Dấu ấn tạo nên huyền thoại Pierre Cardin
Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 04:00, 30/12/2020
Pierre Cardin qua đời ở tuổi 98 hôm 29/12 tại Paris. Sinh thời, ông từng thiết kế phục trang cho nhiều ngôi sao trứ danh trong nền công nghiệp giải trí như: Elizabeth Taylor, Barbra Streisand, Jeanne Moreau, Charlotte Rampling, nhóm nhạc The Beatles và The Rolling Stones. Nhưng Pierre Cardin không chỉ nổi tiếng từ điều này. Ông nằm trong nhóm những nhà thiết kế đầu tiên thu về lợi nhuận lớn từ thời trang và thực sự biến thời trang trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền nhờ cách thức gây dựng thương hiệu rất hiệu quả.
Hiện có khoảng 800 sản phẩm và công ty kinh doanh mang thương hiệu Cardin, từ quần áo nam-nữ, phụ kiện cho đến bút máy, xe hơi, đồ nội thất và chuỗi nhà hàng, khách sạn. Đăng nhập vào trang thương mại điện tử nổi tiếng eBay, bạn có thể thấy cái tên Cardin xuất hiện gần như khắp mọi nơi.
Chàng thợ may thành nhà thiết kế đầy sức ảnh hưởng
Pierre Cardin sinh năm 1922 trong gia đình thương nhân kinh doanh rượu tại San Biagio di Callalta, một thị trấn nhỏ ở phía đông bắc nước Ý. Tên ban đầu của ông là Pietro, nhưng sau này, ông được đổi tên thành Pierre khi gia đình chạy trốn chủ nghĩa phát xít đang dần lớn mạnh tại Ý để đến Pháp. Lúc đó, Cardin mới lên 2 tuổi.
Đam mê thời trang đến với Cardin rất tình cờ, khi ông giúp một người bạn gái may quần áo búp bê thời thơ ấu. Cardin hồi tưởng: “Tôi cắt vải từ chiếc váy cũ, may thành quần áo mới cho những con búp bê, nhưng cha không vui trước sở thích của tôi. Ông nói, may vá không phải việc của nam giới. Tôi rất buồn khi chứng kiến ông vứt đi những trang phục đầu tiên tôi tạo ra”.
Năm 1940, ở tuổi 18, Cardin rời nhà để sống tự lập. Công việc đầu tiên ông làm là thợ học việc cho một hiệu may nam. Tháng 6 năm đó, ông bất ngờ chạm mặt một toán lính Đức đang chiếm đóng Pháp. “Lúc ấy tôi đạp xe đạp, dừng lại tại một trạm kiểm tra của quân Đức thì bị bắt giữ. Họ đẩy tôi vào chiếc xe tải lớn, khi cho rằng giấy tờ tùy thân của tôi là giả. Suốt 24 giờ mắc kẹt trong xe, tôi khóc nấc vì nghĩ mình sẽ chết", Cardin kể lại. “Hôm sau, họ thả tôi đi. Tôi đã chạy như bay khỏi trạm. Sau trải nghiệm đó, tôi chỉ có duy nhất một hoài bão: phải trở nên thành công”.
Pierre Cardin thời trẻ |
Năm 1945, Cardin tới Paris làm việc cho nhà mốt Paquin, Elsa Schiaparelli rồi trở thành thợ chính cho xưởng may của Christian Dior, vừa mới mở một cửa hiệu thời trang cao cấp tại Paris. Dior từng nhận xét: "Những nhà thiết kế như Cardin là tương lai của Haute Couture".
Năm 1950, Pierre Cardin được mời trở thành Giám đốc sáng tạo của Chanel nhưng ông từ chối để ra mắt thương hiệu riêng. Năm 1951, Cardin tạo ra khoảng 30 bộ trang phục cho buổi dạ hội theo chủ đề lễ hội Venice lần thứ 18 của nhà sưu tập nghệ thuật Carlos de Bestegui tại cung điện Palazzo Labia, Italy. Nhờ sự kiện này, tên tuổi của Pierre Cardin xuất hiện trên bản đồ thời trang thế giới. Sáng tạo gây sốt đầu tiên của Cardin chính là mẫu váy phồng mà ông thiết kế hồi năm 1954, phong cách tạo mẫu hòa quyện đường nét hình học - kiến trúc độc đáo giúp thúc đẩy làn sóng “giải phóng phụ nữ” trong thập niên 60s. Ngay lập tức, mẫu thiết kế này rất được phụ nữ yêu thích và tạo đà để ông có thêm nhiều sáng tạo mới mẻ trong lĩnh vực thời trang.
