Giao thông đô thị và lối sống thị dân

Du lịch - Ngày đăng : 09:00, 31/01/2021

Lịch sử giao thông đô thị cho biết có 4 thời kỳ quy mô đô thị tương ứng với hệ thống và phương tiện giao thông chính.
Giao thông đô thị và lối sống thị dân

Đô thị thời trung cổ: Đi bộ là chính, xe ngựa chỉ dành cho một tầng lớp nhất định của xã hội. Phạm vi đô thị gồm có "thành" trung tâm của giới thượng lưu và khu vực bên ngoài (ngoại thành) là nơi cư trú của cộng đồng dân cư.

Đô thị thời cận đại: Xuất hiện phương tiện giao thông chạy bằng máy hơi nước rồi chạy bằng điện (xe điện, xe hơi), giao thông công cộng chưa phát triển. Quy hoạch đường sá khoa học hơn (hai làn đường, đường phố phù hợp chức năng của từng khu vực trong đô thị), mở rộng và kết nối các khu vực nội, ngoại thành.

Đô thị thời hiện đại: Đường nội thành có vỉa hè, cây xanh. Có đường dành riêng cho phương tiện giao thông công cộng trong nội thành, đường liên tỉnh có tốc độ cao.

Từ đầu thế kỷ XXI, Hà Nội và TP.HCM hiện đại hóa hạ tầng bằng việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng nội đô và hướng ra ngoại thành. 

Thói quen ứng xử trong giao thông phản ánh khá chính xác lối sống thị dân và văn hóa đô thị.

Sử dụng phương tiện giao thông cá nhân đòi hỏi sự tôn trọng không gian công cộng: đi đúng làn đường, dừng xe đúng vạch khi có đèn đỏ, không chạy vào những làn đường dành riêng cho phương tiện khác, không đậu xe vào nơi dành cho người khuyết tật và tiến tới ứng xử văn hóa hơn: ưu tiên cho người đi bộ, người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai và có con nhỏ. Tuy nhiên, khi giao thông công cộng còn chưa phủ toàn thành phố thì việc sử dụng phương tiện cá nhân của người tham gia giao thông vẫn còn nhiều hành vi tùy tiện, vi phạm luật pháp, một phần do đường sá chật hẹp nhưng phần lớn là do ý thức thị dân chưa cao.

Thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng là một đặc điểm của thị dân hiện đại. Đặc điểm này tạo ra nhiều thói quen tốt: đúng giờ, xếp hàng, tuân thủ quy định về an toàn giao thông, khuyến khích đọc sách, nghe nhạc, lướt web... đồng thời hạn chế thói quen gây ảnh hưởng đến người xung quanh như nói to, xả rác. 

Hà Nội và TP.HCM đang khẩn trương hoàn thành tuyến đường sắt trên cao và tuyến metro số 1. Phương tiện giao thông công cộng này giúp giải phóng một phần không gian sử dụng làm đường đi và nơi đỗ xe, tạo điều kiện phát triển khu vực dành cho người đi bộ và không gian xanh. Giao thông công cộng hiện đại làm giảm thiểu tác hại môi trường: so với xe tư nhân thì giảm mật độ chiếm dụng không gian, tổng thể sẽ giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, ô nhiễm khí, ô nhiễm tiếng ồn và tăng mức độ an toàn.

Tuy nhiên, các phương tiện giao thông công cộng muốn phát triển tốt cần bộ máy quản lý và vận hành có trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ thường xuyên, đáng tin cậy và an toàn để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của hành khách. Sự cạnh tranh của các loại phương tiện công cộng (buýt, metro, tramway, monorail...) thể hiện qua chất lượng cao và ổn định, sự tiện lợi, nhân viên phục vụ nhiệt tình, chu đáo.

Sự tự do của xã hội đô thị cũng đồng thời bắt buộc mọi cá nhân phải thực thi đầy đủ những quy tắc chặt chẽ theo luật pháp. Một đô thị được gọi là văn minh khi mỗi cá nhân hay tổ chức có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cộng đồng.

Chính vì vậy, tổ chức giao thông ở một đô thị phản ánh trình độ quản lý và văn hóa cộng đồng của đô thị ấy. Giao thông công cộng càng hiện đại thì ý thức thị dân càng cần được nâng cao tương ứng, việc tuân thủ luật pháp, quy tắc trở thành đạo đức, thói quen trong hành xử hằng ngày của người dân. Hà Nội và TP.HCM xây dựng "thành phố hiện đại, văn minh" cần bắt đầu bằng việc tạo điều kiện cho cư dân có lối sống "hiện đại, văn minh" khi tham gia sử dụng phương tiện giao thông công cộng. 

Nguyễn Thị Hậu