Món ngon với tôm hùm
Sống khỏe - Ngày đăng : 00:44, 09/01/2021
Doanh nhân Lê Nhật Trường Chinh - Giám đốc công ty TNHH Success Partner, nam doanh nhân đầu tiên vào bếp trong chương trình “Doanh nhân vào bếp” do báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức. Cơm chiên tôm hùm và tôm hùm nướng phô mai là hai món anh Chinh trổ tài để thiết đãi bạn bè đến chơi nhà đầu năm 2021.
*Món cơm chiên tôm hùm
Nguyên liệu (khoảng 5-6 người ăn)
- Tôm hùm: 2 con lớn
- Cà rốt 1 - 2 củ
- Đậu cô ve
- Trứng
- Cơm
- Gia vị: Hạt nêm, đường, Dầu ăn, Nước mắm
Sơ chế:
- Tôm hùm rửa kĩ, cho vào nồi hấp chín, để nguội, cắt đôi để lọc lấy phần thịt tôm, cắt hạt lựu kích thước tùy thích.
- Cà rốt và đậu cô ve rửa sạch, cắt hột lựu
- Trứng đập ra, đánh lên.
Chế biến:
Bước 1: Cho dầu vào chảo đã được làm nóng. Dầu sôi thì cho cà rốt và đậu cô ve vào đảo đều, cho chín sơ rồi trút ra dĩa.
Bước 2: Cho cơm vào chảo, đảo đều tay, chờ cơm hơi chín vàng đều đổ chén trứng vào chảo, rồi tiếp tục đảo đều tay.
Bước 3: Cho chén thịt tôm vào đảo đều tay chừng 2-3 phút.
Bước 4: Tiếp tục đổ chén cà rốt và đậu cô ve vào chảo, tiếp tục đảo đều tay nêm gia vị cho vừa ăn, đảo đều tay.
Bước 5: Cho cơm chiên tôm hùm ra dĩa và trang trí theo ý thích.
* Tôm hùm nướng phô mai
Nguyên liệu:
- Tôm hùm nguyên con
- Phô mai dạng bánh
Sơ chế
- Tôm rửa thật sạch, rồi cắt đôi theo chiều dọc (tùy sở thích có thể ướp các miếng tôm với gia vị hay tỏi băm nhỏ).
- Phô mai cắt thành miếng dài, độ dày tùy thích.
Chế biến:
Bước 1: Cho tôm hùm cắt đôi vào lò nướng sơ cho thịt tôm săn lại.
Bước 2: Lấy tôm ra khỏi lò, sắp các miếng phô mai theo chiều dài tôm, cho vào lò nướng lần 2.
Bước 3: Tôm hùm chín vàng đều, phô mai tan chảy vào thịt tôm thì bày ra dĩa.
Thưởng thức:
* Món cơm chiên nhiều màu sắc đẹp mắt là sự hòa quyện giữa vị thơm và vị ngon ngọt của thịt tôm hùm, cà rốt, đậu cô ve, trứng tạo nên món ngon khó cưỡng, ăn no, lạ miệng trong khi món tôm nướng phô mai là tổng hòa của vị ngon ngọt của thịt tôm với mùi thơm đặc trưng và vị béo của phô mai tan chảy.
Theo anh Trường Chinh và bạn bè, các anh vẫn hay vào bếp vì việc nấu ăn, ngoài chuyện biểu lộ tình yêu thương, chia sẻ cùng gia đình còn giúp bản thân các anh khám phá được nhiều đức tính và năng lực của bản thân mà thông thường hiếm khi nhận ra. Khi người đàn ông vào bếp sẽ hiểu và chia sẻ được với vợ những khó khăn trong việc nội trợ cũng như làm bếp, đồng thời giáo dục con cái cách xây dựng một gia đình đầm ấm bằng cách làm gương – mọi người trong nhà đều có nghĩa vụ và trách nhiệm chia sẽ mọi việc nhà, kể cả việc đi chợ và nấu bếp. Đàn ông cũng cần vun vén tổ ấm chứ không chỉ có phụ nữ, người làm mẹ, làm vợ.