Bị luận tội lần 2, tương lai Trump sẽ ra sao?
Quốc tế - Ngày đăng : 05:00, 14/01/2021
"Ông ta (Trump) phải ra đi. Ông ta là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu với đất nước mà tất cả chúng ta yêu mến", Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói |
Trong số 232 người ủng hộ việc luận tội tổng thống tại cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện vào rạng sáng 14/1/2021 (giờ Việt Nam), có 10 nghị sĩ thuộc đảng Cộng hoà. Xoáy sâu vào bài phát biểu của Trump trước hàng nghìn người ủng hộ ngay trước khi đám đông tràn vào Điện Capitol, Hạ viện cáo buộc Tổng thống Mỹ đương nhiệm "kích động bạo loạn".
Đồng thời, điều khoản cũng đề cập đến đoạn băng ghi âm cuộc đối thoại giữa Trump và Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger mà trong đó, Tổng thống Mỹ muốn tìm 11.780 phiếu bầu để giúp ông "lật kèo" tại Georgia.
Như vậy, với số phiếu bầu như trên, Hạ viện đã thông qua điều khoản bãi nhiệm, và kích hoạt phiên xét xử ở Thượng viện. "Tổng thống Mỹ đã kích động cuộc bạo loạn vũ trang chống lại đất nước. Ông ta phải ra đi. Ông ta là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu với đất nước mà tất cả chúng ta yêu mến", Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi phát biểu.
Trước cuộc bỏ phiếu luận tội tại Hạ viện này, nhiều tiếng nói đòi loại bỏ Trump đã xuất hiện sau sự kiện "tấn công" vào Toà nhà Quốc hội hôm 6/1/2021. Cuối tuần trước, Hạ nghị sĩ Ted Lieu tuyên bố trên Twitter rằng, đã có 180 thành viên đồng ý với đề xuất luận tội ông Trump.Theo báo giới Mỹ, một số bộ trưởng trong chính quyền Trump cũng đã thảo luận về việc kích hoạt Tu chính án 25 để loại bỏ tổng thống. Về phần mình, Phó tổng thống Mike Pence cũng nhiều lần được kêu gọi kích hoạt Tu chính án 25 để phế truất ông Trump, song ông đã từ chối.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ký điều khoản xem xét bãi nhiệm Trump ngày 13/1. Ảnh: AFP. |
Khó qua ải Thượng viện
Về cơ bản, quy trình xem xét luận tội, bãi nhiệm tổng thống quy định trong Hiến pháp Mỹ tương đối đơn giản. Khi Tổng thống phạm "trọng tội hoặc sai phạm khác", Hạ viện sẽ bỏ phiếu để xem xét điều khoản bãi nhiệm, rồi chuyển điều khoản tới Thượng viện để tiến hành xét xử.
Cần biết rằng, điều khoản này chỉ được thông qua nếu nhận sự ủng hộ của ít nhất 2/3 Thượng nghị sĩ, đồng nghĩa 17 Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa sẽ phải "quay lưng" với Trump. Trong trường hợp bị Thượng viện "kết tội", tổng thống sẽ bị phế truất khỏi mọi chức vụ, theo quy định của Hiến pháp.
Link bài viết
Theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống, phó tổng thống và tất cả quan chức chính phủ đều có thể bị xem xét bãi nhiệm và kết tội phản quốc, hối lộ, hoặc các trọng tội và sai phạm. Trong lần này, điều khoản luận tội được Hạ viện đưa ra rõ ràng và quyết liệt hơn, cáo buộc Trump kích động bạo loạn chống chính phủ và liệt hành vi này vào nhóm "trọng tội và sai phạm".