Tạo ra khái niệm thời trang may sẵn, giá cả phải chăng
The Beatles diện thiết kế áo khoác không cổ của Cardin năm 1963. |
Với hy vọng có thể khiến thời trang thiết kế đến được với đông đảo khách hàng, Pierre Cardin cho ra mắt dòng sản phẩm may sẵn đầu tiên được bày bán tại một cửa hiệu bách hóa ở Paris hồi năm 1959. Đây là một động thái rất gây tranh cãi thời bấy giờ. Những nhà mốt vốn tự hào với các thiết kế riêng độc đáo, không có phiên bản thứ hai, coi hành động của Cardin là không thể chấp nhận được. Ông bị nhiều đồng nghiệp trong giới thời trang tẩy chay vì tung ra sản phẩm may sẵn. Nhưng chẳng mấy chốc, người ta hiểu rằng suy nghĩ của Pierre Cardin là sáng suốt và hợp thời, giúp mở rộng thị trường thời trang.
Cách mạng nguyên liệu, trang phục vị lai, phi giới tính
Những năm 1960, Cardin tạo ra cuộc cách mạng với dòng sản phẩm mang phong cách không gian gồm quần áo làm từ giấy bạc và nhựa vinyl. Những bộ đồ bằng da, nhựa sáng bóng bó sát cơ thể, lấp lánh ánh kim loại, mũ len PVC, váy kiểu kimono với tay áo hình học cách điệu... được giới yêu thời trang tán thưởng. Pierre Cardin nổi tiếng khó tính trong lựa chọn chất liệu. Ông muốn đảm bảo quần áo phải được cắt từ chất liệu tốt nhất. Vì vậy, Pierre Cardin đặt ra các xu hướng dệt may mới để các nhà sản xuất vải thực hiện theo thông số, hướng dẫn của ông.
Trang phục làm từ giấy bạc và nhựa vinyl đã xuất hiện từ thập niên 60s với tầm nhìn vĩ đại của Pierre Cardin |
Pierre Cardin có những thiết kế không đi theo thị hiếu thông thường mà bứt phá để tạo nên những sáng tạo đầy thử nghiệm táo bạo, mang phong cách thời trang vị lai của Italy. Các họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư ảnh hưởng lớn đến các thiết kế thời trang trừu tượng của ông. Trang phục của Cardin khi đó không thực sự phù hợp để sử dụng hàng ngày nhưng được đánh giá là xu hướng thời trang của tương lai. Bằng việc sáng tạo nên những thiết kế thời trang phi giới tính và dòng sản phẩm may sẵn đầy lạ lẫm thuở đương thời, Pierre Cardin càng trở thành nhân vật quyền lực với những ý tưởng tiên phong trong lĩnh vực mốt bởi trước đó, cả hai khái niệm này đều chưa được biết tới.
Cũng trong thập niên 1960, Cardin đã tạo nên cuộc cách mạng cho thời trang nam khi mang tới những trang phục gợi cảm, thanh lịch, tôn chiều cao và tuổi trẻ đàn ông. WWD đánh giá sức sáng tạo của ông là vô biên.
Phát triển hệ sinh thái thời trang
Các thiết kế vị lai của Pierre Cardin ra mắt tại Nga |
Dù là nhà thiết kế trưởng thành ở thời kỳ đầu của nền công nghiệp thời trang, nhưng Pierre Cardin rất nhạy bén, ông nằm trong số những nhà thiết kế nước ngoài đầu tiên tìm tới thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và Nga để mở cửa hiệu thời trang. Ông là người tiên phong trong việc mở rộng thời trang, gắn liền với phong cách sống. Thập niên 70-80s, sau khi đã gây dựng thành công tên thương hiệu trong lĩnh vực thời trang thì liền gắn thương hiệu đó với hàng loạt các dòng sản phẩm khác như nước hoa, đồng hồ, đồ gia dụng như giá đỡ bút chút, mũ bóng chày, giấy vệ sinh, thiết kế nội thất, ôtô... Việc này đem lại lợi nhuận khổng lồ mỗi năm và được Pierre Cardin chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Về sau, hàng loạt nhà mốt đình đám khác đã tích cực vận dụng ý tưởng này.
Trong lĩnh vực bất động sản, ông ưu tiên mua những công trình kiến trúc cổ và những nhà hàng tên tuổi tại Paris. Sau đó, ông gây dựng chuỗi nhà hàng sang trọng có chi nhánh mở ra tại những thành phố lớn trên thế giới như New York, Bắc Kinh...
Dù đóng góp nhiều như vậy cho ngành thời trang và là một trong những người giàu có nhất nước Pháp nhưng Pierre Cardin cực kỳ khiêm tốn. Phim tài liệu House of Cardin (phát hành vào tháng 9/2020), do bộ đôi đạo diễn người Mỹ Todd Hughes và P. David Ebersole thực hiện là tác phẩm vinh danh sau cùng và duy nhất có sự cho phép cũng như tham gia của Cardin. Phim thuật lại chuyện nghề, chuyện đời lý thú về Cardin trong hơn 7 thập niên, từ những ngày đầu bước chân vào ngành thời trang của ông cho đến khi trở thành một huyền thoại. “Cardin không phải tuýp người thích ngồi yên vị trước ống kính máy quay để nói về bản thân. Ông ấy muốn tự do đi dạo và trò chuyện. Có thể gặp gỡ, thực hiện tác phẩm này với Cardin, tôi nghĩ, chính là định mệnh”, Hughes bày tỏ.