Thị trường âm nhạc 2021: Nhạc trực tuyến tiếp tục chiếm lĩnh?

Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 08:00, 28/01/2021

Covid-19 khiến ngành kinh doanh, biểu diễn nhạc sống (biểu diễn trực tiếp, hòa nhạc, liveshow) trên toàn cầu giảm 18 tỷ USD, chưa từng có từ trước đến nay.
bai-2-nhac-2021-7222-1611730136.jpg

Theo Matching Engine, trong năm 2020, doanh thu nhạc sống chỉ đạt 10,4 tỷ USD (gồm 8,3 tỷ USD bán vé và 2,1 tỷ USD tài trợ), giảm gần 29 tỷ USD so với năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với 30,4 tỷ USD được tạo ra từ âm nhạc kỹ thuật số (streaming, tải nhạc). Ở khía cạnh ngược lại, Covid-19 thúc đẩy quá trình số hóa âm nhạc nhanh hơn bao giờ hết, từ liveshow trực tuyến cho đến video trên nền tảng mạng xã hội. Theo Chartmetric, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, âm nhạc ngày nay thường xuyên kết hợp với các hình thức giải trí khác, dù là thông qua mạng xã hội, truyền hình hay video trực tuyến. 

TikTok là nền tảng hưởng lợi nhiều nhất và thống trị thị trường nhạc trực tuyến, vượt xa các nền tảng như Twitter, Snapchat, Instagram hay Facebook. Sự chậm trễ trong việc tạo ra công cụ có lợi trên nền tảng và khuyến khích sự sáng tạo của người dùng chính là nguyên nhân được nhiều chuyên gia lý giải vì sao các nền tảng ấy bị TikTok bỏ xa. 

Trong khi đó, việc phát hành các album trên nền tảng số như Spotify, iTunes... hay Podcast, liveshow trực tuyến trở thành hướng phát triển cốt lõi của ngành công nghiệp âm nhạc 2020, khi mọi hoạt động gần như đóng băng vì dịch bệnh. Năm nền tảng được người dùng ưa chuộng trong năm 2020 gồm Spotify, YouTube, Pandora, Shazam và Tivi đồng bộ hóa.

Các nhạc sĩ, bao gồm Chris Martin của Coldplay, Death Cab, Pink, Keith Urban và Diplo... tham gia hoạt động tích cực trên mạng xã hội và tổ chức các liveshow trực tuyến với mục đích cổ vũ, nâng cao tinh thần người hâm mộ và lan tỏa ý thức cộng đồng. Nhiều nghệ sĩ và gương mặt nổi tiếng cùng sử dụng hashtag #TogetherAtHome - một thông điệp về sự đoàn kết trong thời gian giãn cách xã hội. "Mặc dù các buổi hòa nhạc trực tuyến không thể thỏa mãn người nghe như xem biểu diễn trực tiếp nhưng nỗ lực của các nghệ sĩ rất đáng để ghi nhận", nhà sản xuất âm nhạc Lindsay Guion nói với tờ Newsgram.

Theo thống kê của Spotify, rapper người Puerto Rico - Bad Bunny chiếm vị trí đầu bảng nền tảng này với hơn 8,3 lượt stream trong năm 2020 từ người hâm mộ trên toàn cầu. Album YHQMDLG của Bunny được phát hành vào cuối tháng 2/2020, hợp tác cùng Sech, Anuel AA và Daddy Yankee - là album phát trực tuyến được đón nhận nhiều nhất. Theo sau Bad Bunny là Drake và ngôi sao Latin J Balvin. Nghệ sĩ được stream nhiều thứ tư là rapper quá cố Juice WRLD, tiếp đến là The Weenknd. Billie Eilish tiếp tục là nữ nghệ sĩ streaming được xem nhiều nhất trên Spotify hai năm liên tiếp, tiếp theo là Taylor Swift và Ariana Grande. Vị trí thứ 4 thuộc về Dua Lipa, Halsey đứng thứ 5.

Matching Engine thống kê, truyền phát trực tuyến âm nhạc trong năm 2020 đạt 20,4 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 11,32%. Và mặc dù nhiều ca sĩ như Lady Gaga, Taylor Swift đã thông báo dự định các buổi diễn, album trong năm 2021 thì xu hướng trực tuyến vẫn sẽ tiếp tục thống lĩnh ngành công nghiệp âm nhạc trong năm 2021. Bên cạnh đó, Lindsay Guion cũng dự đoán rằng, hình thức "nghe nhạc từ trong xe hơi" đối với các buổi diễn trực tiếp có thể sẽ được các nhà tổ chức âm nhạc tận dụng khi tình hình dịch bệnh khả quan hơn. 

Phương Trang