“Ẩn số” thị trường ô tô 2021
Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 27/01/2021
Xe nhập “xuất trận”
Chỉ trong nửa đầu tháng 1/2021, thị trường ô tô Việt Nam bất ngờ trước sự xuất hiện của những dòng xe nhập khẩu. Mở màn cho sự “xuất trận” này là sự ra mắt của ZS - dòng xe của thương hiệu MG đến từ Anh. Cụ thể, ngày 9/1/2021, MG đã đưa về Việt Nam dòng xe ZS trang bị nhiều công nghệ tiên tiến, đạt chứng nhận an toàn 5 sao của ASEAN NCAP nhưng có giá rất cạnh tranh: từ 569 triệu đồng. Theo đại diện của Công ty TNHH TC Services Việt Nam - nhà nhập khẩu MG ZS, không chỉ nhập khẩu, công ty đang hướng đến việc lắp ráp mẫu xe này vào quý IV năm nay.
Tiếp đà của MG, ngày 14/1/2021, hãng xe Toyota đã giới thiệu xe Lexus IS - mẫu sedan hạng sang cỡ nhỏ. IS 2021 là phiên bản nâng cấp của thế hệ thứ ba với những cải tiến về kiểu dáng, hệ thống treo giúp tăng sức mạnh cho xe.
Một bất ngờ nữa là cũng trong ngày 14/1/2021, Toyota Việt Nam “trình làng” Toyota Alphard 2021. Nâng cấp đáng kể nhất của dòng xe này là gói Toyota Safely Sense (TSS) hỗ trợ người lái với những tính năng như cảnh báo tiền va chạm, cảnh báo chệch làn, hỗ trợ giữ làn, điều khiển hành trình chủ động, camera 360, hệ thống kiểm soát lực kéo và giám sát áp suất lốp. Đây là mẫu xe thường xuyên nằm trong top xe bán chậm nhưng theo đại diện của Toyota thì dòng xe này vẫn có thị trường riêng và chưa bao giờ hãng có ý định ngừng bán tại thị trường Việt Nam.
Điều đáng nói là giá bán của những loại xe phiên bản 2021 của các hãng đều tăng so với phiên bản cũ. Trong đó, Toyota Alphard 2021 có giá 4,219 tỷ đồng, tăng đến 181 triệu đồng so với phiên bản 2020. Riêng màu sơn trắng có giá đắt nhất, lên tới 4,227 tỷ đồng. Ba phiên bản của Lexus IS 2021 cũng tăng so với phiên bản cũ: IS 300 Standard giá 2,13 tỷ đồng, 300 Luxury giá 2,49 tỷ đồng và IS 300H giá 2,82 tỷ đồng.
Thị trường xe đầu năm còn có những “tân binh”, trước mắt sẽ là chiếc Ranger Wildtrak do Ford Việt Nam nhập từ Thái Lan, đã được thông báo đặt mua từ nhiều ngày qua.
Sẽ thiếu nguồn cung?
Theo ông Trần Anh Kiệt - Trưởng Phòng Dự án Công ty CP Đầu tư và Thương mại Tây Ô tô (Western Ford), hiện các đại lý của Ford hầu như không còn hàng để bán, đặc biệt là đối với hai dòng xe Ford Ranger và Everest nhập khẩu từ Mỹ. Hiện mỗi nhân viên sale chỉ có vài chiếc để bán.
Giới phân tích cho rằng, nguồn hàng khan hiếm do các nhà máy ở Việt Nam chỉ sản xuất cầm chừng vì e dè dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Việc nhập khẩu xe cũng khó khăn và mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu nguồn cung nguyên vật liệu và linh kiện do đại dịch.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2020 có 283.983 xe được bán ra, giảm 8% so với năm 2019, trong đó xe du lịch giảm 7%, xe thương mại giảm 10% và xe chuyên dụng giảm 26%. Cùng với đó, xe lắp ráp trong nước giảm 1%, xe nhập khẩu giảm 17%. Đây chính là hệ lụy của Covid-19 và lần đầu tiên nhiều hãng xe phải ra mắt xe mới trên nền tảng trực tuyến.
