Top 10 sự kiện văn hóa - nghệ thuật nổi bật năm 2020
Đời thường - Ngày đăng : 07:00, 28/12/2020
Tiêu chí chọn lựa của Doanh nhân Sài Gòn là những sự kiện tiêu biểu trong từng lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, có sức lan tỏa mạnh mẽ hoặc có thể tạo ra một diện mạo mới.
1. Năm của đau thương và mất mát
Chadwick Boseman trở thành một trong những gương mặt truyền cảm hứng trên toàn thế giới về nghị lực sống, tinh thần làm việc và cống hiến hết mình. Bức ảnh chụp Boseman trên bìa tờ Entertainment Weekly cùng những cái tên truyền cảm hứng trong năm 2020 tại Hollywood. Ảnh: Same Jones |
Năm 2020, khán giả liên tục đón nhận thông tin đau buồn về sự ra đi của các ngôi sao có sức ảnh hưởng. Có người qua đời vì tuổi cao sức yếu, cũng có người mất vì bệnh tật, vì Covid-19 khi tuổi đời còn rất trẻ, tài năng đương nở rộ khiến người hâm mộ bàng hoàng.
Chadwick Boseman - ngôi sao Marvel - người đã tạo nên dấu ấn lớn cho người da đen trên màn ảnh rộng trong bộ phim siêu anh hùng tỷ đô, rapper và vlogger người Đức gốc Việt Brittanaya Karma, huyền thoại bóng đá Diego Maradona hay “quái kiệt” điện ảnh Hàn - Kim Ki Duk đều là những cái tên lẫy lừng và truyền cảm hứng trong lĩnh vực của họ.
Trong khi đó, làng văn hóa - nghệ thuật Việt cũng chứng kiến sự qua đời của nhiều tên tuổi lớn như: Nguyễn Xuân Sanh - thi sĩ cuối cùng của phong trào Thơ Mới, họa sĩ Phạm Cung, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt... NSƯT Nguyễn Chánh Tín, nhạc sĩ Phó Đức Phương, nghệ sĩ Ánh Hoa, Chí Tài, Mai Phương, ca sĩ Mai Hương - “viên ngọc” của nền tân nhạc Việt Nam...
2. Các sự kiện trực tuyến lên ngôi
Show diễn của nhà mốt Giorgio Armani 2020 trình diễn trực tuyến, mở đầu cho xu hướng này để ứng phó với Covid-19 |
Sẽ không ai có thể hình dung được một ngày họ phải ngồi yên một chỗ và nhìn ngắm tất cả, tổ chức mọi hoạt động trình diễn, mua bán qua màn hình các thiết bị điện tử. Nhưng Covid-19 đã buộc con người thích nghi để tồn tại. Show diễn thời trang của các nhà mốt hàng đầu nhất thế giới, triển lãm nghệ thuật, trình diễn âm nhạc, múa, nhạc kịch, các buổi bán đấu giá nghệ thuật... tất cả đều được số hóa và đưa lên nền tảng trực tuyến mà sự hấp dẫn và thú vị chẳng kém gì những buổi xem trực tiếp. Các bảo tàng, thư viện quốc gia cũng nhanh chóng số hóa sách và cho phép người đọc được tải miễn phí nhiều ấn bản sách có giá trị.
Các chuyên gia dự đoán rằng, ngay cả khi Covid-19 qua đi thì thế giới sẽ khó trở lại trạng thái bình thường như trước đây vì sự hữu dụng và tiện ích về thời gian mà công nghệ mang lại. Nếu chứng kiến cách các người mẫu ảo trình diễn như người mẫu thật, sự sôi nổi của các buổi đấu giá trực tuyến, bạn sẽ có cơ sở để tin rằng lo ngại này hoàn toàn có cơ sở.
3. Warner Bros. tung phim lên nền tảng trực tuyến
Wonder Woman 1984 - dự án đầu tiên của Warner Bros. chiếu song song tại rạp và trên HBO Max |
Quyết định đưa toàn bộ phim điện ảnh của hãng ra mắt trên kênh phim trực tuyến HBO Max dưới định dạng 4K Ultra HD và HDR song song với việc chiếu rạp của hãng Warner Bros. trong đó có nhiều dự án bom tấn như: Wonder Woman 1984, Dune, The Matrix 4, The Suicide Squad... tạo nên nhiều tranh cãi và khiến giới làm phim chao đảo. Nhiều đạo diễn tài năng đã lên tiếng phản đối, tuy nhiên động thái này của Warner Bros. được xem là định hướng phù hợp trước tình hình dịch bệnh chưa thể kiểm soát trong khi hàng loạt dự án của hãng liên tục tạm hoãn và vốn sản xuất thì không thể thu hồi.
