Năm 2020: đáng quên hay cần phải nhớ?
Thư giãn - Ngày đăng : 06:00, 08/01/2021
Lựa chọn thể loại giả tài liệu nên Death to 2020 có lợi thế về sự chân thật trong mặt tư liệu đồng thời không làm mất đi điểm nhìn của nhà làm phim.
Tháng 1/2020, thế giới "mở màn" bằng trận cháy trên diện rộng, biến những cánh rừng tươi đẹp của nước Úc thành hoang mạc. Tiếp đó, chính phủ của ông Trump hạ sát đại tướng Iran Soleimani nhằm làm sao nhãng phiên tòa luận tội đang nhắm vào ông.
Tháng 2 khi tin tức về Covid-19 bắt đầu được lan rộng cũng là lúc chúng vượt khỏi biên giới Trung Quốc. Trong khi đó, giải Oscar toàn trắng như bao lần lại diễn ra và kết thúc bằng chiến thắng cao nhất cho bộ phim thuần Châu Á - Parasite của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho.
Tháng 3 Covid-19 bùng nổ toàn cầu, kéo theo chuỗi khủng hoảng cho đến cuối năm 2020. Nhiều vấn đề nổi cộm về chính trị, sắc tộc, bình quyền hay sự thờ ơ của tầng lớp giàu có trước đại dịch, suy thoái kinh tế đều được đề cập.
Sự lãnh đạm của giới siêu giàu được so sánh với việc một tỷ phú công nghệ xây hầm trú ẩn sau khi nghe lời cầu cứu của một bé gái tại Hội nghị Davos. Sự thờ ơ chủ quan trước dịch bệnh của các cường quốc được ví như những thước phim quảng cáo đầy mâu thuẫn. Nhưng đâu đó vẫn có những tiếng nói đòi hỏi sự công bằng và lan tỏa thành các phong trào đấu tranh. Đặc biệt là phong trào Black Lives Matter sau cái chết của công dân da màu George Floyd hay phong trào Me too đòi bình quyền cho phái nữ. Tiêu điểm của phim là cuộc bầu cử Tổng thống gây chia rẽ sâu sắc toàn nước Mỹ. Death to 2020 lột trần sự thật đằng sau cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Cả phe Dân Chủ hay Cộng Hòa đều có những chiêu trò để thỏa mãn tham vọng quyền lực.
Bản chất của Death to 2020 là một bộ phim hài châm biếm và chọn đối tượng châm biếm là những sự kiện thời sự mà ai cũng quan tâm. Song, phim không tạo cảm giác nặng nề mà mang đến giá trị giải trí nhất định và gởi gắm thông điệp lạc quan qua góc nhìn hài hước của đội ngũ sáng tạo.
Tuy nhiên, phim không chỉ dừng ở việc xoa dịu cảm xúc cho khán giả mà còn kích thích họ suy ngẫm: sau năm 2020 đầy biến động, bị đẩy từ thảm họa này sang thảm họa khác, con người được gì và mất gì? Khi Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì cuộc biểu tình tại Nhà Trắng được đẩy lên thành bạo động, đốt phá. Con người vẫn chìm đắm trong bạo lực, ích kỷ và háo thắng. Có lẽ sau tất cả, con người nên thực sự học cách lắng nghe từ thảm họa thay vì xem thường hay lãng quên chúng.