Dân tình sẽ ít ra khỏi nhà dịp Tết 2021, cơ hội cho hàng tiêu dùng nhanh tăng doanh số

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 05:47, 28/01/2021

Covid-19 khiến xu hướng tiêu dùng thay đổi, tuy nhiên, Tết cổ truyền năm nay sẽ thúc đẩy đáng kể doanh số hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Tại Việt Nam, người tiêu dùng (NTD) tìm đến các sản phẩm “đáng đồng tiền bát gạo”.
Dân tình sẽ ít ra khỏi nhà dịp Tết 2021, cơ hội cho hàng tiêu dùng nhanh tăng doanh số

Tiêudùng thay đổi

Theo truyền thống, Tết là thời điểm gia đình và bạn bè quây quần bên đồ ăn và thức uống đón chào năm mới. Trước thềm lễ hội, các hộ gia đình và doanh nghiệp dành nhiều thời gian và công sức vào việc dọn dẹp nơi ở và làm việc nhằm loại bỏ những năng lượng xấu của năm cũ để mở đường cho những khởi đầu mới đầy hứa hẹn.

Theo đại diện của Nielsen IQ, những phong tục Tết đã được kiểm chứng qua thời gian sẽ tiếp diễn dù trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, chúng sẽ khác hơn về hình thức và quy mô cũng nhỏ hơn. Ví dụ, việc nấu ăn tại nhà cho những buổi tối sum họp dự kiến sẽ gia tăng vì các gia đình tránh ra nhà hàng đông đúc. Mặc dù các buổi tụ tập xã hội quy mô nhỏ có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của đồ uống có cồn, dự kiến NTD sẽ ưu tiên chọn chất lượng hơn số lượng, do đó ưa thích các thương hiệu cao cấp.

Nghiên cứu vủa NielsenIQ vừa công bố cho thấy, thói quen chi tiêu cũng sẽ khác nhau giữa NTD chi tiêu khó khăn (bị ảnh hưởng tài chính bởi đại dịch) và NTD chi tiêu tiết chế (ít bị ảnh hưởng tài chính bởi đại dịch). NTD chi tiêu khó khăn sẽ hướng tới những mặt hàng có kích thước đóng gói nhỏ, tiết kiệm cùng với các chương trình khuyến mãi và ưu đãi hấp dẫn, trong khi đó NTD tiết chế sẽ chọn những mặt hàng cao cấp để tận hưởng Tết Kỷ Sửu trọn vẹn hơn. Điều này tạo ra cơ hội hiếm hoi cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ phục vụ cho người mua sắm ở cả hai phân khúc.

Tieu-dung-tai-nha-3-5644-1611806213.jpg

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu tuy nhiên trong dịp Tết

Thu hút bằng chương trình khuyến mãi hiệu quả 

Các nhà sản xuất và bán lẻ thường đầu tư mạnh vào các chương trình khuyến mãi và giảm giá trong các dịp lễ hội như Tết Nguyên đán. Các chương trình kích cầu này là một trong những cách hiệu quả nhất thúc đẩy doanh số.

Theo bà Sekerel Erdogan - Phó chủ tịch cấp cao khu vực châu Á - Thái bình Dương của NielsenIQ, không phải tất cả các chương trình khuyến mãi đều được tạo ra giống nhau. Không có một cách tiếp cận chung phù hợp cho tất cả thể loại khuyến mãi, vì NTD sẽ phản ứng khác nhau đối với các chương trình khuyến mãi ở các ngành hàng khác nhau. Vì vậy, để tối đa hóa khả năng bán hàng dịp lễ hội, các thương hiệu và nhà bán lẻ phải xem xét lại chiến lược khuyến mãi của mình và đảm bảo họ đang quảng bá đúng sản phẩm, sử dụng đúng cơ chế khuyến mãi và đúng giá để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua sắm Tết Nguyên đán.

Mặc dù một bộ phận NTD mua sắm Tết với ngân sách hạn chế do ảnh hưởng kinh tế của đại dịch, nhưng những NTD có khả năng tài chính ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ tận dụng cơ hội này để tự thưởng cho mình trong mùa lễ hội bằng việc mua sắm các sản phẩm cao cấp.

“Một số ngành hàng mang tính chất chiều chuộng bản thân như bia và sôcôla rất nhạy với khuyến mãi, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ đạt được doanh số bán hàng gia tăng trong lễ hội. Ngoài ra, các nhà sản xuất và bán lẻ cũng nên thiết kế các chương trình khuyến mại đặc biệt cho các danh mục quà tặng cao cấp như bào ngư, tinh chất gà, yến sào và rượu vì những NTD chi tiêu tiết chế có thể có thêm ngân sách để mua sắm do các bữa tiệc được thu nhỏ.

Tieu-dung-tai-nha-7000-1611806213.jpg

NTD Việt tìm các sản phẩm đáng đồng tiền

NTD Việt tìm các sản phẩm đáng đồng tiền 

Ở Việt Nam, Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết đoàn viên và là lễ hội lớn nhất trong năm của Việt Nam. Đây cũng là lễ hội điển hình trong lịch hoạt động của ngành hàng FMCG tại Việt Nam, khi doanh số FMCG tăng cao hơn 12-15% so với thời điểm không có lễ hội và chiếm gần 20% tổng doanh số FMCG diễn ra trong thời gian Tết.

Các mặt hàng phổ biến trong dịp Tết là đồ uống, bia, bánh quy, đồ ăn nhẹ, và cà phê, với mức tăng trưởng sản lượng từ 10-50%, tùy loại.

Tại Việt Nam, dù dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, nhưng do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và du lịch, tác động tiêu cực đến các lĩnh vực chính này đã dẫn đến mất việc làm và gia tăng số lượng NTD chi tiêu khó khăn.

 “Mặc dù không có hạn chế nào được áp dụng nhưng tác động của đại dịch đối với việc làm sẽ dẫn đến việc NTD cân nhắc chi tiêu và sẽ trả giá nhiều hơn. Tại Việt Nam, quà tặng miễn phí và giảm giá trực tiếp là các chương trình khuyến mãi được tìm kiếm nhiều nhất. Do đó, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất nên lưu ý điều này khi hoạch định chiến lược khuyến mãi của mình”, Richard Thomas - Giám đốc bộ phận Intelligent Analytics của Nielsen IQ tại Việt Nam khẳng định.

Thanh Ngân