Trước Warner Bros., hãng Disney cũng đã quyết định tung một số dự án lên nền tảng Disney+, trong đó có Mulan. Nếu Covid-19 tiếp tục kéo dài, e là nhiều hãng phim cũng sẽ chọn hướng đi hiện tại của Warner Bros.
4. Nhiều rạp phim trên thế giới đứng trước nguy cơ vỡ nợ
Tác động của Covid-19 đối với thị trường điện ảnh dai dẳng và nặng nề. Không chỉ hàng loạt phim dời lịch chiếu, mà khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ, Anh đến Hàn Quốc, những hệ thống rạp lớn nhất đều phải cắt giảm tối đa vẫn không tránh được nguy cơ vỡ nợ hoặc phá sản. Bên cạnh đó là hàng trăm nghìn lao động thất nghiệp.
CJ CGV - chuỗi rạp lớn nhất Hàn Quốc đã phải cắt giảm 30% số lượng chi nhánh tại Hàn Quốc khi doanh thu của năm 2020 giảm hơn 70% cùng kỳ. Tại Việt Nam, CJ CGV cũng quyết định bán lại 25% cổ phần, đóng cửa một số rạp chiếu hoạt động không hiệu quả để cải thiện cấu trúc tài chính đang suy yếu. Trong khi đó, AMC - chuỗi rạp chiếu lớn nhất nước Mỹ đang chuẩn bị nộp hồ sơ phá sản. Cineworld - chuỗi rạp lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với khoảng nợ 8 tỷ USD sau vụ thâu tóm và hiện phải đóng cửa tất cả hệ thống rạp chiếu tại Anh và Mỹ.
5. MV Ghen Cô-Vy lan tỏa toàn cầu
Ghen Cô-Vy - sản phẩm âm nhạc hưởng ứng cuộc chiến chống Covid-19 của bộ ba Min - Erik - Khắc Hưng nằm trong dự án của Viện Sức khỏe, Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế cùng đoạn clip challenge “vũ điệu rửa tay” do vũ công Quang Đăng thực hiện đã vươn ra khỏi phạm vi Việt Nam đến với nhiều nước trên thế giới, xuất hiện trên các kênh truyền thông hàng đầu của Mỹ như Last Week Tonight With John Oliver, Tạp chí Billboard... Giai điệu vui nhộn, phần lời dễ nhớ (nhạc sĩ Mew Amazing chuyển ngữ tiếng Anh), vũ đạo dễ thực hiện, Ghen Cô-Vy không chỉ trở thành bài hát tuyên truyền chống dịch hiệu quả mà còn xứng đáng là ca khúc của một năm đặc biệt. Bài hát sau đó còn được dịch qua một số thứ tiếng.
6. Ròm ra rạp, tạo cú hích điện ảnh Việt giữa mùa Covid-19
Ròm - bộ phim nhiều lận đận của đạo diễn Trần Thanh Huy đã có một cái kết đẹp |
Là phim độc lập, từng đoạt giải tại Liên hoan phim Busan nhưng lại có số phận lận đận tại Việt Nam ở khâu kiểm duyệt, chiến thắng giòn giã của Ròm tại phòng vé Việt (doanh thu hơn 60 tỷ đồng) thực sự là cột mốc của điện ảnh Việt trong năm 2020. Bộ phim của đạo diễn Trần Thanh Huy cho thấy khán giả Việt đã ít nhiều sẵn lòng đón nhận những tác phẩm độc lập, chỉ cần chúng có nội dung đáng xem.
Hơn thế nữa, trong một năm nhiều dự án Việt ngần ngại ra rạp vì Covid-19, thì chiến thắng của Ròm đã góp phần “hâm nóng” rạp chiếu Việt, thúc đẩy nhiều nhà sản xuất mạnh dạn đưa phim ra rạp như: Sài Gòn trong cơn mưa (phim độc lập), Thang máy, Tiệc trăng máu (doanh thu 175 tỷ đồng, lọt top 3 phim Việt nội địa ăn khách nhất), Trái tim quái vật... Tất nhiên, không phải phim nào cũng đạt doanh thu như kỳ vọng nhưng thị trường điện ảnh Việt có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn, cũng như chứng kiến sự đa dạng hơn trong thể loại và sự mạo hiểm của các nhà đầu tư.
