Vắc-xin Covid-19 sẽ giải bài toán kinh tế thế giới?
Quốc tế - Ngày đăng : 08:30, 21/01/2021
Trong một kịch bản tích cực, việc triển khai các loại vắc-xin có hiệu quả cao một cách nhanh chóng đồng nghĩa với việc "đại dịch sẽ làm giảm bớt nhanh chóng, kích hoạt niềm tin của người tiêu dùng và giải phóng nhu cầu bị dồn nén. |
Mọi người sẽ được nghe nhiều hơn về việc những nền tảng mạng xã hội khổng lồ như Facebook, Twitter và Google đang xử lý thông tin sai lệch từ các nhóm chống đối lại việc tiêm vắc-xin. Cũng sẽ có những cuộc tranh luận khác liên quan tới thắc mắc liệu tiêm chủng có nên trở thành quy định bắt buộc hay không và mọi người có thể đi du lịch ra nước ngoài khi họ đã được tiêm chủng hay không? Sẽ có những bất đồng và cả cảm xúc dâng trào.
Nhưng trên hết, cảm giác cuối cùng là đến một lúc nào đó thế giới có thể quay trở lại cuộc sống như trước kia khi không có đại dịch. Vắc-xin mang tới hy vọng ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, cải thiện thị trường lao động và cuối cùng mở toang cánh cửa biên giới quốc gia với tất cả phần còn lại của thế giới.
Đây chính là lý do tại sao việc triển khai vắc-xin một cách suôn sẻ sẽ rất quan trọng đối với bất kỳ nền kinh tế nào. Những dự báo khả quan cho năm nay chủ yếu dựa vào điều kiện sẽ có vắc-xin tiêm phòng cho mọi người, để kéo thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu năm 2021 của WB, được công bố vào tuần đầu tháng Một, dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ mở rộng khoảng 4%, nhưng phụ thuộc vào tiến độ tiêm phòng vắc-xin trên toàn cầu. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới năm 2021 có khả năng thấp hơn 5,3% so với dự báo trước đại dịch. Về cơ bản, điều này có nghĩa là cuộc khủng hoảng sức khỏe Covid-19 đã khiến thế giới thiệt hại khoảng 3 tỷ USD.
Báo cáo kỳ vọng việc nhanh chóng triển khai tiêm chủng sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ sự phục hồi về niềm tin, tiêu dùng và sự cải thiện dần trong thương mại.
Báo cáo cho biết: "Trong một kịch bản tích cực, việc triển khai các loại vắc-xin có hiệu quả cao một cách nhanh chóng đồng nghĩa với việc "đại dịch sẽ làm giảm bớt nhanh chóng, kích hoạt niềm tin của người tiêu dùng và giải phóng nhu cầu bị dồn nén. Các nhà xuất khẩu hàng hóa công nghiệp và các quốc gia có thế mạnh về thương mại và du lịch quốc tế sẽ được lợi nhiều nhất từ việc đại dịch sớm được khống chế".
Nhưng trong một kịch bản tiêu cực hơn cũng do WB đưa ra, nơi việc triển khai vắc-xin có thể bị chậm lại vì công tác hậu cần và sự miễn cưỡng đối với tiêm chủng, dịch bệnh có thể sẽ còn bùng phát nhiều hơn nữa và tăng trưởng kinh tế chỉ phục hồi ở mức chậm chạp 1,6% trong năm nay. Con số này thậm chí thấp hơn, ở mức 0,6% đối với các nền kinh tế tiên tiến.
Việc triển khai vắc-xin đúng cách sẽ là cuộc chiến sống còn đối với nhân loại, về cả sức khỏe và kinh tế. Đó là một thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách, những người nhận thức rõ mức độ quan trọng của chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa Covid-19, trong khi phải vật lộn với kỳ vọng của công chúng.
Trong cuộc khảo sát tháng Một của Wall Street Journal, các nhà kinh tế học đánh giá triển vọng kinh tế Mỹ trở nên sáng sủa hơn nhờ chương trình tiêm chủng vắc-xin đã và đang triển khai và khoản hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp Mỹ theo gói kích thích tài khóa sắp tới của chính quyền Mỹ.
Do chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, các nhà kinh tế học dự báo kinh tế Mỹ ước tính suy giảm 2,5% trong năm 2020. Khoảng 2/3 các nhà kinh tế được khảo sát cho rằng, vắc-xin kháng Covid-19 sẽ thúc đẩy tăng trưởng đáng kể của kinh tế Mỹ trong năm 2021, còn 1/3 các chuyên gia còn lại nhận định, vắc-xin chỉ giúp kích thích kinh tế Mỹ tăng trưởng một cách khiêm tốn.
"Không có vắc-xin, không có khả năng phục hồi", ông Joseph Brusuelas - chuyên gia kinh tế trưởng tại hãng kiểm toán và tư vấn thuế RSM US LLP đánh giá. Chuyên gia này cho rằng, việc phát hiện ra vắc-xin kháng Covid-19 có thể sẽ giải phóng hơn 1.000 tỷ USD tiết kiệm, đồng thời giải tỏa nhu cầu bị dồn nén thời gian qua.
Còn theo dự báo của tổ chức phi lợi nhuận Conference Board, tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ ước đạt 3,5% trong quý IV/2020 và 2% trong quý I/2021 sau khi rơi vào suy thoái nghiêm trọng trong nửa đầu năm 2020. Tổ chức này dự báo kinh tế Mỹ ước tăng 4,1% trong năm 2021 sau mức suy thoái 3,5% trong năm 2020.
Conference Board chỉ ra 5 yếu tố chính sẽ quyết định sự phục hồi của kinh tế Mỹ trong năm 2021, bao gồm quy mô của tái bùng phát dịch Covid-19 và biện pháp chống dịch; kết quả triển khai chương trình phân phối và tiêm chủng vắc-xin; quy mô và thời gian của gói kích thích tài khóa; tình hình lao động và tiêu dùng của hộ gia đình; tác động của quá trình chuyển giao quyền lực tại Mỹ đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ.
WB cũng đánh giá sự ảnh hưởng của việc Nga tiêm chủng quy mô lớn vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ giúp phục hồi nền kinh tế nước này. Theo đó, tăng trưởng kinh tế ở Nga sẽ tăng lên ở quy mô vừa phải vào năm 2021 và sẽ đạt mức 2,6% trong bối cảnh vẫn phải đối mặt với cuộc chiến chống lại số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang gia tăng. Đến năm 2022, kinh tế phục hồi và tăng trưởng đạt 3% nhờ vào việc phân phối vắc-xin đã bắt đầu vào đầu năm 2021.
Theo các nhà kinh tế của WB, GDP của Nga năm 2020 đã giảm 4%. Trước đó, WB đã điều chỉnh dự báo giảm GDP của nước này từ 5% vào tháng 9 xuống còn 4% vào tháng 12.
(Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)