“Lang thang phố thị” cùng kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng

Sách hay - Ngày đăng : 05:00, 10/01/2021

Sáng ngày 10/1, tại Book Café Phương Nam, Đường Sách TP.HCM đã diễn ra buổi giao lưu cùng kiến trúc sư (KTS) - tác giả Nguyễn Ngọc Dũng quanh chuỗi tác phẩm tranh & ký họa của ông mang tên “Lang thang phố thị”.

Là dấu ấn nhiều màu sắc trong sự nghiệp viết lách của Nguyễn Ngọc Dũng, chuỗi Lang thang phố thị gồm 5 tập ghi lại dấu chân tác giả qua các vùng miền và một tập dành riêng cho Sài Gòn. Sách trình bày theo hình thức: ở mỗi tỉnh thành, trước tiên ông giới thiệu các thông tin nền về: ẩm thực địa phương, các điểm tham quan, lễ hội văn hóa. Sau đó từng trang viết đưa bạn đọc hòa vào đời sống của người dân của từng vùng miền. “Cái nghèo, cái vất vả đã không xóa được nụ cười thân thiện cởi mở, không làm người nhụt chí, cái khó khăn trước mắt không làm họ xuôi tay... Tôi cảm phục những con người đó. Họ là những sứ giả về lòng hiếu khách, hào hiệp...” - KTS chia sẻ lý do ông chọn những người lao động bình thường để kể những câu chuyện trong quyển sách.

lang-thang-pho-thi-doanh-nhan-8938-1993-

Hội quán Phước Kiến - Lang thang phố thị 5 - ký họa màu nước

Đặc trưng của bộ sách là bên cạnh những bài viết mang đậm phong vị du ký, KTS Nguyễn Ngọc Dũng còn khắc họa cảnh sắc những vùng ông đi qua bằng những bức tranh sơn dầu, ký họa, màu nước… do ông sáng tác. Câu chữ, nét vẽ, cái nhìn, cách ký họa, và cả từng câu chuyện được chọn lọc để kể lại cho người nghe về các tỉnh thành, dần dần giúp người đọc nhận ra tác giả đã sống và chia sẻ, đã thưởng thức và cảm nhận, đã đắm mình vào không gian đó như thế nào.

“Tôi sống bằng nghề vẽ, vẽ kiến trúc, quy hoạch là nghề chính, nhưng tôi cũng thích vẽ đủ thứ. Ký họa hay màu nước, sơn dầu chỉ là thiền, là dạo chơi với cây cọ, bút sắt. Vì vậy, lang thang đến đâu tôi cũng vẽ” - KTS nói về việc sách của ông có rất nhiều ký họa.

Trong buổi giao lưu sáng này tại Đường Sách TP.HCM, KTS Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ suy nghĩ và tình cảm của ông trong quá trình thực hiện 3 quyển Sài Gòn trăm bước, Lang thang phố thị 4 - Bước chậm bên dòng Hương GiangLang thang phố thị 5 - Miền Di sản.

lang-thang-pho-thi-doanh-nhan-3518-1598-

Bìa sách "Sài Gòn trăm bước". Bìa trước chân dung ngời bán hàng rong. Bìa sau chân dung tự họa KTS Nguyễn Ngọc Dũng

Trong Sài Gòn trăm bước, Nguyễn Ngọc Dũng không giấu được những trăn trở nặng tình với di sản đô thị Sài Gòn. Qua cái nhìn của một kiến trúc sư, tác giả ghi lại những dòng cảm xúc của không chỉ riêng ông mà đến từ những cuộc đối thoại, tâm tình diễn ra ngay trên đường phố Sài Gòn. Trong “trăm bước” trò chuyện, một Sài Gòn độc đáo, nghĩa tình cứ thế hiện lên thân thuộc và gẫn gũi. Sài Gòn có chiều sâu trong lòng một anh bạn tha hương mấy chục năm gặp lại, Sài Gòn còn là căn gác trọ trong hẻm nhỏ “không số không sẹc”, trở thành nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng đứa cháu nhỏ những năm dài du học. Và Sài Gòn còn lắng sâu hơn, thổn thức nhiều hơn, hoài niệm dai dẳng hơn, trong tâm sự của biết bao phận người mưu sinh.

Ở Miền di sản, Nguyễn Ngọc Dũng viết về Đà Nẵng, Quảng Nam và xứ Faifo (Hội An) dễ thươg, đằm thắm bên sông Hoài. Từ những bản tư liệu tham khảo và kinh nghiệm của những ngày lang thang khắp mọi ngõ ngách trong đời sống người xứ Quảng, tác giả đưa người đọc qua khắp thắng cảnh, di tích, món ăn truyền thống, di sản của miền đất này.

lang-thang-pho-thi-doanh-nhan-5337-5364-

Phú Văn Lâu - Lang thang phố thị 4. Ký họa màu nước


Trong 400 trang cho 12 chương sáchBước chậm bên dòng Hương Giang (A thoughtful walk by the Hương River), độc giả được ngắm nhìn một xứ Huế “đẹp như thơ” qua tài vẽ của Nguyễn Ngọc Dũng và ký họa màu nước của họa sĩ Đinh Tấn Lễ. Kinh thành Ngôi sao tuyệt mỹ, những lăng mộ, đền đài, những thắng cảnh đẹp của đồi núi, của biển cả, đầm phá, những lễ hội, văn hóa, ẩm thực dân gian và cung đình… hiện lên vừa sinh động vừa hoài cổ. Sách còn có một danh mục gồm 36 tài liệu tham khảo cùng sự góp ý, chỉnh sửa, những tư liệu quý giá của các  nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn, nhà báo Hồ Vĩnh, Đoàn Thạch  Biền, Minh Tự, Huỳnh Duy Lộc... người đọc cảm nhận được sự làm việc nghiêm túc, chuyên tâm nghiên cứu, tìm hiểu cũng như thâm  nhập thực tế, sống và trải nghiệm cùng cảnh quan, thiên nhiên,  con người Huế của KTS Nguyễn Ngọc Dũng.

lang-thang-pho-thi-doanh-nhan-4836-6739-

KST Nguyễn Ngọc Dũng (góc phải) trong buổi giao lưu cùng bạn đọc vào sáng 10/1. Nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ những cảm xúc của anh về bộ sách.

Càng đi nhiều, ngắm nhiều và sống cùng, trải cùng cuộc sống các địa phương cả nước, KTS Nguyễn Ngọc Dũng bày tỏ tình yêu tha thiết của ông với những vùng đất ông đi qua và với đất nước tươi đẹp. Ông tâm sự: “Tôi xin nguyện làm người hát rong để kể lại những gì mình nhìn thấy và nghe thấy…”.

Khánh Nguyên