Kích cầu vẫn là "phao cứu sinh" cho du lịch năm 2021
Du lịch - Ngày đăng : 06:00, 29/01/2021
Những liên minh kích cầu ra đời đúng thời điểm
Số liệu thống kê mới nhất từ Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết Covid-19 đã làm giảm 1 tỷ lượt khách, tổng thiệt hại 1.100 tỷ USD, khiến ngành du lịch thế giới bị kéo lùi về thời điểm năm 1990, với lượng du khách sụt giảm tới 72% chỉ tính trong 10 tháng đầu năm. Với Việt Nam, tính đến đầu tháng 12/2020, có hơn 320 doanh nghiệp du lịch, lữ hành phải ngưng hoạt động, tổng thiệt hại ước tính lên tới 23 tỷ USD.
Vào cuối tháng 2/2020, khi Covid-19 bắt đầu gây ra những tác động xấu đến ngành du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng và tổ chức triển khai chương trình Kích cầu du lịch Việt Nam 2020 tầm cỡ quốc gia, huy động sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp du lịch, địa bàn triển khai được mở rộng trên cả nước. Đến giữa tháng 5, thị trường du lịch chỉ còn mảng nội địa, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Vietnam Airlines tiếp tục tổ chức phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc năm 2020. Vào tháng 10/2020, Sở Du lịch Quảng Ninh cũng đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cùng Hiệp hội Du lịch một số tỉnh khu vực Bắc - Trung - Nam, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành, truyền thông tổ chức lễ ký kết thành lập Liên minh kích cầu du lịch Thu Đông miền Bắc, bao gồm 36 đơn vị tham gia...
Thời điểm bước sang năm mới, nhiều công ty du lịch áp dụng các chương trình hấp dẫn khi mua tour Tết như tặng vàng 9999, nhận quà tặng may mắn hoặc giảm giá tour cho khách hàng đặt tour sớm. Giá tour Tết năm 2021 mặt bằng chung đã giảm từ 15-30% so với năm ngoái. Ngoài việc tạo tín hiệu lạc quan cho năm mới, loạt hành động này cũng nhằm duy trì thành công của các chương trình kích cầu đã diễn ra khá liên tục trong suốt năm 2020.
Theo ông Nguyễn Lê Phúc - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, năm 2020 với hai chương trình kích cầu du lịch nội địa "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn" do Tổng cục tổ chức, nhiều hoạt động du lịch đã dần được phục hồi. Với các hoạt động vận chuyển khách du lịch, Vietnam Airlines đã mở lại 100% các đường bay nội địa, mở thêm 18 đường bay mới, Bamboo Airways có công suất chuyên chở tăng nhanh, đạt khoảng 80% hay Vietjet Air đạt xấp xỉ 100% so với trước dịch...
Tại các hội thảo diễn ra tuần qua, ngoài việc nhận định những xu hướng mới của du lịch năm 2021, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng kích cầu vẫn là "phao cứu sinh" của lữ hành năm 2021. Nhờ chương trình kích cầu, các hoạt động du lịch nội địa được duy trì. Một số doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp tục các giải pháp phục hồi hướng tới chu kỳ tăng trưởng mới. Công suất sử dụng phòng khách sạn ở một số điểm đến như Đà Lạt, Sa Pa, Hạ Long, Quy Nhơn, Phú Quốc, Côn Đảo... đạt hơn 30%, thời kỳ cao điểm, cuối tuần lên tới 80%.
Hiệu quả lớn hơn nếu tăng quy mô kích cầu
Đánh giá cao các giải pháp liên minh kích cầu, tuy nhiên ông Nguyễn Công Hoan - Tổng giám đốc Flamingo Redtours cho rằng liên minh kích cầu tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Thứ nhất là lực lượng nòng cốt tham gia Liên minh kích cầu vẫn tập trung chủ yếu vào các công ty lữ hành và hàng không, chứ chưa có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý điểm đến, nhà cung cấp dịch vụ tại địa phương như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan... Điểm hạn chế thứ hai là thời gian kích cầu diễn ra ngắn dẫn đến những hạn chế nhất định trong việc truyền thông và bán sản phẩm tới khách hàng. Điểm hạn chế thứ ba khi chương trình kích cầu bắt đầu tạo được hiệu ứng thì xuất hiện tình trạng phá cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ như: tăng giá; bổ sung các chương trình khuyến mại hấp dẫn hơn cho khách hàng trực tiếp, các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp khác; tình trạng hình thành thêm liên minh cạnh tranh với nhau thậm chí cạnh tranh trong chính các đơn vị trong liên minh... Điều này đã phá vỡ trật tự kinh doanh, gây hỗn loạn thị trường, quyền lợi của các thành viên không được đảm bảo. Điểm hạn chế nữa là sự lệch pha trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu giữa các bên.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, có thể khắc phục triệt để những hạn chế trên bằng các giải pháp cụ thể sau: hoạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá; cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên; cơ quan quản lý điểm đến; cơ sở cung ứng dịch vụ tại điểm đến; nhà vận chuyển (hàng không, tàu hỏa, ô tô...).
Cùng chung nhận định này, ông Cao Chí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng cho rằng đây chính là thời điểm lữ hành trở về với vị trí dẫn dắt bởi họ chính là mắt xích để tích hợp các sản phẩm. Song ông Cao Chí Dũng cho rằng vẫn rất cần phải xây dựng những sản phẩm du lịch mang tầm quốc gia, phát triển các kênh truyền thông số đa dạng và đưa ra nhiều đề xuất tung ra các sản phẩm khuyến mại, ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp lữ hành khi đưa khách tới đây.
Chia sẻ giải pháp từ thực tế thị trường du lịch nội địa, bà Nguyễn Thị Lê Hương - Phó tổng giám đốc Công ty Vietravel cho hay: "Ngành du lịch cần có chính sách hỗ trợ chung như kiểm soát chặt tình hình và diễn biến của dịch Covid-19 cũng như các biến thể virus mới. Tiếp tục chính sách miễn giảm thuế phí cho các doanh nghiệp ngành du lịch trong năm 2021. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng trong năm 2021 trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong năm 2020; tiếp tục giảm tiền điện, nước, phí dịch vụ Internet..."