7. Cuộc đua của các nền tảng trực tuyến Việt
Sự gia tăng của người dùng các thiết bị thông minh tại Việt Nam đã thúc đẩy các đơn vị kinh doanh nội dung giải trí trực tuyến lao vào cuộc đua giành khán giả một cách mạnh mẽ và khốc liệt. Bên cạnh các đơn vị xuất hiện từ trước như POPS, Danet, Zing TV... thì năm 2020, thị trường giải trí Việt chứng kiến sự gia nhập bất phân thắng bại của hai nền tảng mới là Galaxy Play và VieON thuộc hai ông lớn Galaxy và Đất Việt VAC.
Cả ba nền tảng POPS, Galaxy Play và VieON đều tăng cường đẩy mạnh việc tiếp cận người dùng thông qua cuộc đua nội dung nhiều mới mẻ, bất ngờ và cung cấp nhiều trải nghiệm khách hàng mới. Trong cuộc đua này, người dùng là đối tượng hưởng lợi nhất.
8. Rap Việt lên ngôi
Không quá khi nói 2020 là năm của Rap Việt. Lướt trên các nền tảng YouTube, Facebook, quảng cáo online, show diễn thời trang hay bật tivi hay trên mặt báo, đâu đâu cũng thấy rap hiện hữu. Người trẻ mê đã đành, trẻ con, người lớn tuổi cũng mê. Nhà nhà nghe rap. Mỗi số lên sóng, Rap Việt thu hút vài chục triệu lượt xem trên YouTube. Nhiều bản rap đứng thứ hạng cao trên các nền tảng iTunes, Spotify...
Sự thành công của Rap Việt không chỉ mang lại sức sống mới cho truyền hình thực tế mà còn xóa bỏ những định kiến về thể loại nhạc này như: thiếu văn minh, tục tĩu, phản ánh sự tăm tối. Những bài rap về các khía cạnh khác nhau của đời sống, thân phận con người đưa rap đến gần hơn với công chúng. Đây là kết quả xứng đáng của một quá trình rất dài khi rap luôn là dòng nhạc indie. Tuy nhiên, để không chỉ là trào lưu sau một thời gian, nhạc rap cần nhiều sản phẩm chất lượng và để lại dấu ấn nhiều hơn.
9. Nghệ thuật đương đại Việt tựa vào văn hóa dân gian
Không gian triển lãm "Mộng bình thường" của NTK Thủy Nguyễn |
Một loạt triển lãm nghệ thuật đương đại, ấn phẩm sách ra đời trong năm 2020, từ thế hệ trẻ cho đến các nghệ sĩ có tên tuổi đều chọn văn hóa dân gian làm điểm tựa. Có thể kể đến vài cái tên tiêu biểu như: Thủy Nguyễn với triển lãm Mộng bình thường, Nguyễn Ngọc Vũ với triển lãm Tuồng, Trung Nghĩa với Nát giỏ còn bờ tre, tác giả Cao Nguyệt Nguyên với Truyện Kiều cảm tác, Thanh Huyên với Việt sử diễn họa...
Những dự án này đều khám phá văn hóa dân gian ở những góc nhìn mới mẻ, thú vị hơn. Điểm chung của các nghệ sĩ, các tác giả là nỗ lực đương đại hóa những yếu tố thuộc về truyền thống, bày biện cho người xem nhìn thấy được tính ứng dụng của chúng trong đời sống hiện đại. Song hành là biện pháp khả thi nhất để những yếu tố thuộc về văn hóa dân gian, thuộc về truyền thống có thể tồn tại và phát triển trên những nấc thang mới.
10. Tuần lễ Doanh nhân và Sách 2020
Tuần lễ Doanh nhân và Sách 2020 do báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức |
Tuần lễ Doanh nhân và Sách 2020 (diễn ra từ ngày 8-14/10/20202) do báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam và Công ty TNHH Đường sách TP.HCM tổ chức với chủ đề “Đô thị thông minh” đã thu hút gần 20 đơn vị xuất bản, công ty phát hành sách tham gia với nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Bình chọn và vinh danh 10 cuốn sách đáng đọc nhất; Vinh danh cố danh nhân Lương Văn Can - Người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam; tổ chức nhiều talkshow, chủ đề, giao lưu với các tác giả sách là doanh nhân.
Lần đầu tiên tổ chức nhưng Tuần lễ đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân, công chúng, trở thành sự kiện văn hóa lớn của cộng đồng doanh nhân TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung. Đây là sự kiện văn hóa cổ vũ cho tinh thần đọc và viết sách qua đó góp phần xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam, trí - tâm - tài - tín. Để tiếp tục lan tỏa tinh thần này, sau Tuần lễ, báo Doanh Nhân Sài Gòn tiếp tục thành lập và ra mắt Hội đồng Phát triển sách doanh nhândo chính các doanh nhân tham gia với nhiều hoạt động ý nghĩa trong thời gian tới.