Học bí quyết thành công từ “chị đẹp” Thanh Lâm
Tủ sách Doanh nhân - Ngày đăng : 06:00, 14/12/2020
![]() |
Lời tòa soạn: Tiếp nối thành công của Tuần lễ Doanh nhân & Sách 2020, Doanh nhân Sài Gòn đã thành lập Hội đồng phát triển sách Doanh Nhân (gồm Câu lạc bộ Khuyến đọc và Câu lạc bộ Khuyến viết). Đây là nơi gặp gỡ của các doanh nhân yêu thích việc đọc sách, viết lách, đồng thời lan tỏa tinh thần khuyến đọc, khuyến viết đến với cộng đồng. Doanh nhân Sài Gòn hy vọng sẽ trở thành cầu nối nhằm giới thiệu những quyển sách được các doanh nhân quan tâm đến quý độc giả, chia sẻ những ứng dụng từ quyển sách được các doanh nhân áp dụng vào đời sống. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong nhận được phản hồi của quý độc giả khi đọc các quyển sách này. |
Doanh nhân Sài Gòn giới thiệu đến quý độc giả bài chia sẻ cảm nhận của hai độc giả Đỗ Linh - Xuân Nương quanh hai quyển sách Người thả diều và Người dẫn chuyện của tác giả Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, do NXB Văn hóa-Văn Nghệ và NXB Thế giới ấn hành.
Muốn thành công cần biết yêu thương
Từ khi tôi được biết chị Lê Thị Thanh Lâm, nghe chị chia sẻ tại các buổi gặp gỡ, được tiếp xúc và sau đó là đọc sách chị viết, tôi luôn thấy một sự nhất quán kiên định. Đó là: Muốn thành công cần biết yêu thương. Đây hoàn toàn không phải là những câu chuyện được tô vẽ bóng bẩy, những lời hoa mỹ sáo rỗng mà đến từ những câu chuyện có thật, xuất phát từ trái tim, từ mong mỏi của chị, được làm một điều gì đó hữu ích, giúp đỡ những người xung quanh. Tất cả những điều tốt đẹp đó được chị Lâm thực hiện bằng tình yêu thương nhẹ nhàng nhưng đậm đà và bền chặt, hệt như tính cách của chị. Mọi thứ chị làm, với quê hương, với sản phẩm, với nhân viên, với đối tác, với khách hàng, với cha mẹ, chồng con… do đó đều tươm tất, vẹn trọn và ấm áp.
Nếu đã từng mở gói cháo Saigon Food lúc mệt mỏi mà lại thiếu người chăm sóc, bạn sẽ hiểu được tâm tình của chị trong ấy. Như chị luôn khẳng định, tình yêu thương đã giúp chị vượt qua những giông tố, khó khăn mà tìm được thành công và hạnh phúc. Nhờ những câu chuyện của chị, tôi tin hơn vào thành công trong việc quản trị bằng tình yêu.
![]() |
Cuốn "Người thả diều" |
Muốn thành công cần sẵn lòng cho đi
“Muốn thành công bạn cần sẵn sàng làm một người biết cho đi. Hãy tích lũy thật nhiều để chắc chắn rằng bạn luôn có cái để cho đi trước”.
Đó là dòng tựa của cuốn sách Người dẫn chuyện. Cho đi đã khó, nhưng cho đi cái gì và cho lúc nào và cho bằng cách nào lại càng khó hơn nhiều lần. Chị Lâm đã lý giải sự cho đi một cách đơn giản nhưng cũng đầy thử thách với bất kỳ ai: cho đi các giải pháp, cho đi các giá trị của chính mình. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những người bận rộn, đặc biệt là phụ nữ. Bởi gánh nặng “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phụ nữ phải nỗ lực gấp nhiều lần cánh đàn ông nếu muốn thành công. Và để vun tròn việc bếp núc, nơi giữ lửa của gia đình, chị Lâm nhắn nhủ: “Trong việc bếp núc hãy khôn khéo biến hóa cái của người thành của mình. Hãy dùng sự tinh tế của mình để chọn những thực phẩm đã qua sơ chế hoặc chế biến sẵn để “thêm mắm, thêm muối” cho hợp khẩu vị của gia đình”.
Chị luôn có sự đồng cảm, trăn trở của người phụ nữ ở mọi khía cạnh. Đó chính là nét đẹp từ “thân, tâm”, mà theo quan điểm của chị: “Muốn đẹp cả thân và tâm, bạn nên xây dựng một cuộc sống cân bằng, hài hòa giữa bản thân, công việc và gia đình. Bạn cần ý thức về điều đó hàng ngày, hàng giờ. Sống với nó, trải nghiệm và tận hưởng niềm vui mà nó mang lại. Điều này không dễ, cũng không khó. Quan trọng là nhận thức. Chỉ khi làm đẹp là nhu cầu và bạn yêu thích thì việc làm đẹp sẽ trở nên dễ dàng hơn”.
![]() |
Bìa cuốn "Người dẫn chuyện" |
Quản trị nhân sự như chăm sóc… một hàm răng
Trong các câu chuyện từ Sài Gòn Food, nơi chị đang làm việc, tôi cảm nhận nhiều giá trị trong việc quản trị nhân sự và xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đó chính là phương thức quản lý “Lạc mềm buộc chặt”, hay “Nơi làm việc phải là nơi đáng sống”, văn hóa lấy chữ “Tâm” là giá trị cốt lõi, để kết nối con người, để gây dựng tin yêu và níu chân mỗi con người khi đến và quyết định ở lại với Sài Gòn Food.
Tôi đặc biệt thích đoạn chia sẻ: “Việc quản trị nhân sự cũng giống như việc chăm sóc một hàm răng. Người lãnh đạo phải luôn quan tâm đến nhân viên mỗi ngày và nếu muốn tác động thì phải dùng “thuốc tê” cho bớt đau. Ngay cả trong giao tiếp hàng ngày hay khi nhân viên mắc lỗi thì lãnh đạo cũng phải thận trọng và nghĩ đến cảm xúc của họ”.
Lãnh đạo phải thận trọng và nghĩ đến cảm xúc của người lao động - điều tưởng dễ nhưng không phải ai cũng làm được. Chỉ khi xem đó là tác phong làm việc thì mới có thể dành sự quan tâm đúng mực. Lần đầu tiên tôi biết được thêm điều mới mẻ trong Nghệ thuật lãnh đạo: Đó là lãnh đạo viết thư cho nhân viên, cho tập thể nhân viên mỗi khi khen ngợi. Những lá thư ấy không chỉ truyền cảm hứng mà còn là lời cỗ vũ, động viên và tiếp lửa cho người lao động, thậm chí hơn cả những tưởng thưởng bằng vật chất.
Bên cạnh đó, các câu chuyện về việc: “Tay không làm nên thương hiệu”, tôi tin sẽ vô cùng hữu ích cho những ai đang trên con đường tạo dựng thương hiệu. Còn nếu quý vị cũng là một lãnh đạo nữ thì tôi tin kinh nghiệm của chị Lâm trong việc cân bằng giữa gia đình, công việc, xã hội chưa bao giờ là cũ.