Chống thất thoát đất công trong và sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 12/01/2021
Qua kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng đất trong và sau CPH DNNN giai đoạn 2011-2017, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều sai phạm.
Thứ nhất, bán tài sản gắn liền với đất không qua đấu giá theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Thứ hai, buông lỏng quản lý đất đai. Thiếu quan tâm kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất của doanh nghiệp (DN) sau CPH. Cho phép DN gia hạn nộp tiền sử dụng đất, không tính tiền chậm nộp. Cho phép DN chuyển nhượng đất cho cá nhân với giá chuyển nhượng thấp hơn giá quy định. Thứ ba, nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng đất sau CPH gây lãng phí, gây thất thu ngân sách nhà nước, làm giảm hiệu quả đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của 36/74 tập đoàn kinh tế, tổng công ty trên 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các DN sau CPH đang quản lý, sử dụng hơn 327.000ha đất, chủ yếu theo hình thức thuê đất trả tiền hằng năm. Tình trạng DN sau CPH sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng còn khá phổ biến. Một số DN chưa kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều địa phương sau CPH không đưa đất vào sử dụng, dẫn đến hoang hóa, tranh chấp, lấn chiếm. Việc chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hằng năm không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thay đổi mục đích sử dụng đất sau khi chuyển nhượng. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sau CPH còn nhiều tồn tại, như xây dựng bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất chưa đảm bảo theo quy định, chưa xây dựng hoặc chậm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất; xác định sai thời điểm, sai căn cứ tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. DN chưa kê khai nộp tiền thuê đất, chậm nộp tiền thuê đất, sử dụng đất. Cơ quan thuế chậm áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế để thu hồi nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phải nộp.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND các tỉnh - thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai phạm trên. Trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh - thành phố thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Khó khăn lớn nhất khi CPH DNNN là vấn đề đất đai. Việc tổ chức sắp xếp nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; việc xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất sau CPH DNNN, quy định về thời hạn các địa phương định giá đất để làm căn cứ xác định giá trị DN (30 ngày) là không đủ để thực hiện, do đó cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục, nội dung, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất mà DN CPH phải lập. Đặc biệt, việc xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hằng năm để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn chưa có nội dung cụ thể.
Vì thế, việc sửa Nghị định 167/2017 phải theo hướng DNNN tiến hành sắp xếp, xây dựng phương án sử dụng nhà, đất minh bạch trước khi lập phương án CPH nhằm khắc phục tình trạng DN có đất không sử dụng nhưng không trả lại cho địa phương, DN cho thuê đất nhưng đất đó là của Nhà nước, DN không muốn xử lý đất đai triệt để vì đang thu lợi từ đất, DN sử dụng đất sai mục đích nên không tích cực xử lý.
Giải pháp chống thất thoát đất công cần tập trung xem xét các quy định về xử lý đất đối với DN quản lý nhiều đất, quản lý đất ở những vị trí có lợi thế thương mại, đánh giá mức độ sử dụng so với nhu cầu và quỹ đất được giao để xem xét tính hiệu quả, đồng thời có biện pháp thu hồi lại phần đất đã giao cho DN nhưng không được sử dụng trước khi CPH, bổ sung các chế tài đối với việc DN làm thất thoát đất của Nhà nước giao trong quá trình sử dụng.