‘Huyền thoại điện ảnh’ Kim Ki Duk: Hòn đảo dị biệt của điện ảnh Hàn
Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 09:00, 12/12/2020
Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong các tác phẩm, như Kim Ki Duk từng chia sẻ: “Tôi không phải người đạo đức kiểu truyền thống. Tôi không ngại mô tả những khía cạnh xấu xa của xã hội Hàn Quốc. Đó là động cơ của tôi về mặt đạo đức”.
Phim ảnh phản chiếu cuộc đời
Sinh ra tại miền núi Bonghwa, Hàn Quốc, thuở nhỏ Kim Ki Duk thường xuyên chịu đòn roi của cha, phải bỏ học từ sớm để kiếm sống. Sau đó ông gia nhập quân đội rồi bôn ba sang Paris (Pháp) để tự học và kiếm sống qua ngày bằng nghề vẽ, khán giả sẽ bắt gặp chi tiết này trong Samaritan Girl (đoạt giải Gấu bạc tại LHP Berlin 2004) khi hai nhân vật nữ ôm mộng để sang Châu Âu nhưng bất thành. Trong những ngày trôi dạt tại Paris, ông lang thang đến các gầm cầu, lề đường, bãi rác, tiếp xúc với nhiều thành phần, dạng người khác nhau, chứng kiến nhiều cảnh tranh giành, chém giết vì tiền bạc hay miếng ăn.
Vì thế không khó hiểu khi hầu hết các nhân vật trong phim của Kim chủ yếu là những phận người nằm ngoài rìa sự tự tế của xã hội. Khi được nói về các bộ phim của bản thân, Kim đã có lần tỏ bày sự chua chát: “Thế giới hiện đại đang hoàn toàn đảo lộn vì tiền bạc và quyền lực, dù là ở quy mô lớn hay nhỏ”. Và cách ông chọn là làm thức tỉnh người xem, phơi bày cho họ thấy khía cạnh tăm tối, độc ác của con người thông qua bạo lực, tình dục và sự tra tấn về tinh thần. Như một quả tim khi vừa tắt nhịp, bác sĩ phải dùng sốc điện thật mạnh với hy vọng kéo hồi sự sống.
Tác phẩm đầu tay của Kim là Crocodile (1996), kể về quá trình hành hạ của một người đàn ông khi hắn cứu được một phụ nữ tại bờ sông Hàn. Năm 1999, Kim trình làng The Isle. Bộ phim này tiếp tục khai thác tình trạng một phụ nữ phải mang thể xác ra để phục vụ đàn ông, cho đến khi chết cũng không có được tình yêu, điều cô luôn khao khát. Và cô đã chọn cách hủy diệt bản thân bằng cách tàn khốc nhất, gây sốc cho toàn bộ người xem với cảnh dùng lưỡi câu móc vào người rồi cho chiếc thuyền kéo đi để tìm sự giải thoát. Đây là giai đoạn Kim vừa từ Pháp trở về và mang những trải nghiệm trời Tây cùng những góp nhặt về quá khứ không êm ả tại quê nhà, thổi chúng vào phim, hình thành nên phong cách điện ảnh Kim Ki Duk. Kết quả, làn sóng tẩy chay Kim diễn ra mạnh mẽ ra ngay tại Hàn Quốc. Khán giả không chấp nhận hay không muốn chứng kiến sự tàn độc của con người bị bóc tách trần trụi như vậy. Nhưng Kim trước sau như một vẫn kiên định với con đường ông chọn, hay đúng hơn những gì Kim trải qua, chứng kiến đã trở thành nỗi ám ảnh suốt đời ông và thôi thúc ông chuyển tải chúng bằng điện ảnh. Bằng chứng là sau The Isle, mùi bạo lực trong Real Fiction (2000), Bad Guy (2001), Address Unknown (2001) và The Coast Guard (2002) cũng nồng nặc không kém.
