Việt Nam quyết giảm thâm hụt thương mại với Mỹ
Trong nước - Ngày đăng : 05:32, 07/01/2021
Tuyên bố trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương vào sáng 7/1/2021. Theo Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam "rất quyết liệt giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp" bằng các hành động cụ thể.
Đến nay, Mỹ và Chính phủ Việt Nam đã có hai cuộc điện đàm thảo luận về vấn đề này, bao gồm cuộc nói chuyện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/12/2020 và giữa Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ngoại trưởng Mike Pompeo vào hôm qua.
"Chính phủ Việt Nam quyết tâm cùng Mỹ thực hiện kế hoạch hành động chung, hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Chính sách tiền tệ của Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo thế cạnh tranh trong thương mại", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, 22g00 tối nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ điện đàm với Trưởng đại diện thương mại Mỹ (USTR) để hiện thực hoá những điều mà lãnh đạo 2 nước đã trao đổi trước đó, tiến đến "xoá bỏ vụ việc phức tạp này", tránh để lại hệ quả xấu cho thương mại và đầu tư.
"Vụ việc này nếu không làm tốt sẽ gây hậu quả rất xấu cho đầu tư và thương mại của đất nước", ông Phúc nói. Hiện, USTR cũng đang điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo Điều khoản 301 của Luật Thương mại năm 1974 của Mỹ.
Dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng mạnh trong 4 năm ông Trump làm tổng thống, từ 38,3 tỷ USD năm 2017, lên 39,4 tỷ USD năm 2018, 55,7 tỷ USD năm 2019 và hướng đến mức kỷ lục 65 tỷ USD năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết Bộ Công Thương sáng 7/1/2021. Ảnh: MOIT. |
Cũng tại Hội nghị, bên cạnh các kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, như ngành công nghiệp thiếu tính bền vững, doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn ít. Mức độ đa dạng hóa thị trường chưa cao, lợi thế cạnh tranh chủ yếu vẫn là giá cả chứ chưa phải giá trị, chưa có nhiều thương hiệu quốc gia tầm cỡ...
Theo Thủ tướng, việc khai thác thị trường 100 triệu dân còn chưa tốt, tình trạng hàng gian, hàng giả còn phức tạp, chưa có chiến lược quốc gia đưa hàng nông thôn lên thành thị. Năng lực quản lý nhiều cơ quan quản lý còn yếu kém, nhiều chủ trương chính sách triển khai chậm, chưa đồng bộ...
Dự báo, tình hình thế giới và khu vực năm 2021 sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là đại dịch Covid-19 dự kiến vẫn sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất cũng như đời sống của nhân dân. Bối cảnh đó đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn đối với ngành Công Thương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bước sang năm sau, xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư vẫn sẽ là "cỗ xe tam mã", tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế. Do đó, ngành Công Thương cần tiếp tục phấn đấu đạt kết quả mọi mặt tốt hơn nữa, tổ chức thực hiện tốt phương châm "đổi mới, sáng tạo, khát vọng" để phát triển mạnh mẽ trong toàn ngành, góp phầm quan trọng vào phát triển đất nước.