Tết Xưa - Tết nay: Mình ăn Tết hay Tết ăn mình?
Đời thường - Ngày đăng : 03:00, 25/01/2021
Từ trái qua: Nhà văn Lê Văn Nghĩa - GS Phan Văn Trường - MC Thái Minh Châu |
Với GS Phan Văn Trường, Tết là những khoảnh khắc trong lòng thơi thới, nhẹ nhõm, quên hết chuyện cũ, đặc biệt là chuyện buồn, chỉ lưu lại những kỷ niệm vui và những hình ảnh thật đẹp. Nhắc đến Tết, ông nhớ đến tục khai bút đầu Xuân. Ông kể: “Tôi sống qua rất nhiều cái Tết, có lúc thì Tết ở Pháp, có lúc Tết ở Malaixia, có Tết ở Việt Nam. Hồi tôi còn nhỏ, bố tôi thường bảo ngày Tết là phải khai bút. Tôi hỏi bà tôi làm thế nào để khai bút, bà bảo tôi ngồi xuống bên cạnh. Tôi quan sát thấy bà nắn nót viết lại bài thơ từng chữ, từng dòng, trong ngày mùng một Tết. Rồi tôi cũng xin bà cho tôi mượn bài thơ, để viết những dòng khai bút trang trọng. Tôi cảm thấy đó là những giây phút mà tôi viết đẹp nhất trong cả cuộc đời mình”.
Trong hồi ức của nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa, Tết đối với trẻ con ngày xưa là được má may cho quần áo mới, chiều ba mươi Tết tắm gội thật sạch, khoác tấm áo mới, thắp hương trước bàn thờ ông bà tổ tiên. Nghi lễ này y như một hiệu lệnh để tiến vào Tết. Ngày mùng Một Tết khoanh tay chúc Tết ông bà, để được nhận phong bao lì xì màu đỏ, rồi đi coi hát bóng, coi cải lương, ăn hủ tiếu mì, đánh bàu cua, được uống nước ngọt, có bánh trái, thịt thà. “Con trẻ thì xôn xao như vậy nhưng người lớn thì lo thắt ruột, giật gấu vá vai, lo may quần áo mới cho con, lo mâm cỗ cúng sao cho tươm tất nhất. Vất vả thế nhưng Tết đến thấy ông bà cũng vẫn vui như thường. Ba tôi riêng ngày Tết là cứ phải ra sạp mua mấy tờ báo Tết về đặt lên bàn. Đọc báo ngày xuân là thú vui của ba tôi” - nhà văn tâm sự.
Những dòng hoài niệm về Tết cứ thế được tiếp nối. GS Phan Văn Trường nhớ về tục lì xì và đi coi chiếu bóng thùng. “Ngày Tết xưa, anh em chúng tôi đi coi phim phải ghé mắt vào cái lỗ nhỏ xíu, coi 5 phút đã mất một đồng. Ngày nay, bọn trẻ con sướng quá, có rất nhiều màn hình lớn, công nghệ hiện đại, phim ảnh vô cùng sống động. Nhưng tôi nghiệm ra rằng hạnh phúc không phụ thuộc vào vật chất. Có lẽ bọn trẻ con bây giờ nằm thoải mái trên sô pha coi màn hình lớn cũng không sung sướng hơn chúng tôi ngày xưa ghé mắt vào cái lỗ nhỏ xíu coi cái phim cà giựt cà giựt. Mà có khi ngày xưa chúng tôi còn hạnh phúc hơn.”
Nhưng cũng chính trong hoài niệm đó, GS thẳng thắn thừa nhận lỗi lầm của thế hệ ông. “Tôi rất muốn xin lỗi với tư cách thế hệ của chúng ta, một thế hệ đầy ve sầu, ếch, cá. Thế hệ của chúng tôi bất cứ sông nào cũng nhảy xuống được, vì nước trong vắt, còn sau đó năm mươi năm thì chỉ cần nhúng tay xuống bất cứ con sông nào chắc là bị… ghẻ ngay. Các thế hệ đi sau có thể sẽ chỉ vào mặt chúng tôi để hỏi nguyên nhân của sự ô nhiễm, tàn phá môi trường này”.
Tết xưa đơn sơ, giản dị, trẻ con xưa vui với những niềm vui nho nhỏ từ ruộng đồng, từ lì xì hay đơn giản là được ăn những món ngon ngày Tết mới có. GS Phan Văn Trường dí dỏm: “Bây giờ, chúng ta không phải đi kiếm hạnh phúc đâu, chỉ cần có tiền thôi thì hạnh phúc tự tìm đến chúng ta”.
“Ngày xưa là mình ăn Tết còn ngày nay thì Tết ăn mình. Cả xã hội cùng chạy theo giá trị vật chất, quà cáp, lợi danh. Muốn tìm lại được hạnh phúc, có lẽ nên bỏ bớt những suy nghĩ hướng về tiền bạc, chức tước địa vị, sa đà rượu bia. Để giữ gìn tình cảm gia đình, việc bảo tồn lưu giữ những truyền thống xưa cũ, phong tục tốt đẹp như cúng tổ tiên, sum họp gia đình trong những giờ khắc đất trời vào xuân là vô cùng quan trọng” – nhà văn Lê Văn Nghĩa đúc kết.
GS Phan Văn Trường là chuyên gia thương thuyết, đàm phán, cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông là tác giả của những cuốn sách kinh tế như: Một đời thương thuyết, Một đời quản trị, Một đời như kẻ tìm đường… Nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa, tác giả của nhiều tập sách về Sài Gòn như: Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, Sài Gòn - Chuyện xưa mà chưa cũ... là người gắn bó mật thiết với Sài Gòn - TP.HCM. Giọng văn của ông vừa hài hước vừa ấm áp, khiến độc giả luôn cảm thấy yêu hơn cuộc sống giản dị xung quanh. |