Lại thêm biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm, nước Anh nếm trái đắng
Bình luận - Ngày đăng : 00:30, 24/12/2020
Trước đó, vị Bộ trưởng Y tế cho biết, Anh đã phát hiện 2 ca nhiễm biến chủng nguy hiểm của SARS-CoV-2 từ Nam Phi. Được biết, biến chủng này có khả năng lây nhiễm cao hơn, ảnh hưởng lên người trẻ mạnh hơn và kháng vắc-xin tốt hơn.
Biến chủng lây lan mạnh, tăng khả năng "tái nhiễm"
Về phía Nam Phi, Bộ Y tế nước này hồi tuần trước tuyên bố đã phát hiện ra một biến chủng SARS-CoV-2 mới, và đây có thể là nguyên nhân gây ra sự gia tăng mạnh số ca nhiễm gần đây. Ngoài ra, nhiều người lo lắng rằng, biến thể ở Nam Phi có nhiều đột biến khác giúp tăng khả năng "tái nhiễm" của nó trên bệnh nhân đã hồi phục.
![]() |
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock tại một cuộc họp báo ở London ngày 23/12. Ảnh: Reuters. |
"Biến chủng mới này rất đáng lo ngại, vì nó không chỉ dễ lây nhiễm hơn, mà dường như đã đột biến xa hơn so với biến chủng mới đầu tiên được phát hiện tại Anh", ông Hancock nói.
Theo Bộ Y tế Anh, đây là biến chủng nguy hiểm thứ 2 phát hiện tại nước này, sau khi biến chủng đầu tiên mang tên "VUI – 202012/01" được ghi nhận vào tuần trước.
VUI – 202012/01 có hơn 20 đột biến so với chủng gốc và được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70%. Biến chủng này được phát hiện lần đầu vào tháng 9/2020. Hai tháng sau, khoảng 25% số ca mắc mới ở London là do chủng mới gây nên, và đến giữa tháng 12, con số này đã tăng lên gần 2/3.
Bộ trưởng Y tế Anh cho biết, những người tiếp xúc gần với các ca mắc biến chủng SARS-CoV-2 đang được cách ly, và tất cả ai đã đến Nam Phi trong 2 tuần qua cũng cần cách ly.
Đồng thời, ông Hancock cũng thông báo nước Anh sẽ "áp lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi ngay lập tức" và thêm nhiều khu vực ở miền đông lẫn đông nam đất nước sẽ chịu phong tỏa từ ngày 26/12/2020.
"Chúng tôi quyết định tạm ngừng các chuyến bay và nhập cảnh vào Anh từ Nam Phi từ 9g00 sáng mai (25/12) sau khi biến chủng của SARS-CoV-2 gây bùng phát dịch ở Anh", hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps.
Link bài viết
Anh nếm trái đắng
Tính đến ngày 22/12, hơn 40 nước đã ngừng cho nhập cảnh đối với hành khách từ Anh, và một số tuyến đường di chuyển huyết mạch bị chặn, nhằm kiểm soát VUI – 202012/01. Tuy nhiên, hiện chưa rõ biến chủng mới đã lây lan ở quy mô ra sao; do đó việc đóng cửa biên giới với Anh có thể một lần nữa đã là quá muộn.
"Thật ngớ ngẩn. Nếu biến chủng chỉ xuất hiện ở Anh, thì việc đóng cửa biên giới với Anh mới có ý nghĩa. Nhưng nếu nó đã lan rộng, thì chúng ta phải chiến đấu với biến chủng ở khắp mọi nơi", Giám đốc Bệnh viện Đại học Tübingen ở Đức Peter Kremsner, nói.
Vị tiến sĩ này cũng nhấn mạnh, hiểu biết về biến chủng của SARS-CoV-2 của giới khoa học còn hạn chế, và độ nguy hiểm của nó còn chưa rõ ràng. Thế nên, quan điểm cho rằng biến chủng chưa lan rộng ngoài nước Anh là rất "ngây thơ". Cần biết rằng, thời điểm Thủ tướng Boris Johnson thông báo các biện pháp phong tỏa mới đối với hàng triệu người ngụ tại và xung quanh London, biến chủng của virus đã lây lan được nhiều tháng.
Do đó, kịch bản bị "cách ly" khỏi Liên minh châu Âu (EU) lẫn phần còn lại của thế giới dường như đã đến cùng người dân Anh sớm hơn so với cột mốc 31/12 - thời điểm tiến trình Brexit chính thức hoàn tất. Hiện, các chuỗi siêu thị lớn đã cảnh báo về tình trạng khan hiếm rau quả, các xe chở hàng mắc kẹt gần các cảng biển huyết mạch, trong khi dòng người muốn rời Anh để về nước lũ lượt đổ về biên giới, trước khi lệnh cấm di chuyển có hiệu lực.
![]() |
Trung tâm thủ đô London, Anh, vắng lặng hôm 21/12. Ảnh: NY Times. |
Trên thực tế, trong mắt nhiều người Anh, biến chủng SARS-CoV-2 đã là chất xúc tác, khiến cho nỗi sợ về số phận đất nước hậu Brexit trở nên hiện thực sớm hơn dự kiến, và là theo cách mà họ không mong muốn. "Đối với tôi, các giới hạn đã tồn tại trong suy nghĩ vì Brexit. Giờ, nó trở nên hữu hình", Russell Hazel - một người mắc Covid-19 hồi đầu năm, nói.
Trong khi đó, Kelly Merris - một người gốc Australia phải hủy kế hoạch đoàn tụ với gia đình vào cuối năm nay vì giới hạn đi lại, nói: "Tôi cho rằng, phần còn lại của thế giới đang nhìn chúng tôi và lắc đầu. Thật không thoải mái khi phải ở trên 'Đảo Dịch bệnh' và bị các quốc gia khác xa lánh".
Thậm chí, một số người Anh còn cho rằng, "làn sóng cấm cửa" là một phần cái giá mà quốc gia phải trả cho nỗ lực rời khỏi EU kéo dài suốt nhiều năm. "Đây là thứ bạn nhận được khi đòi Brexit. Hà cớ gì người dân châu Âu phải đồng cảm hay tiếp xúc với chúng ta?", Suraya Klein-Smith - một tiếp viên hàng không đã chứng kiến nhiều bạn bè mất việc trong năm nay, chua chát nói.