Vượt qua Covid-19: Xuất nhập khẩu cán đích ngoạn mục
Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 06:00, 30/12/2020
Vướng đâu gỡ đó
Diễn biến của đại dịch Covid-19 bất ngờ và khó đoán định, làm đảo lộn mọi kế hoạch tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Kinh tế Việt Nam với độ mở cao, tăng trưởng dựa nhiều vào xuất nhập khẩu, nên những "rung lắc" của thị trường thế giới tác động không nhỏ. Có những thời điểm, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, xuất khẩu rơi vào thế "chông chênh". Tuy nhiên cho tới nay, kim ngạch xuất khẩu cơ bản đạt được mục tiêu tăng trưởng khá.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2020 ước đạt 489,7 tỷ USD, tăng 3,59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu thu về 254,9 tỷ USD, tăng 5,5%, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 234,78 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Mười một tháng năm 2020 ước tính xuất siêu 20,16 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,8 tỷ USD).
![]() |
Năm 2020, xuất nhập khẩu là lĩnh vực chịu tác động gần như ngay lập tức khi dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu. Hàng hóa bị phong tỏa, các quốc gia "cấm biên", nguyên liệu sản xuất thiếu hụt, giá trị đơn hàng suy giảm do nhu cầu thị trường nhập khẩu giảm mạnh... Để duy trì xuất khẩu, những chính sách, giải pháp từ Chính phủ đã được các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thực thi trên tinh thần "vướng đâu gỡ đó", nên đã hoàn thành mục tiêu kép là vừa đảm bảo chống dịch, vừa giữ đà tăng trưởng kinh tế. Điều này được minh chứng qua các con số tăng trưởng từng tháng.
Chững lại vào tháng 4, khi tác động của dịch bệnh bắt đầu "ngấm" tới doanh nghiệp, nhưng rồi đà tăng trưởng dần phục hồi qua các tháng. Tháng 4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm 22% so với tháng 3, bước sang tháng 5, đã tăng 3,5% so với tháng 4, và sang tháng 6 đạt mức tăng hơn 15,8% so với tháng 5. Quý II/2020, kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ giảm hơn 1% so với cùng kỳ năm trước và bước sang quý III, đà xuất nhập khẩu đã hồi phục với kim ngạch xuất khẩu đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,4% so với quý II (tăng 26,6% so với quý I).
Xuất nhập khẩu năm 2020 còn ghi nhận cơ cấu hàng hóa có sự thay đổi đáng kể, cùng với đó là sự vươn lên của khu vực doanh nghiệp trong nước. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2020, khối doanh nghiệp trong nước có mức tăng trưởng xuất khẩu lên tới 20,2%, cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 4,2%) trong khi xuất khẩu của khu vực FDI giảm 2,9%.
Về cơ cấu hàng hóa, trong 11 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%. Riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò chủ đạo vào tốc độ tăng trưởng, kim ngạch ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ 2019.
Lực đẩy từ các FTA
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ gia tăng thì việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu dương và xuất siêu trong 11 tháng qua cho thấy đã tận dụng khá tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại.
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã trở thành động lực giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhất là những tháng cuối năm 2020. Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sau 4 tháng triển khai EVFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu của tăng đáng kể. Nếu như tháng đầu sau khi thực hiện EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng hơn 7%, thì sang tháng thứ hai đã tăng trên 9%, tháng thứ ba tăng khoảng 15%. Như vậy, trung bình mức tăng khoảng 10-11% sau ba tháng thực thi EVFTA.
Ngoài tận dụng tốt các FTA, các giải pháp hạn chế đà suy giảm xuất nhập khẩu, đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Chính phủ, các bộ, ngành rốt ráo triển khai, trở thành "liều vắc xin" hiệu quả trong việc đương đầu với những khó khăn mà đại dịch mang lại. Chính phủ đã ban hành những chính sách, giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất. Đơn cử như liên tục cập nhật thông tin chính sách biên mậu của Trung Quốc, tích cực gỡ khó cho doanh nghiệp, chủ hàng khi xuất khẩu qua biên giới.
Các tham tán kinh tế, thương vụ nước ngoài của Việt Nam đã đẩy mạnh kết nối giao thương, khơi mở thị trường và tìm kiếm bạn hàng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đặc biệt, đã thực hiện kịp thời hàng loạt cuộc xúc tiến giao thương, hội chợ trực tuyến. Bộ Công Thương cũng đã trực tiếp điện đàm với các cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài để tránh tình trạng đứt gãy chuỗi kết nối với doanh nghiệp, giúp duy trì và tìm kiếm nguồn cung mới với đối tác mới, thị trường mới.