Hiện các nhà sản xuất ô tô vẫn lo lắng không chỉ về đầu vào mà cả những rủi ro về đầu ra bởi tâm lý tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định mua xe.
Thực tế ấy khiến các chuyên gia và nhà kinh doanh ngành ô tô vẫn khó để đưa ra nhận định chính xác về thị trường năm nay. Bởi nói như ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng tiểu ban Chính sách của VAMA: “Hằng năm, VAMA đều đưa ra những dự báo thị trường dựa trên tình hình của nền kinh tế. Về lý thuyết, nếu như năm 2020 dự báo giảm vì dịch bệnh thì năm 2021 sẽ phải tốt lên. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, VAMA cũng chưa thể đưa ra dự báo thị trường”.
Khó giảm giá
Nhiều nhà kinh doanh ô tô lo lắng vì hiện tại thị trường vẫn trầm lắng và người bán trông chờ vào người mua, còn người mua trông chờ vào các chương trình giảm giá. Bà Hoàng Thị Như Quỳnh - Trưởng Ban Truyền thông và Trách nhiệm xã hội Công ty Toyota Việt Nam cho biết, sau khi người tiêu dùng mua xe để “chạy phí trước bạ”, thị trường đã trầm lắng dù sắp Tết âm lịch là thời điểm sôi động nhất của ngành ô tô hằng năm.
Năm 2021, thuế trước bạ đã về lại mức 10-12% nên cơ hội giảm giá xe như năm 2020 là không nhiều. Theo ông Diệp Kim Tuấn - Công ty Haxaco (đại lý của Mercedes-Benz Việt Nam có trụ sở tại Bình Thạnh, TP.HCM), Haxaco đang hỗ trợ khách hàng bằng việc hỗ trợ 50% phí trước bạ đến hết tháng 2/2021. Tuy nhiên, chỉ vài dòng xe cũ mới được hỗ trợ và số lượng còn lại rất ít. Hiện công ty chưa có chính sách giảm giá mới sau đợt hỗ trợ hiện tại. Đối với những dòng xe mới và hút hàng (như GLE, GLS, GLB, S-Maybach, V250) không giảm, thậm chí còn không có quà tặng kèm. Mercedes có đến 90% là lắp ráp trong nước, các dòng nhập khẩu chỉ có khoảng 10-20 chiếc/tháng, nhưng đều là hàng đặt trước. Do nguồn hàng hạn chế và thời gian nhập cũng lâu (khoảng 4-5 tháng), nên các dòng xe nhập đều không giảm giá.
Thậm chí, có hãng xe còn áp dụng chính sách “bán bia kèm mồi”, khách muốn nhận xe phải mua thêm phụ kiện. Cũng theo ông Trần Anh Kiệt, hiện thương hiệu xe Ford không có chính sách giảm và các đại lý cũng không giảm giá ở thời điểm này. Khách hàng khi mua các dòng bán tải của Ford như Ranger (giá từ 600 triệu - 1,2 tỷ đồng), muốn nhận xe nhanh, phải mua thêm bộ nắp thùng kèm lót thùng giá khoảng 30 triệu đồng, vì nguồn xe tại các đại lý không còn nhiều.
Trong khi đó, đánh giá về xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước, ông Võ Quốc Bình - Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Bình Minh (M-Auto) khẳng định: “Trong năm 2020, xe lắp ráp trong nước lấn át xe nhập khẩu về số lượng tiêu thụ nhưng năm 2021, khi ưu đãi về phí trước bạ đã hết, tỷ lệ mua xe lắp ráp và nhập khẩu sẽ ngang bằng trở lại. Bởi xe lắp ráp trong nước không còn hỗ trợ từ chính sách để giảm giá thêm, còn xe nhập thì có lợi thế về chất lượng và ra mắt nhiều mẫu mới. Xe trong nước nếu có giảm giá cũng chỉ giảm ít mà chỉ có các dòng trung cấp trở lên”.