Đón đầu đào tạo theo xu hướng mới
Đào tạo - Ngày đăng : 08:00, 15/01/2021
Muốn tồn tại và phát triển trong xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt, các trường đại học và dạy nghề phải có chiến lược đào tạo đón đầu theo xu thế mới. Để thực hiện được nhiệm vụ này, không thể thiếu sự liên kết của các cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề với cộng đồng doanh nghiệp và cần có sự định hướng của các cơ quan chức năng.
Hợp tác giữa các cơ sở giáo dục, dạy nghề và doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích cho các bên, bao gồm hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, trao đổi nhân sự (chuyên gia, chuyên viên, sinh viên), thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học thông qua chuyển giao công nghệ, xây dựng và phổ biến chương trình đào tạo, học tập suốt đời, phát triển doanh nghiệp và quản trị hiện đại.
Có một nghịch lý là trong khi lượng sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm ngày càng tăng thì việc tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng khó hơn. Trong khi đó, một sinh viên giỏi khi ra trường cũng phải mất từ 6 tháng đến vài năm mới thực sự thạo việc, bởi thực tế từ trước đến nay, các trường đại học, dạy nghề chỉ đào tạo “cái mình có” theo chương trình chứ chưa chú trọng đến nhu cầu thị trường, nhu cầu từng nghề mà doanh nghiệp cần.
Nhiều sinh viên khi ra trường còn thiếu kỹ năng nghề nghiệp, lúng túng khi áp dụng lý thuyết vào thực tế, yếu kém về ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ liên quan trực tiếp đến lĩnh vực làm việc. Nên phần lớn sinh viên ra trường được tuyển dụng vào doanh nghiệp đều phải đào tạo lại.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đồng bộ về hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động, kết nối cổng thông tin hướng nghiệp, đào tạo, việc làm giữa các thành phố và các tỉnh, khu vực và quốc gia, điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên và nhu cầu thị trường lao động, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn, dài hạn.
Hiểu được vai trò của việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế, nhiều trường đại học, dạy nghề đã áp dụng chương trình “Lớp học doanh nghiệp” giúp sinh viên đáp ứng tốt nhu cầu công việc sau khi tốt nghiệp.
Xây dựng các trung tâm đào tạo ngắn hạn để theo sát nhu cầu của doanh nghiệp. Đơn cử như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã thành lập trung tâm đào tạo ngắn hạn với chương trình đào tạo theo chuyên đề và các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân sự của doanh nghiệp. Tất cả khóa học được xây dựng từ yêu cầu của tổ chức, doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu và điều kiện thực tế về công nghệ, thiết bị, trình độ người học.
Bà Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó trưởng Phòng Truyền thông Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) cho biết, với mỗi chương trình đào tạo ở từng ngành, khoa, viện (đơn vị trực tiếp phụ trách đào tạo) đều hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức chuyên môn để cập nhật các tiêu chuẩn nhân lực mới của thị trường vào chương trình và phổ biến đến sinh viên, giúp sinh viên ra trường không quá bỡ ngỡ với công việc thực tế.
Đại diện HUTECH cho biết thêm, với định hướng hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, mỗi chương trình đào tạo tại HUTECH đều được xây dựng và cập nhật dựa trên đóng góp của doanh nghiệp. Như với chương trình “Đại học chuẩn Nhật Bản”, HUTECH hợp tác với Trường Đại học Công nghệ Kanazawa (K.I.T) và Hiệp hội Các doanh nghiệp Nhật Bản, áp dụng mô hình đào tạo của K.I.T để đào tạo nhân lực theo đặt hàng của doanh nghiệp Nhật. Nhờ vậy, sinh viên được đảm bảo cơ hội thực tập và việc làm trong các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam và tại Nhật Bản. Nhiều sinh viên được doanh nghiệp mời sang Nhật Bản làm việc, được tài trợ học bổng để học lên thạc sĩ, học tiếng Nhật trình độ N1... Hoặc đối với nhóm ngành công nghệ thông tin, HUTECH hợp tác với Hội Tin học TP.HCM (HCA), FPT Software, FPT Information System, Fujinet, DKC Technology; với nhóm ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn, HUTECH hợp tác với khách sạn Intercontinental, Majestic, Đông Phương Group...; với nhóm ngành thời trang - dệt may, HUTECH là thành viên của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nên sinh viên được tạo điều kiện thực tập và làm việc ở các công ty, doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội.
Chia sẻ về chiến lược đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, ông Đoàn Thanh Phong - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho biết, bên cạnh việc duy trì và mở rộng mô hình đào tạo gắn thực tiễn, trường tăng cường dạy tiếng Anh cho sinh viên, mở rộng trải nghiệm học kỳ quốc tế, trải nghiệm học tập thực tế tại doanh nghiệp.