Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Ai nắm được dữ liệu sẽ thắng
Công nghệ - Ngày đăng : 07:02, 18/01/2021
Chuyển đổi số trong giáo dục tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ để bắt kịp xu thế giáo dục toàn cầu. Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 càng khẳng định vai trò của công nghệ đối với dạy và học, yêu cầu bức thiết của ngành giáo dục là phải thay đổi cách dạy, cách học.
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, định hướng từ năm 2025-2030, giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong công cuộc chuyển đổi số.
Phát biểu tại Diễn đàn Chuyển đổi số trong giáo dục đại học diễn ra vào ngày 29/12/2020 tại Trường Đại học Văn Lang, TS. Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang, Chủ tịch HĐQT Capella Holdings chia sẻ, định hướng phát triển nền kinh tế số đang tạo động lực thúc đẩy chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Theo khảo sát, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh về chuyển đổi số cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số với hơn 13.000 doanh nghiệp ra đời năm 2020, ước tính đến năm 2025 có thể đạt 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Tầm nhìn vào năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thịnh vượng với chỉ số tăng trưởng kinh tế đạt 10%, mục tiêu tăng trưởng đối với doanh nghiệp công nghệ số đạt 20%.
Theo TS. Nguyễn Cao Trí, sự lan rộng toàn cầu số hóa, tự động hóa và truyền thông đại chúng đang làm thay đổi cơ bản nhu cầu về kỹ năng trong thị trường lao động toàn thế giới. Giáo viên của ngày mai có thể cần ít hơn hôm nay bởi trí tuệ nhân tạo có thể giúp cá nhân hóa việc học. Học tập theo định hướng dữ liệu là tương lai của giáo dục và dữ liệu lớn sẽ góp phần đưa ra quyết định nhanh và phù hợp. Cần xem người học giống như khách hàng trọn đời, từ đó phải nâng cao khả năng và kỹ năng giảng dạy.
Ông Trí xác định Trường Đại học Văn Lang sẽ trở thành một hệ sinh thái giáo dục - đào tạo dựa trên nền tảng chuyển đổi số toàn diện với các lĩnh vực sản phẩm đào tạo, tư duy đào tạo, quản lý vận hành (ERP - LMS - Big Data), tài nguyên giảng dạy, phát triển đội ngũ và hợp tác nghiên cứu. Trường cũng định hình các nhân tố dẫn dắt sự thay đổi phối hợp và góp phần xây dựng khái niệm giáo dục kỹ thuật số sẽ giúp sinh viên xác định đúng tiêu chuẩn về trình độ kỹ thuật số và tích lũy kiến thức phù hợp, đội ngũ giảng viên dễ dàng áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp kết hợp ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo tăng cường (AR) và công nghệ chuỗi khối blockchain.
“Chúng tôi đào tạo những con người tác động tích cực đối với xã hội với tầm nhìn trở thành một trong những trường đại học trẻ được ngưỡng mộ ở châu Á vào năm 2030 theo triết lý giáo dục thông qua học tập trải nghiệm, đào tạo con người toàn diện, có khả năng học tập suốt đời, có đạo đức, sức ảnh hưởng và mang lại thay đổi tích cực cho cộng đồng”, ông Trí chia sẻ.
Giáo dục số tại Việt Nam rất khó vì văn hóa, kinh tế, xã hội khác với các nước phát triển. Vì vậy, cần định hướng giáo dục số từng bước và phát triển bền vững. Đầu tiên, cần thay đổi tư duy trong giảng dạy, đầu tư mạnh vào trang thiết bị công nghệ, trung tâm thí nghiệm, trung tâm thực hành hiện đại phục vụ đổi mới giáo dục, đào tạo. Tất cả bài giảng, giáo án, quá trình dạy và học của sinh viên, giảng viên, nghiên cứu sinh đều phải được lưu trữ trên nền tảng số Big Data.
Nói về vai trò của trung tâm đổi mới sáng tạo trong việc hỗ trợ chuyển đổi số trong các trường đại học, TS. Vũ Viết Ngoạn - CEO, đồng sáng lập Viet Lotus Corp cho rằng, đào tạo kỹ năng số phải được cập nhật một cách nhanh nhất vào các trường đại học. Trường Đại học Văn Lang với tầm nhìn đến năm 2030, đã thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo Văn Lang với tên gọi Công ty CP Viet Lotus, chính là đơn vị tiên phong đưa ra các giải pháp đột phá góp phần giải quyết các vấn đề của quốc gia và khu vực, mang lại những thay đổi tích cực cho nhà trường và cộng đồng.
Ông Ngoạn cho biết, Viet Lotus giúp sinh viên, giảng viên và cán bộ nghiên cứu có điều kiện trải nghiệm thực tế môi trường số hiện đại. Bên cạnh đó, nền tảng công nghệ số sẽ giúp ích cho bất cứ tổ chức nào thay đổi được quy trình hoạt động để tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới. Trong tương lai, nền tảng công nghệ số của Viet Lotus sẽ kết nối và vận hành tương thích với nhiều nền tảng lớn khác trong hệ sinh thái 2.0, là một trong nhiều yếu tố quyết định sự thành công của mục tiêu chiến lược và tầm nhìn của Trường Đại học Văn Lang.
Theo TS. Trần Việt Hùng - CEO và Cofounder Got!It, Inc (Silicon Valley) - thành viên Tổ Tư vấn Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo của Thủ tướng, việc sử dụng công nghệ kết hợp giữa online và offline trong giáo dục sẽ giúp nhà quản trị biết được người học phù hợp với loại hình đào tạo nào để bố trí tương ứng, định hướng về kiến thức phục vụ sự nghiệp. Mô hình kết hợp này sẽ khác các mô hình truyền thống là sinh viên vẫn đến lớp học như bình thường nhưng được lựa chọn học với những giảng viên giỏi nhất. “Một giáo sư có thể ở bất kỳ nơi đâu vẫn có thể giảng dạy cho số lượng người học không giới hạn”, ông Hùng giải thích.
PGS-TS. Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thì cho rằng, giáo dục số tại Việt Nam rất khó vì văn hóa, kinh tế, xã hội khác với các nước phát triển. Vì vậy, theo kinh nghiệm trong quá trình học tập ở một số nước và công tác giáo dục tại Việt Nam, ông cho rằng cần định hướng giáo dục số từng bước và phát triển bền vững. Đầu tiên, cần thay đổi tư duy trong giảng dạy, đầu tư mạnh vào trang thiết bị công nghệ, trung tâm thí nghiệm, trung tâm thực hành hiện đại phục vụ đổi mới giáo dục, đào tạo. Tất cả bài giảng, giáo án, quá trình dạy và học của sinh viên, giảng viên, nghiên cứu sinh đều phải được lưu trữ trên nền tảng số Big Data.
“Trong bối cảnh hội nhập công nghệ số 4.0 và định hướng của Chính phủ về chuyển đổi số, dữ liệu là phần quan trọng nhất, ai nắm giữ được dữ liệu chính là người thắng”, TS. Dũng khẳng định.