Chợ hoa Sài Gòn đìu hiu, người bán hy vọng vào những ngày giáp Tết
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:40, 08/02/2021
Nửa cuối tháng Chạp năm Canh Tý (2020), TP.HCM tổ chức nhiều chợ hoa suốt nửa tháng đi kèm các hoạt động biểu diễn nghệ thuật để đón Xuân về. Thế nhưng ở hầu hết các chợ hoa, người bán thì âu sầu còn người mua thưa thớt.
Người bán thì âu sầu còn người mua thì thưa thớt. |
Tại khu vực Bến Bình Đông (Q.8, TP.HCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” được tổ chức từ giữa tháng Chạp. Các loại hoa kiểng bày bán tại đây chủ yếu được các thương lái và chủ vườn chở từ miền Tây lên bằng ghe. Hoa và cây cảnh phổ biến là hoa mai, tắc kiểng, hoa giấy, vạn thọ…
Ngồi lọt thỏm trong hàng dài tắc kiểng, anh Trần Trọng Thành (quê Cần Thơ) cho biết, ghe neo tại bến Bình Đông từ một tuần trước, chỉ chuyên bán tắc kiểng vì lấy từ nhà vườn làm ăn lâu năm ở miền Tây. Năm rồi anh bán được 500 chậu, năm nay chỉ dám chở lên 270 chậu nhưng mới chỉ bán được 80 chậu. “Tới giờ chưa đủ vốn”, anh nói.
Tại khu vực Bến Bình Đông (Q.8, TP.HCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” được tổ chức từ giữa tháng Chạp. |
Tắc kiểng được bày bán có giá 1 - 1,5 triệu đồng/chậu. Một chậu tắc sai trái cần đến 5 năm chăm sóc, tính ra cũng không lời nhiều. Do gần Tết nên các chi phí đều tăng (cây giống, vận chuyển, xăng dầu…), lại gặp phải cảnh đìu hiu do người mua ít, anh Thành chưa dám ước lượng việc mua bán năm nay có lấy lại được vốn hay không.
Tại chợ hoa ở công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM), tình hình cũng chẳng khá hơn. Năm rồi, có đến 70 gian hàng bán hoa Tết, nhưng năm nay chỉ còn một nửa. Anh Nguyễn Văn Nón (quê Bến Tre) bán bưởi Diễn Nghệ An và quất chum cho hay, dù bày bán đã được một tuần nhưng chủ yếu chỉ bán được cho người quen. Theo anh Nón, khách vãng lai mua nhiều vào những ngày giáp Tết, thường từ 27 Tết trở đi. Vì vậy anh vẫn hy vọng sẽ bán được hàng trong những ngày cuối cùng của năm cũ.
Dù bày bán đã được một tuần nhưng anh Nón chủ yếu chỉ bán được cho người quen. |
Khu vực chợ hoa trên tuyến đường Thành Thái - Lý Thường Kiệt - Bắc Hải (Q.10, TP.HCM) năm nay bày bán đa dạng các loại hoa kiểng đến từ nhiều vùng miền. Ngoài các loại hoa truyền thống như mai, đào, còn có thêm cây cảnh như kim ngân, phát tài giáng long, lan hồ điệp… Tuy nhiên, nhiều chủng loại với đủ sắc màu sặc sỡ cũng không giúp lôi kéo người mua đông hơn. Khách hàng đến mua hoa và cây cảnh ở khu vực này đến chiều 26 Tết vẫn khá thưa thớt.
Khu vực chợ hoa trên tuyến đường Thành Thái - Lý Thường Kiệt - Bắc Hải (Q.10, TP.HCM) năm nay bày bán đa dạng các loại hoa kiểng. |
Có thể thấy, “bóng ma” Covid-19 không chỉ tàn phá giới doanh nghiệp lớn nhỏ mà còn đeo bám đến những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Người bán hoa thấp thỏm thì người trồng hoa cũng rầu rĩ không kém. Các nhà vườn trồng hoa ở phường Thới An (Q.12, TP.HCM) cho biết, năm nay họ đã cắt giảm lượng gieo trồng 30-50% so với năm rồi, khi bắt đầu xuống giống hơn một tháng trước. Nhưng các thương lái cũng giảm mua theo. Theo chị Kim Trúc, nhà vườn ở Vĩnh Long, các thương lái năm nay chỉ lấy các loại hoa kiểng hút khách như mai, vạn thọ, cúc… để nhanh thu hồi vốn. Vì vậy lượng hoa chị bán ra năm nay cũng giảm đáng kể so với năm rồi.
Khách hàng đến mua hoa và cây cảnh ở khu vực này đến chiều 26 Tết vẫn khá thưa thớt. |
Theo Sở Công thương TP.HCM, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dự kiến TP.HCM tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành hoa các loại (hồng, cát tường, ly, cẩm chướng…). Kế hoạch là vậy, nhưng sức mua năm nay rất khó đạt và mang lại niềm vui cho người bán, người trồng hoa.