Hiểu thêm về bậc thầy hội họa, điêu khắc Michelangelo qua “Sáu kiệt tác cuộc đời”

Sách hay - Ngày đăng : 07:00, 15/12/2020

Ngòi bút của Miles J. Unger tái hiện một Michelangelo tham vọng, tự cao và có phần khó chịu, nhưng chính nhờ sự ngoan cường và đấu tranh không biết mệt mỏi, ông đã thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về nghệ thuật.
Hiểu thêm về bậc thầy hội họa, điêu khắc Michelangelo qua “Sáu kiệt tác cuộc đời”

Cùng với Leonarda da Vinci, Raphael, và Titian, Michelangelo Buonarroti được coi là tấm gương sáng tạo mẫu mực của thời kỳ Phục Hưng Ý. Trong suốt thế kỷ 16, Michelangelo đã định hình hội họa, điêu khắc và văn hóa Ý, đặt nền móng cho sự phát triển các thế hệ họa sĩ, điêu khắc về sau. Với tầm vóc vĩ đại và sức ảnh hưởng đó, Michelangelo được mệnh danh là “người khổng lồ” hay “người siêu phàm” của giai đoạn này.

Không dừng lại ở đấy, trong suốt sự nghiệp, ông chiến đấu với các nhà bảo trợ đòi can thiệp vào quá trình sáng tạo nghệ thuật và khinh bỉ mọi quan điểm cho rằng tác phẩm của ông phục vụ bất kỳ mục đích phi nghệ thuật nào. Dù bất kể ai đặt làm tác phẩm, cho bất kỳ mục đích nào, Michelangelo luôn yêu cầu quyền được tự do làm theo ý muốn, qua đó khẳng định: nghệ thuật chỉ tuân theo những quy tắc và phục vụ những mục đích của riêng nó.

01-7980-1607949590.jpg

Có rất nhiều tác phẩm "Pietà" nhưng "Pietà" của Michenlangelo là tác phẩm duy nhất đã thể hiện biểu diện của Thần thay vì biểu diện của một con người. 

Với giọng kể trung dung, Unger giúp người đọc hiểu thêm về bối cảnh xã hội và cuộc đời Michelangelo thông qua việc phân tích 6 kiệt tác của ông năm ở 6 chương sách, gồm: Đức Mẹ sầu bi, Người khổng lồ, Sự tạo dựng, Những người chết, Ngày tận thếVương cung Thánh đường. Đi kèm theo là những phân tích chi tiết của Unger, giúp làm rõ cách Michelangelo truyền tải thông điệp qua các tác phẩm: từ Pietà được tạc bởi một thanh niên hai mươi bốn tuổi; đến bức Sự phán xét cuối cùng - tác phẩm của một ông già bị đè nặng bởi những nỗi đau mà ông đã tận mắt chứng kiến. Nếu David đại diện cho sức tráng niên và chủ nghĩa anh hùng cộng hòa Firenze thời bấy giờ, thì lăng mộ của các lãnh chúa Medici lại gửi gắm những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về cái chết và thế giới bên kia. 

Trong không gian rộng lớn của trần nhà nguyện Sistine, Michelangelo đã kể câu chuyện sử thi về Sự sáng tạo, từ những tạo tác hoàn hảo ban đầu của Đức Chúa Trời đến sự hư hỏng do những đứa con bất toàn của Ngài mang lại. Những năm cuối đời, tay không thể cầm cọ và đục đẽo, ông rèn luyện tâm trí mình bằng cách cải tạo, nâng tầm những mái vòm cao vút và trần nhà thờ Thánh Peter để tỏ lòng tôn kính đến Chúa.

02-4239-1607949590.jpg

Vua David, 1504, cao 434 cm, nặng 9 tấn bằng đá cẩm thạch nguyên khối, đặt tại Galleria dell’Accademia, Florencen. Tượng miêu tả vua David theo Kinh Thánh tại thời điểm ông quyết định chiến đấu với người khổng lồ Goliath. Bức tượng này được xem như biểu tượng của vẻ đẹp con người trẻ trung và đầy sức mạnh.

Michelangelo qua ngòi bút của Unger không chỉ được tái hiện với tài năng phi thường, trí tưởng tượng vô biên của một nghệ sĩ mang tinh thần cách mạng độc đáo, mà còn thông qua những lời đồn đại về tính cách và những lời tán tụng của người đương thời. Sự mâu thuẫn trong nội tâm là điểm nổi bật của tác phẩm này, nó không chỉ chi phối tình cảm và tâm tư của Michelangelo, mà còn ảnh hưởng đến sáng tạo nghệ thuật của “người siêu phàm” xứ Florence.

Tác giả Miles J. Unger là cây bút quen thuộc của tờ The New York Times (1999-2010), từng quản lý nội dung tạp chí Art New England (1996-2002). Hiện tại, Unger viết cho tạp chí The Economist về đề tài văn hóa nghệ thuật. Từng sống ở Florence suốt 5 năm, Miles Unger đã nghiên cứu và hoàn thành bộ sách về 3 nhân vật vĩ đại của lịch sử Florence thời kỳ Phục Hưng, gồm Machiavelli (2011), Magnifico: The Brilliant Life and Violent Times of Lorenzo de' Medici (tạm dịch: Người Vĩ đại: Cuộc đời lỗi lạc và những thời kỳ biến động của Lorenzo de’ Medici)  (2008). Michelangelo: Sáu kiệt tác cuộc đời (tên tiếng anh: Michelangelo: A Life in Six Masterpieces) là tác phẩm mới nhất của Unger. Bản tiếng Việt do dịch giả Phạm Út Quyên chuyển ngữ.

Thu Nga