Doanh nghiệp Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu kỷ lục năm nay

Quốc tế - Ngày đăng : 05:17, 12/01/2021

Tỷ lệ vỡ nợ ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc tăng mạnh năm 2020, còn nội địa giảm.

Năm 2020, 39 công ty Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu gần 30 tỷ USD trên thị trường nội địa và nước ngoài, tăng 14% so với năm 2019. Giá trị vỡ nợ trong nước giảm từ 142 tỷ nhân dân tệ xuống 137 tỷ nhân dân tệ (21 tỷ USD) còn giá trị vỡ nợ nước ngoài tăng từ 3,9 tỷ USD lên 8,6 tỷ USD.

"Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ triển khai các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trong năm nay", Yuze Li - nhà phân tích tín dụng tại China Merchants Securities, nhận định.

"Thêm nhiều công ty có thể phải đối mặt áp lực tái cấp vốn. Với khối lượng đáo hạn tăng vọt, tỷ lệ vỡ nợ dự báo tăng 10 – 30% so với năm 2020".

Vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc qua các năm 2018, 2019, 2020.

Vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc qua các năm 2018, 2019, 2020.

Đà phục hồi kinh tế mạnh của Trung Quốc đang tạo ra nhiều dư địa để nhà chức trách nước này tập trung vào giảm nợ trong hệ thống tài chính. Xu hướng này tạo thêm sức ép lên các công ty Trung Quốc với giá trị trái phiếu nội địa vỡ nợ trung bình hàng tháng trong nửa cuối năm 2020 tăng 47% lên 13,6 tỷ nhân dân tệ từ mức 9,2 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm.

Lĩnh vực công nghệ chiếm 28% tổng giá trị trái phiếu vỡ nợ năm 2020, dẫn đầu là Peking University Founder Group. Tiếp theo là tiêu dùng do thương vụ phá sản 36 tỷ nhân dân tệ trái phiếu của Brilliance Auto Group Holdings. Đứng thứ ba là lĩnh vực tài chính với 26 tỷ nhân dân tệ.

Tỷ lệ các lĩnh vực vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc qua các năm.

Tỷ lệ các lĩnh vực vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc qua các năm.

Trên thị trường trái phiếu USD, lĩnh vực tài chính chiếm 43% tổng giá trị vỡ nợ, tiếp đó là công nghệ và năng lượng. 5 công ty có cổ phần nhà nước của Trung Quốc vỡ nợ lần đầu tiên trên thị trường trái phiếu nội địa, nhiều nhất kể từ năm 2016.

(Theo Người Đồng hành - Tựa bài do DNSG đặt lại)

Như Tâm