Xuất hiện đột biến 'trốn' kháng thể trong biến chủng SARS-CoV-2 ở Anh
Quốc tế - Ngày đăng : 02:00, 04/02/2021
Theo Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), đột biến này được gọi là E484K, từng được tìm thấy trong các biến chủng virus ở cả Nam Phi và Brazil. Dẫn lời PHE, hãng tin CNN cho biết, biến chủng B.1.1.7 của Anh trước đó không có E484K - điều khiến giới chuyên gia tại Anh lo ngại về cách thức chủng B.1.1.7 có đột biến này.
Mô phỏng động học phân tử cho thấy đột biến E484K có nguy cơ trốn khỏi phản ứng miễn dịch mà vắc-xin Covid-19 tạo ra. Ảnh: NIAID. |
Đột biến trong biến chủng SARS-CoV-2
Báo cáo từ PHE cho thấy, đột biến E484K được tìm ra trong ít nhất 11 mẫu thuộc biến chủng B.1.1.7 trong bộ dữ liệu gồm hơn 200.000 mẫu gen đã giải trình tự ở Anh. Dường như các trường hợp vừa nêu đã có đột biến một cách độc lập, thay vì lây lan từ một trường hợp duy nhất.
Cái tên E484K được đặt theo tọa độ mà mã gen trong virus bị biến đổi. Số 484 là vị trí chính xác của đột biến. Chữ E là axit amin ban đầu và ký tự K là axit amin mà nó bị đột biến.
Theo các chuyên gia y tế, việc phát hiện các trường hợp chứa đột biến có thể đồng nghĩa với việc biến chủng B.1.1.7 - vốn rất dễ lây lan - giờ mang theo cả rủi ro trở thành virus kháng lại vắc-xin. Trong nhiều trường hợp, nó thậm chí có khả năng cao gây tái nhiễm cho người đã từng mắc Covid-19.
Nhận xét về phát hiện này, nhà dịch tễ học Joseph Fauver, Trường Y tế Công cộng Yale (Mỹ), nói: "Đây không phải là tin tốt cho hiệu quả của vắc-xin". Theo Fauver, Mỹ cần theo dõi biến chủng mới cũng như đột biến E484K, trong bối cảnh các nỗ lực tìm kiếm biến chủng thông qua giải trình tự gen đã tụt hậu so với Anh.
Trong khi đó, nhà virus học Lawrence Young, Đại học Warwick cho rằng, đột biến của biến chủng mới là một "mối quan tâm". Trên thực tế, việc biến chủng tìm thấy ở Anh có đột biến này "cho thấy rằng virus nhiều khả năng đang thích nghi với phản ứng miễn dịch của chúng ta," ông Young nhận xét.
Nhà virus học cũng nói thêm, biến chủng được xác định ở Nam Phi "có thể sở hữu khả năng tái lây nhiễm cho các ca nhiễm dạng ban đầu của SARS-CoV-2". "Điều này một phần có thể là do đột biến E484K có thể làm suy yếu phản ứng miễn dịch", ông nói.
Biến chủng virus tại Anh lây lan nhanh hơn 70% so với SARS-CoV-2 gốc. Anh: Getty Images |
Hiện, vẫn còn sớm để kết luận rằng, đột biến E484K có thể gây ra tác động lớn đến biểu đồ tình hình Covid-19 ở Anh và toàn thế giới hay không. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã cho thấy E484K có thể là nguyên nhân lý giải tại sao một số vắc-xin Covid-19 lại kém hiệu quả hơn với biến chủng ở Nam Phi.
Bằng chứng "trốn" phản ứng miễn dịch
Theo công ty phát triển vắc-xin Mỹ Novavax, vắc-xin của họ có hiệu quả 89% khi thử nghiệm giai đoạn 3 tại Anh, song tại Nam Phi, hiệu quả của giai đoạn 2b lâm sàng chỉ có 60%. Tương tự, thử nghiệm giai đoạn 3 của Johnson & Johnson cũng ghi nhận hiệu quả vắc-xin thấp tại Nam Phi, chỉ 57%, so với 72% tại Mỹ. Trong cả 2 cuộc thử nghiệm, từ 90-95% trường hợp ở Nam Phi liên quan đến biến thể B.1.351 - loại chứa đột biến E484K.
Tuy nhiên, hầu hết các bằng chứng ban đầu về "biến chủng trốn vắc-xin" đến từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, cho thấy các kháng thể dường như ít có khả năng "tóm" được protein gai phát sinh từ đột biến.
Đột biến E484K từng được các nhà khoa học gọi là "kẻ đào tẩu", bởi mức độ tinh vi của nó trong việc thoát khỏi kháng thể do vắc-xin ngừa Covid-19 tạo ra. Phó giáo sư Penny Moore, Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm ở Nam Phi, nói đột biến này "đáng báo động" và "lo sợ nó có thể gây ra những tác động không thể đo lường".
Giữa tháng 1/2021, CNN từng dẫn các nghiên cứu cảnh báo mối lo về E484K. Đến ngày 2/2, hãng tin này dẫn thêm một nghiên cứu phát hiện kháng thể từ các trường hợp tiêm vắc-xin kém hiệu quả hơn trong nhiệm vụ vô hiệu hóa virus. Theo dữ liệu từ PHE, những người này đều nhiễm virus mà chủng của nó là B.1.1.7 nhưng có thêm đột biến E484K.
Theo Paul Bieniasz - nhà virus học thuộc Đại học Rockefeller, đột biến E484K đã "xuất hiện lẻ tẻ" ở nhiều mẫu trong vài tháng qua, nhưng dường như cho đến gần đây nó vẫn không mang đến lợi thế cho virus trong các quần thể không có khả năng miễn dịch từ trước.
Còn với Nam Phi - nơi nhiều người đã mắc bệnh từ trước, đó lại là câu chuyện khác. Tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ lưu ý rằng "tỷ lệ tái nhiễm rất cao, đến mức mà miễn dịch từ lần nhiễm trước đó dường như không bảo vệ được bạn".
Cập nhật đến sáng 4/2/2021, thế giới ghi nhận gần 105 triệu ca nhiễm, và 2.278.576 trường hợp tử vong do Covid-19. Hiện, 76.635.068 người đã bình phục, theo thông tin từ WorldoMeters.