GrabFood, Baemin và Now-Ứng dụng giao đồ ăn được nhận biết nhiều nhất
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 02:42, 20/12/2020
Vài năm gần đây, nhiều thương hiệu giao đồ ăn đã gia nhập thị trường Việt Nam bởi sức hút 100 triệu dân và mức chi tiêu tăng đáng kể. Để nhanh chóng giành thị phần, các đơn vị này thường xuyên đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi như giảm giá đồ ăn, giao hàng miễn phí hoặc tặng thêm quà. Một số doanh nghiệp dựa vào lợi thế từ các nền tảng sẵn có (như GrabFood và Gojek dựa vào đội ngũ tài xế và khách hàng trong hoạt động xe ôm công nghệ), số khác dựa vào ưu thế liên kết với các nhà hàng và khuyến mãi (như Baemin hay Now). Đến tháng 12/2020, những ứng dụng được biết đến nhiều nhất là GrabFood, Now, Baemin và GoFood (thuộc GoJek). Ứng dụng Loship thì chỉ chiếm thị phần rất thấp.
Những ứng dụng được biết đến nhiều nhất là GrabFood, Now, Baemin và GoFood |
GrabFood là cái tên phổ biến nhất và GrabFood có phần đông khách hàng là những người lớn tuổi. Còn Baemin lại được giới trẻ ưu tiên lựa chọn. Now được giới nữ lựa chọn nhiều hơn nam.
Thói quen đặt đồ ăn trực tuyến, nhất là qua app ở Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong vài năm gần đây. Theo báo cáo này, 80% người tham gia khảo sát cho biết đặt đồ ăn trực tuyến ít nhất 1 lần mỗi tuần, nhiều nhất là cho bữa trưa và bữa tối. Điều này cho thấy các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến ngày càng thâm nhập sâu vào thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam có thể đạt 195 triệu USD vào năm 2020. Trong đó, giao qua app dự kiến đạt quy mô khoảng 38 triệu USD, tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới. Còn công ty nghiên cứu thị trường Kantar TNS đánh giá, doanh thu thị trường giao đồ ăn trực tuyến có thể đạt tới 449 triệu USD vào năm 2023.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường giao đồ ăn Việt Nam, một doanh nghiệp quản lý ứng dụng giao đồ ăn đánh giá, tỷ lệ người trẻ tại Việt Nam đặt đồ ăn bên ngoài đã tăng nhiều, nhất là giới nhân viên văn phòng. Tại Indonesia, tỷ lệ đặt đồ ăn bên ngoài so với tổng số bữa ăn của người dân là 10%, còn tại Việt Nam mới chỉ 1-2%. Theo đó, trong 3-4 năm tới, thị trường giao đồ ăn Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 5-7 lần so với hiện tại.