Đột quỵ không loại trừ bất cứ ai

Sống khỏe - Ngày đăng : 06:42, 26/12/2020

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016 có khoảng 15,2 triệu người tử vong vì bệnh đột quỵ và tim mạch trên toàn thế giới. Đáng lo ngại hơn, con số tử vong này đang ngày càng trẻ hóa.
BS-Cuong-2246-1608868787.jpg

TS-BS. Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

Đột quỵ được phân thành hai loại chính: Đột quỵ thiếu máu não do tắc mạch máu não (nhồi máu não): chiếm khoảng 80%; đột quỵ chảy máu não do vỡ mạch máu não (xuất huyết não): chiếm khoảng 20%. 

Trong đột quỵ, thời gian cấp cứu bệnh nhân kể từ khi bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ là rất quan trọng và càng sớm càng tốt, lúc này “thời gian là não”. Bởi mỗi lần đột quỵ sẽ làm chết khoảng 1,2 tỷ tế bào não, mỗi phút trôi qua sẽ mất 2 triệu tế bào não. Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ được định nghĩa như sau:

Trong vòng 4,5 giờ: Nếu bệnh nhân đến từ 0-4,5 giờ, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc tan cục máu đông đường tĩnh mạch đối với nhồi máu não mạch máu. Mặc dù có một tỷ lệ nhỏ nguy cơ xuất huyết não sau tiêm thuốc nhưng phương pháp này là tốt nhất hiện nay cho đột quỵ nhồi máu do tắc mạch máu nhỏ.  

Trong vòng 6 giờ: Bệnh nhân đến từ 4,5-6 giờ, nếu được xác định nguyên nhân đột quỵ là do tắc nghẽn động mạch lớn  bệnh nhân sẽ được can thiệp nội mạch DSA, lấy cục huyết khối. Khoa học đã chứng minh bệnh nhân sau đột quỵ tiết kiệm mỗi 15 phút sẽ giảm được 4% nguy cơ tử vong và tàn phế.    

- Xuất huyết não: Càng sớm càng tốt. Bệnh nhân sẽ được can thiệp gây tắc mạch máu đang chảy hoặc điều trị bằng thuốc, hay phẫu thuật lấy máu bầm tùy trường hợp. Trong trường hợp xuất huyết não do vỡ túi phình, bệnh nhân sẽ được can thiệp đặt coils, stent hay phẫu thuật kẹp túi phình thùy theo vị trí, kích thước...

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ là gì?

Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về mạch máu. Huyết áp cao làm gia tăng áp lực lên thành mạch máu dẫn đến tình trạng xơ vữa mạch máu, những mảng xơ vữa này lâu ngày sẽ hình thành nên huyết khối (cục máu đông) đi khắp các mạch máu trong cơ thể. Nếu cục máu đông này trôi lên não, dẫn đến tắc mạch máu não gây ra đột quỵ nhồi máu não. Tăng huyết áp làm gia tăng áp lực lên thành mạch, khi gia tăng quá mức, thành mạch có thể bị vỡ, gây ra đột quỵ xuất huyết não.

Đái tháo đường: Người bị đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2- 4 lần so với người bình thường.

 Mỡ máu cao có thể phá hủy các “lớp áo” trong của mạch máu, gây ra mảng xơ cứng bám vào các mạch máu, cản trở việc lưu thông, cung cấp máu lên não. Thời gian dài sẽ gây ra tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến nhồi máu não.

Bia rượu tác động xấu lên hệ tim mạch, tim người uống rượu bia quá nhiều có thể bị giãn nở to hơn tim người bình thường, song kém chức năng (bệnh cơ tim giãn nở), khả năng bơm máu kém dễ gây ra đột quỵ. 

Người thường xuyên hút thuốc lá sẽ gây viêm trong mạch máu, làm tăng nhanh quá trình xơ vữa mạch máu, dễ hình thành cục máu đông, ngoài ra thuốc lá còn làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, nhồi máu thận hoặc tắc cấp tính các mạch chi dưới thậm chí phải cắt cụt chi nếu không kịp thời xử lý. 

Người thường xuyên căng thẳng stress: Khi áp lực công việc cùng với chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh như thức khuya mất ngủ kéo dài, ăn uống không điều độ... dễ gây ra tình trạng như đau đầu, căng thẳng, stress... Khi căng thẳng quá mức sẽ làm tăng huyết áp, tăng đường huyết, nếu trong thời gian dài sẽ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở mọi người, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. 

dot-quy-1-5260-1608868787.jpg

Ghi nhận ở người cao tuổi và trung niên nhất là từ 60 tuổi trở lên thường dễ mắc phải đột quỵ. Tuy nhiên, hiện nay đột quỵ đang dần trẻ hóa bằng chứng là có những trường hợp đột quỵ ở độ tuổi dưới 40 đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt là lứa tuổi trẻ 20-45 đa số bệnh nhân đột quỵ là nam giới và có liên quan nhiều đến rượu bia, thuốc lá. Tuy nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn nhưng tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới lại thấp hơn nữ giới. Tỷ lệ được cứu sống ở nam giới khi bị đột quỵ cao hơn nữ giới vì nam giới đột quỵ có độ tuổi trung bình thấp hơn so với nữ giới.

Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn do ảnh hưởng thói quen sống hoặc yếu tố di truyền. Người đã từng bị đột quỵ thì khả năng tái phát đột quỵ của họ cao gấp 7 lần người thường. 

TS-BS. Trần Chí Cường