôi thường đi cùng đoàn bác sĩ Nhật Bản sang Việt Nam giải phẫu sứt môi miễn phí cho trẻ em. Trước khi về nước, họ đều gặp khó khăn trong việc mua quà tặng made in Vietnam cho người thân... Điều đó làm tôi trăn trở, áy náy, cảm thấy có lỗi... và giấc mơ sản xuất quà tặng từ vỏ sò ốc bắt đầu từ đó...
* Là người thích tạo ra áp lực nhưng 25 năm trong một lĩnh vực đã quá quen, đã bao giờ ông thử tạo áp lực cho mình ở một lĩnh vực khác?
- Tôi chọn nghề sản xuất nút áo để khởi nghiệp và gầy dựng được sự nghiệp, tên tuổi từ chính nghề này nên xem đó là duyên và không bao giờ nghĩ đến việc sẽ bỏ nghề. Tuy nhiên, cũng có đôi lần "với" sang lĩnh vực khác để đầu tư và tìm thử thách mới, như đầu tư trồng sâm Ngọc Linh ở vùng Nam Trà Mi - Quảng Nam và thủy điện ở Bình Thuận.
Nhưng nếu cùng số vốn đầu tư thì thời điểm đó, đầu tư bất động sản lợi nhuận cao và ít rủi ro, tại sao ông lại chọn thủy điện và nông nghiệp...
Sở dĩ tôi đầu tư vào trồng sâm và thủy điện vì cả hai lĩnh vực này đều đáp ứng tiêu chí đầu tư của tôi là mang lại hiệu quả cho xã hội. Trước khi tôi đầu tư trồng cây sâm ở vùng Nam Trà Mi thì nơi đây vẫn còn vắng vẻ, chưa ai trồng sâm, nhưng từ khi thấy chúng tôi đầu tư lớn và hiệu quả thì bà con cũng đua nhau trồng và hiện tại, họ đã có cuộc sống và thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Bởi trước đây, một củ sâm chỉ có giá 50 triệu đồng/kg thì bây giờ đã là 250 triệu đồng/kg, rõ ràng là hiệu quả kinh tế rất cao.
* Nhiều người cho rằng ông ít gặp thất bại nhưng có lần, ông tiết lộ đã từng thất bại, nhưng thất bại... cười ra nước mắt. Câu chuyện đó là thế nào, thưa ông?
- Nhìn lại chặng đường khởi sự đã qua, phải nói tôi khá may mắn. Thế hệ của tôi vất vả nhiều và cũng chẳng có nhiều thông tin, không ai hướng dẫn, chỉ bảo những vấp váp cần tránh. Vì vậy, cứ thấy thì làm, thích thì thử nên thất bại cũng là khó tránh. Năm 2010, một doanh nghiệp Hàn Quốc gợi ý cho tôi trồng hành để họ làm kim chi xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tưởng đơn giản nên tôi nhập một container hành từ Hàn Quốc về trồng ở Đà Lạt. Thời điểm đó, thị trường khan hiếm hành lá nên thương lái đòi mua hết "lá hành" nhưng vì đã ký hợp đồng bán củ hành cho đối tác nên tôi nhất quyết không bán. Thế nhưng đến mùa thu hoạch thì... hành không có củ mà toàn lá... Cú thất bại đó khiến tôi mất toi vài trăm triệu đồng và cười ra... nước mắt.
* Còn chuyện đầu tư cơm kẹp?
- Vốn thích làm cái gì đó mới mẻ và thích tìm lối đi ở những khung cửa hẹp nên khi đọc báo, thấy sản phẩm cơm kẹp đang xuất hiện ở Hà Nội đang thu hút giới trẻ, nghĩ sản phẩm mới và lạ nên tôi bay ra Hà Nội và đề nghị mua cổ phần để đưa vào TP.HCM. Thế nhưng khi làm thì thấy sản phẩm không mới mẻ và lúc đầu nhiều người ăn thử chỉ vì tò mò, giá thành lại không cạnh tranh được với cơm bình dân, trong khi phí đầu tư lại cao nên sau 4 năm cố gắng trong... thất bại, lỗ gần 5 tỷ, tôi đóng cửa và có thêm một bài học mới.
* Gần đây, nhiều thế hệ doanh nhân như ông đã có những cuộc chuyển giao với kỳ vọng vào thế hệ kế thừa khá cao, ông đã chuẩn bị điều này thế nào?
- Kỳ vọng của tôi vào thế hệ kế thừa không phải là áp lực lợi nhuận mang về cho công ty mà là trách nhiệm với hàng trăm cán bộ công nhân viên và người lao động đang làm việc tại Tôn Văn. Muốn vậy, phải truyền cho họ sự đam mê làm việc và trái tim biết yêu thương, đồng cảm. Vì vậy, tôi hay đi làm từ thiện và thường dẫn con đến những nơi khó khăn, tiếp xúc với những người nghèo khó để các con hiểu được giá trị của cuộc sống cũng như biết yêu thương, đồng cảm hơn.
Tôi cũng học theo cách dạy con của người Do Thái, họ dạy con tri thức và kiến thức để sống, làm việc và tạo ra giá trị cho xã hội. Vì vậy, cuộc đời tôi nhận được những gì thì tôi cũng để lại và bàn giao hết những gì đã nhận cho các con và những người kế thừa, ngược lại họ phải trả lại cho xã hội và cho công ty những giá trị cao hơn cái mà họ nhận. Như thế xã hội mới phát triển.
* Điều gì ông tâm đắc nhất và muốn để lại nhắc nhớ cho các con?
- Làm việc phải nỗ lực và trung thực, đừng tham lợi nhuận nhiều quá mà đi sai đường và phải trả giá. Cứ làm ăn ngay thẳng thì lợi nhuận cũng sẽ đến, nhất là đừng hại người khác để có lợi cho mình.
* Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi trò chuyện.