Thế giới mất bao lâu để cuộc sống trở lại bình thường?

Quốc tế - Ngày đăng : 04:36, 05/02/2021

Với tốc độ tiêm ngừa Covid-19 như hiện nay, cả thế giới phải mất trung bình hơn 7 năm để vắc-xin có thể phủ đến ít nhất 75% dân số - tỷ lệ cần thiết để đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng.

Khi nào đại dịch sẽ kết thúc? Đó là câu hỏi liên tục được đặt ra kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên bình diện toàn cầu vào năm ngoái, và câu trả lời chỉ có thể được đo bằng tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin.

Dựa trên các nghiên cứu, đánh giá của các quan chức dịch tễ hàng đầu Hoa Kỳ, chỉ khi nào 70-85% dân số thế giới được tiêm vắc-xin Covid-19, lúc đó cuộc sống mới trở lại bình thường. Theo đó, Bloomberg đã căn cứ trên 119 triệu liều đã được tiêm, và xây dựng bộ công cụ theo dõi việc tiêm vắc-xin trên phạm vi toàn cầu (Bloomberg’s Vaccine Tracker) nhằm ước tính thế giới mất bao lâu để khống chế được SARS-CoV-2.

vacxincovid19-1-9174-1612505907.jpg

Công cụ theo dõi việc tiêm vắc-xin trên phạm vi toàn cầu (Bloomberg’s Vaccine Tracker) cho thấy Trung Quốc, Canada và một vài nước hay vùng lãnh thổ ở châu Âu, cùng Chile sẽ mất khá lâu (trên 6 năm) để tiêm ngừa cho 75% dân số

Bloomberg’s Vaccine Tracker cho thấy, một số quốc gia đang đạt được tiến bộ nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác. Israel - quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, đang hướng tới tỷ lệ bao phủ 75% dân số chỉ trong 2 tháng. Mỹ sẽ đạt đến mức đó đúng vào năm mới 2022 (mặc dù bang North Dakota có thể đến đó sớm hơn bang Texas 6 tháng).

vacxincovid19-2-1612505704-2498-16125059

Mỹ sẽ mất đến 11 tháng để đạt độ bao phủ 75% dân số

Với tốc độ tiêm chủng đang diễn ra nhanh chóng ở các nước phương Tây giàu có hơn so với phần còn lại của toàn cầu, Bloomberg cho rằng, thế giới sẽ mất khoảng 7 năm mới có thể trở lại cuộc sống bình thường. Tiêm phòng chống lại Covid-19 sẽ có hiệu quả trong vòng vài tuần sau khi tiêm. Nhưng nếu chỉ một vài người trong cộng đồng được chủng ngừa, virus có thể tiếp tục lây lan mà không được kiểm soát.

Khi có nhiều người hơn được chủng ngừa, các nhóm người bắt đầu xây dựng một "bức tường" phòng thủ tập thể chống lại virus để khi có các ca nhiễm cộng đồng, các tia lửa lây nhiễm bị cô lập thay vì bùng phát và lây lan thành ổ dịch. Khái niệm này được giới y học gọi là miễn dịch cộng đồng.

Ngọc Thoại