Tuy nhiên, phiên tòa của Thượng viện nhiều khả năng chỉ được mở khi nhiệm kỳ của Trump đã kết thúc, đồng nghĩa, nỗ lực của Hạ viện khó dẫn đến kết quả Trump bị phế truất. Lý do vì Thượng viện đang trong kỳ nghỉ, chỉ họp một số phiên chiếu lệ sau mỗi 3 ngày, và thực sự họp trở lại vào ngày 19/1/2021 - một ngày trước lễ nhậm chức của ông Biden. Như vậy, sớm nhất là đến ngày 19/1, kết quả bỏ phiếu và điều khoản luận tội Trump mới được Thượng viện xem xét.
Theo đúng quy định, phiên toà tại Thượng viện sẽ bắt đầu lúc 13g00 ngày 20/1/2021, nhưng khi đó, Trump đã trở thành cựu tổng thống. Điều này dẫn tới câu hỏi liệu một cựu tổng thống có bị luận tội và xét xử hay không?
"Dù tiến trình ở Thượng viện có bắt đầu từ tuần này và diễn ra nhanh chóng, nhưng quyết định cuối cùng chỉ đạt được sau khi Tổng thống Trump rời văn phòng. Đây không phải là quyết định của tôi mà việc là vậy", lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nói.
Ngoài ra, ông McConnell còn chỉ ra rằng, ba tổng thống từng bị đưa ra phiên tòa luận tội trước đó, gồm Andrew Johnson năm 1868, Bill Clinton năm 1999 và Trump vào năm ngoái, đều đã được Thượng viện tha bổng.
Dù tiến trình (luận tội) ở Thượng viện có bắt đầu từ tuần này và diễn ra nhanh chóng, phiên toà xét xử cũng gần như không thể diễn ra trước 20/1. |
Trump có bị luận tội sau khi hết nhiệm kỳ?
Theo Giáo sư Michael J. Gerhardt - chuyên gia hiến pháp thuộc Đại học Bắc Carolina, sau khi ông Biden tuyên thệ vào 11g00 trưa 20/1, ông Trump sẽ trở thành một người dân thường. Trong khi đó, Hiến pháp Mỹ chỉ rõ, việc luận tội chỉ áp dụng với "quan chức dân sự", tức người vẫn còn phục vụ trong chính quyền, vào thời điểm bị luận tội.
Do đó, khi nhận thấy nguy cơ bị phế truất vì bê bối Watergate khi bị luận tội, cựu tổng thống Richard Nixon đã từ chức trước khi Hạ viện kịp bỏ phiếu thông qua điều khoản luận tội.
Đồng thời, cựu thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 4 J. Michael Luttig khẳng định, Hiến pháp Mỹ cho biết ông Trump không thể bị luận tội sau ngày 20/1. Vị cựu thẩm phán nhấn mạnh thêm rằng, sẽ là sai lầm nếu tin rằng việc luận tội khi Trump đã là dân thường sẽ có thể ngăn ông ra tái tranh cử.
Tuy nhiên, một trường hợp có thể xem như ngoại lệ là vụ luận tội Bộ trưởng Chiến tranh William Belknap vào năm 1876. Nhận thức việc sẽ bị luận tội vì nhận "lại quả", Belknap đã từ chức trước khi Hạ viện biểu quyết thông qua điều khoản luận tội.
Dù vậy, Hạ viện vẫn tiếp tục biểu quyết và đưa lên Thượng viện. Một cuộc tranh luận đã diễn ra tại đây sau đó về việc luận tội Belknap là đúng hay sai vì ông đã từ chức.
Cuối cùng, với 37 phiếu thuận và 29 phiếu chống, các Thượng nghị sĩ đã thông qua nghị quyết tuyên bố Belknap vẫn có thể bị luận tội "vì các hành động đã thực hiện khi còn là Bộ trưởng Chiến tranh bất chấp việc đã từ chức". Tuy nhiên, trong phiên xét xử, do không đạt 2/3 số phiếu thuận, Belknap đã được tha bổng.
Trong khi đó, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer khẳng định, nếu ông Trump bị kết tội ở Thượng viện, cơ quan này sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu tiếp theo nhằm ngăn ông tranh cử lần nữa.