Đến ngày 8/1, thế giới có hơn 1,9 triệu người tử vong vì Covid-19

Quốc tế - Ngày đăng : 01:02, 08/01/2021

Thế giới ghi nhận số ca bệnh Covid-19 đã vượt 88 triệu, trong đó trên 1,9 triệu người đã tử vong tính từ đầu dịch đến nay.
Đến ngày 8/1, thế giới có hơn 1,9 triệu người tử vong vì Covid-19

Biến thể của virus SARS-CoV-2 đang diễn biến phức tạp, làm gia tăng nguy cơ tử vong cho loài người.

Theo trang thống kê trực tuyến Worldometers, tính đến sáng ngày 8/1/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 88.363.513 ca nhiễm Covid-19, trong đó 1.903.857 ca tử vong và 63.450.229 ca phục hồi. Trong 24 giờ qua, có thêm 704.536 ca mắc và 12.985 ca tử vong mới vì đại dịch.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 213.000 ca), Brazil (87.134 ca) và Anh (52.618 ca). Quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (3.284 ca), Brazil (1.455 ca) và Mexico (1.165 ca).

Cũng trong 24 giờ qua, khối ASEAN ghi nhận thêm 14.640 ca mắc mới Covid-19 và 256 ca tử vong. Tính đến nay, khu vực này ghi nhận số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 đã lên tới 36.330 trường hợp, trong đó 1.607.649 ca mắc nhiễm. Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh nặng nề nhất trong khu vực. Hai ngày qua, quốc gia này ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao kỷ lục với 9.321 ca và 223 ca tử vong. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng 797.723 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 23.520 ca tử vong. Cũng trong ngày 7/1, Philippines ghi nhận thêm 9 ca tử vong mới và 1.353 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên 482.083 và 9.356 ca. Hiện Philippines là quốc gia bị ảnh hưởng thứ 2 tại khu vực ASEAN.

[Caption]Quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (3.284 ca), Brazil (1.455 ca) và Mexico (1.165 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (3.284 ca), Brazil (1.455 ca) và Mexico (1.165 ca).

Khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo 6 tháng tới sẽ là chặng đường gian nan, trước khi các loại vaccine có thể phát huy tác dụng và đảo ngược tình hình. D đó, triển khai chương trình vaccine ngừa Covid-19 đang là một trong những trọng tâm của cuộc chiến chống Covid-19 trên thế giới. Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan và Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về Covid-19 của WHO, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, đã tham gia phiên họp báo trực tuyến ngày 7/1 nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến nguy cơ biến thể được phát hiện tại Nam Phi có thể kháng lại các loại vắc xin đang được sử dụng và cấp phép ở nhiều nước.

Biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Vịnh Nelson Mandela, tỉnh Eastern Cape, Nam Phi vào tháng 10/2020. Nghiên cứu cho thấy, biến thể này có thể đã xuất hiện vào cuối tháng 8/2020. Mặc dù đến nay, nhà chức trách mới chỉ ghi nhận một số ca nhiễm biến thể này bên ngoài Nam Phi, nhưng WHO nhận định, biến thể này có thể tăng nhanh ở nhiều quốc gia khác gồm Anh, Pháp, Phần Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Áo và Zambia.

Tấn An