Ngành kho vận “ăn theo” thương mại điện tử
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:00, 12/01/2021
Thêm nhiều trung tâm mới
Cuối tuần qua, Tập đoàn BEST Inc. chính thức vận hành trung tâm phân loại hàng hóa tự động có quy mô lớn nhất của mình tại khu vực Đông Nam Á. Đây là trung tâm thứ 7 của doanh nghiệp này tại Việt Nam, được xây dựng trên diện tích gần 40.000m2 ở Khu công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi, TP.HCM) với vốn đầu tư hơn 8 triệu USD. Được trang bị máy móc hiện đại, tự động, công suất thiết kế lên đến 1,3 triệu kiện hàng/ngày, BEST Inc. TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong dây chuyền phân loại và điều phối hàng hóa cho dịch vụ chuyển phát nhanh BEST Express tại Việt Nam.
Theo đại diện BEST Inc. Việt Nam, hệ thống dữ liệu dịch vụ BEST Express tại trung tâm này được xử lý bởi nền tảng đám mây Cloud. Việc phân tích hàng hóa bằng công nghệ cân, đo tự động, công nghệ quét mã barcode và máy quét chất lượng cao… giúp gia tăng độ chính xác của việc phân loại bưu kiện từ 80% (phân loại thủ công) lên đến hơn 99,9% và hiệu quả phân loại được tăng lên gấp 4 lần. Trung tâm phân loại tại TP.HCM vận hành cũng rút ngắn đáng kể thời gian xử lý hàng hóa của dịch vụ chuyển phát nhanh BEST Express, đồng thời tạo ra việc làm cho 1.000 người lao động trên địa bàn.
Chia sẻ về lý do mở rộng đầu tư tại Việt Nam, ông Nelson Wu - Tổng giám đốc BEST Inc. Việt Nam cho biết: “So với các thị trường khu vực, TMĐT Việt Nam còn nhiều tiềm năng là lý do chúng tôi đầu tư. Các giải pháp hậu cần kho vận tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khai trong khi khả năng đáp ứng nhu cầu đơn hàng cho khách hàng nhỏ lẻ còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống kho bãi. Và việc đầu tư hệ thống kho trung tâm là cách để cải thiện tốc độ xử lý đơn hàng và giảm chi phí để giành lợi thế ở thị trường TMĐT”.
Thời gian qua, cùng với sự bùng nổ của TMĐT, logistics giữ vai trò quan trọng trong dây chuyền thương mại từ người bán đến người mua. Sự gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch trực tuyến khiến nhu cầu vận tải, logistics tăng cao, đặc biệt là ở dịch vụ chuyển phát nhanh. Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành TMĐT Việt Nam, ngành logistics đang phát triển nhảy vọt về quy mô mạng lưới và chất lượng dịch vụ.
Các trung tâm kho vận với công nghệ hiện đại liên tục được doanh nghiệp đầu tư |
Trước BEST Inc., Lazada - một công ty TMĐT nằm trong top 4 tại Việt Nam (cùng với Tiki, Shopee và Sendo) cũng đã đầu tư 3 kho lớn với tổng diện tích 22.000m2 ở TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội cùng với mạng lưới 34 trung tâm phân phối trên toàn quốc. LEL Express - công ty giao nhận trực thuộc Tập đoàn Lazada cũng đã đầu tư hệ thống phân loại hàng hóa tự động thứ hai với diện tích gần 1ha tại Trung tâm logistics Hateco (Hà Nội). Hệ thống này có công suất lên đến 10.000 sản phẩm/giờ.
Theo JLL, ngành logistics Việt Nam đang rất lạc quan khi có nhiều nhà đầu tư quan tâm, ngay cả với những tác động của Covid-19 vừa qua. Chỉ trong 24 tháng qua, đã có gần 3 tỷ USD đầu tư hệ thống kho vận và các trung tâm logistics hiện đại.
Tăng trưởng mạnh cùng công nghệ hiện đại
Chia sẻ tại diễn đàn “CEO - Xu hướng phát triển ngành công nghiệp tại Việt Nam” do NS BlueScope Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, các doanh nghiệp cho rằng, trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ các chính sách cách ly và hạn chế di chuyển, ngành logistics đã có những bước phát triển vượt bậc khi nhu cầu vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại nhà ngày một tăng cao.
Năm 2021, việc lưu thông hàng hóa từ xuất nhập khẩu cho đến các mặt hàng tiêu dùng, cùng với sự phát triển của các sàn TMĐT sẽ tiếp tục tạo xu thế tăng trưởng cho ngành. Bên cạnh vận tải thì kho bãi là cơ sở hạ tầng không thể thiếu trong chuỗi cung ứng dịch vụ của ngành với xu thế nổi bật là sự phát triển của các trung tâm logistics.
Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, trước kia kho bãi tồn tại ở hình thức riêng lẻ với quy mô nhỏ, chỉ phục vụ nhu cầu của mỗi doanh nghiệp. Xu thế hiện nay là các doanh nghiệp bắt tay với nhau hoặc các doanh nghiệp dẫn dắt ngành đầu tư những kho quy mô lớn, tích hợp nhiều chức năng kho lưu trữ trong một trung tâm. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tăng quản trị bằng công nghệ thông tin và tự động hóa.
Công nghệ tự động hóa và chuỗi cung ứng thông minh là xu hướng của ngành logistics trong năm 2021 |
Cùng quan điểm này, bà Trang Bùi - Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của JLL nói thêm rằng, trước đây các nhà đầu tư và doanh nghiệp không chú trọng tuổi đời của các trung tâm logistics. Tuy nhiên, khi yêu cầu ngày càng khắt khe hơn, cơ sở hạ tầng cơ bản sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Do đó, các chủ đầu tư sẽ tính toán tuổi đời, hiệu quả chi phí của trung tâm logistics để phục vụ chuỗi cung ứng.
Trong vai trò của một nhà đầu tư kho vận, ông Nguyễn Đình Lợi - Phó tổng giám đốc BEST Inc. Việt Nam cho rằng, xu hướng chung của ngành logistics hiện đại là lấy công nghệ làm nền tảng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành TMĐT đang phát triển, BEST Inc. sẽ đầu tư vào công nghệ tự động hóa logistics và xây dựng chuỗi cung ứng thông minh bằng cách tối ưu hóa việc kết nối các trung tâm trung chuyển, xây dựng hệ thống phân phối thông minh, kho bãi thông minh cùng giải pháp chuỗi cung ứng kỹ thuật số…
BEST Inc. cũng sẽ phát triển hệ sinh thái bao gồm dịch vụ chuyển phát nhanh BEST Express, dịch vụ chuỗi cung ứng thông minh BEST Supply Chain, dịch vụ giao vận quốc tế… mang đến mạng lưới dịch vụ đa dạng cùng mô hình đầu tư ổn định và tiềm năng đến với khách hàng. Cùng với trung tâm tại TP.HCM, vào tháng 6 tới đây, BEST Inc. sẽ vận hành thêm một trung tâm phân loại hàng hóa tự động hiện đại và có quy mô lớn tại Hà Nội.