Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Trong nước - Ngày đăng : 09:52, 14/01/2021

Ban Quản lý Dự án Đường sắt được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Kinh phí lập báo cáo được xác định theo nhiệm vụ, dự toán được phê duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hằng năm.
Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Bộ Giao thông Vận tải vừa giao Ban Quản lý Dự án Đường sắt lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhằm tăng cường loại hình vận tải bằng đường sắt, kết nối TP.HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Kinh phí lập báo cáo được xác định theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hằng năm. Thời gian thực hiện trong hai năm, bắt đầu từ năm 2021. Đồng thời, chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là Ban Quản lý Dự án Đường sắt. Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được lựa chọn theo quy định hiện hành. Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý Dự án Đường sắt chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ theo quy định.

Sau khi nghiên cứu và ghi nhận ý kiến từ nhà đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch theo hướng từ ga Tân Kiên đến Cái Răng sẽ đi song song với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận để giảm số lượng nhà ga, diện tích chiếm dụng đất, chi phí xây lắp và chi phí giải phóng mặt bằng.

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được phê duyệt quy hoạch vào năm 2013, có chiều dài hơn 173km đi qua các tỉnh, thành như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Theo báo cáo, tuyến đường sắt này có 14 ga và hai trạm khách. Tuyến đường có điểm đầu hàng hóa tại thị xã Dĩ An, Bình Dương. Còn điểm đầu hành khách của tuyến ở huyện Bình Chánh, TP.HCM và điểm cuối tại quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Ước tính vốn đầu tư công trình khoảng 10 tỷ USD. 

HT