Một cảnh trong "Spring Summer Fall Winter and Spring" |
Spring Summer Fall Winter... and Spring (2003) là mở đường cho giai đoạn điện ảnh đặc biệt nhất trong sự nghiệp của Kim. Ở đó, không khí bạo lực được kéo giãn. Kim nhìn cuộc đời qua góc nhìn của một nhà sư già, hằng ngày sống ở góc am và nuôi nấng một chú tiểu rồi lần lượt chứng kiến những tội ác mà chú tiểu đó gây ra. Bộ phim này là một cách tĩnh tại, một sự chiêm nghiệm về cuộc đời của Kim Ki Duk sao bao thăng trầm. Tiếp đó, Pietà, bộ phim mang về cho Kim giải Sư Tử Vàng, dù kể một câu chuyện phức tạp với cú twist đau thương nhưng đã hé lộ ít nhiều ánh sáng khi điều cuối cùng ông mong muốn là sự khoan dung từ Chúa trời cho những tội lỗi không từ bất cứ thủ đoạn nào do con người đã gây ra.
Nhãn quan dị biệt gây tranh cãi
Tuy nhiên, đó chỉ là giai đoạn “bình lặn” hiếm hoi trong các phim của Kim Ki Duk. Sau đó, ông lại tiếp tục hành trình đã bắt đầu - làm phim tác giả thay vì chiều theo đại chúng - với những bộ phim đậm mùi bạo lực hơn. Human, Space, Time and Human (tạm dịch: Con người, không gian, thời gian và con người), bộ phim gần nhất của Kim ra mắt tại LHP Berlin 2018 (Đức), hạng mục Panorama (dành cho các phim mới có đề tài gây tranh cãi đã khiến một phần ba khán giả bỏ về sớm vì không chịu nổi các cảnh bạo lực trong phim.
Mặc dù vậy, giới phê bình Âu Mỹ chấp nhận quan điểm của Kim và đánh giá cao các phim của ông. Có 5 liên hoan phim lâu đời nhất trên thế giới thì hết 3 trong số đó chấp nhận nhãn quan của Kim Ki Duk và tôn vinh ông là một trong những đạo diễn Châu Á đương đại xuất sắc nhất với nhãn quan dị biệt độc đáo. Theo Pann, sự lập dị của Kim Ki Duk không chỉ ở tư duy mà còn ở hành động. Khi lên bục nhận giải Sư Tử Vàng năm 2012, thay vì có một bài phát biểu cảm ơn như nhiều người, Kim Ki Duk chỉ hát một ca khúc ngắn bằng tiếng Hàn, rồi im lặng rời lễ trao giải. Giám khảo lẫn khách mời lúc ấy đều ngơ ngác, không hiểu gì và cho rằng "người đặc biệt nên hành động cũng khác biệt".
"Human, Space, Time and Human" - bộ phim khiến khán giả bỏ về vì không chịu nỗi các cảnh máu me, bạo lực trong phim |
Thế nhưng, tại Hàn, quê hương ông, Kim bị xem là kẻ báng bổ tôn giáo, cổ súy bạo lực tình dục và có khuynh hướng thù ghét phụ nữ khi để các nhân vật nữ bị chà đạp. Ba năm cuối đời, Kim Ki Duk gần như bị tẩy chay tại Hàn Quốc vì nhiều lời tố cáo ông hiếp dâm, quấy rối tình dục diễn viên nữ. Ông bị xử thua kiện và phải nộp phạt 5 triệu won (hơn 100 triệu đồng) năm 2017. Sau bê bối đời tư, Kim và vợ chia tay. Kim chủ yếu sống ở nước ngoài, hoạt động tích cực ở Nga và Kazakhstan. Năm 2019, ông là chủ tịch hội đồng giám khảo của LHP quốc tế Moskva.
Những người yêu mến Kim Ki Duk cho rằng, có hai cách để làm ai đó thức tỉnh, hoặc là khuyên răn hoặc là phơi bày cho họ thấy hậu quả để tự bản thân phải kinh sợ và lánh xa. Kim Ki Duk đã chọn cách thứ hai. Những điều xấu xa, tồi tệ nhất bên trong một con người mà hầu hết không ai dám đối diện, ông phăng phăng vào lôi chúng ra, đưa lên màn ảnh, đẩy lên tột đỉnh. Nếu chịu đựng được thì hoặc là kẻ đồng lõa hoặc là đã được khai sáng, không thì vẫn u mê.
Và có lẽ, khi mọi thứ lắng xuống, khi Kim Ki Duk không còn trên đời nữa, người ta mới có thể bình tâm trả lại cho điện ảnh những giá trị nó vốn có.