Quà Tết
Đời thường - Ngày đăng : 07:00, 10/02/2021
Từ lì xì...
Những người "muôn năm cũ” chắc không ai lại không nhớ những ngày Tết thuở thiếu thời, đặc biệt là ngày mùng một Tết. Lúc ấy, đất trời như rạng rỡ hơn. Trong không gian đầm ấm còn thoang thoảng mùi hương trầm cúng gia tiên sau lễ giao thừa, những đứa trẻ xúng xính trong bộ đồ mới, hớn hở chờ được nhận cái phong bì đỏ rực chứa những đồng tiền mới cùng lời mừng tuổi từ ông bà, cha mẹ hay họ hàng. Những phong bì đó được cất trong một góc nhỏ căn nhà, cất vào góc nhỏ ký ức. Nó đi cùng mình theo năm tháng.
Mừng tuổi đầu năm là phong tục phổ biến ở các nước Á Đông. Theo truyền thống từ đời này sang đời khác, cứ vào những ngày Tết Nguyên đán là con cháu lần lượt nói lời chúc Tết, rồi tặng quà và mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ. Sau đó con cháu sẽ được ông bà, cha mẹ tặng một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền, kèm theo những lời chúc may mắn. Không chỉ trong gia đình, họ hàng hay bạn bè khi đến thăm hỏi hay chúc Tết nhau cũng thường mừng tuổi cho các em nhỏ bằng cách ấy.
Tại sao lại gọi là "mừng tuổi"? Tác giả Toan Ánh, trong Nếp cũ, giải thích: "Vào năm mới, người ta thêm một tuổi. Đó là một điều đáng mừng: đối với người già là tăng thêm tuổi thọ, đối với các em bé là thêm tuổi để thêm lớn. Bởi vậy, trong lúc chúc Tết, người ta có lệ mừng tuổi".
Trong phương ngữ miền Nam, tục này được gọi là lì xì. Theo tác giả Hạo Nhiên Nghiêm Toản, trong Phiếm luận nhân tìm nghĩa hai chữ "lì xì”, đăng trên đặc san Xuân Danh từ chuyên môn ra ngày 9/1/1975, "lì xì" có gốc từ trong tiếng Trung. Từ này phiên âm kiểu pin yin là lì shì, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Tác giả Hạo Nhiên cho rằng tiền lì xì chính là thứ tiền đem lại cái hên, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu Xuân.
Có lẽ phong tục này có nguồn gốc xa xưa từ Trung Quốc. Tương truyền có nhiều yêu quái thường xuyên gây hại bá tánh. Hằng năm, thừa lúc các vị thần tiên canh giữ hạ giới phải về trời vào thời điểm giao thừa, yêu quái lộng hành quấy rối trẻ em đang ngủ làm trẻ giật mình khóc thét, khiến cha mẹ phải thức canh. Một lần, có 8 vị tiên đi ngang nhà kia, thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ. Cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền ấy vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Phép lạ này nhanh chóng lan truyền, nên mỗi dịp Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào phong bao lì xì đỏ để tặng cho con với mong ước chúng sẽ lớn nhanh và khỏe mạnh.
Theo một số tài liệu khác thì tục mừng tuổi có ở Trung Quốc từ đời nhà Tần. Vào thời gian đó, người ta dùng một sợi chỉ đỏ để xâu tiền thành một xâu theo hình con rồng hoặc thanh kiếm để ở chân giường hoặc cạnh gối trẻ em. Xâu tiền đó gọi là tiền "áp tuế” giống như cách gọi của người Trung Quốc ngày nay, có nghĩa là món tiền mừng cho đứa trẻ, với mong ước đứa trẻ được tiền, được lộc, có thể vượt qua mọi khó khăn.
Như vậy, ý nghĩa ban đầu của tục lì xì là lời chúc tốt lành của người lớn dành cho con trẻ. Bao lì xì màu đỏ là màu cát tường, tượng trưng cho tài lộc, may mắn, mặt khác thể hiện sự kín đáo, không muốn có sự so bì. Tuy nhiên, cuộc sống đổi thay, lì xì đã có nhiều thay đổi. Những đồng tiền lẻ tượng trưng dần dà chuyển thành những đồng tiền mệnh giá ngày càng lớn, trước sự so bì của những đứa trẻ sớm biết được giá trị của đồng tiền. Không ít bậc cha mẹ chăm chú vào tiền lì xì vì mục đích "gom tiền". Có người quản lý tiền lì xì của con bằng được đã phần nào cho thấy họ quá xem trọng giá trị vật chất, vô tình dạy cho con cách nghĩ sai lệch về lì xì. Đó là chưa nói đến muôn kiểu biến tướng của lì xì, từ chuyện kín đáo "trả nợ nghĩa tình" trong làm ăn cho đến việc lì xì con của quan trên bằng những phong bì chứa đầy đồng đô la Mỹ.
... Đến quà Tết
Một tục lệ đáng nói khác là việc biếu quà Tết, thường được tiến hành vào sát Tết Nguyên đán.
Tặng quà Tết không chỉ đơn thuần là quan hệ tình cảm mà còn biểu hiện phép ứng xử của đạo lý làm người. Ngược dòng thời gian, quà Tết của con cháu biếu tặng các bậc trưởng bối chính là vật phẩm thiêng liêng dâng cúng tổ tiên, thay lòng hiếu kính. Học trò biếu Tết thầy cô giáo. Bệnh nhân biếu Tết thầy thuốc đã cứu chữa mình. Con rể, con dâu biếu Tết cha mẹ vợ, cha mẹ chồng. Bạn bè, đồng nghiệp biếu Tết lẫn nhau do lòng quý mến. Những quà Tết vốn xuất phát từ cái tâm của người biếu, không đặt nặng giá trị vật chất.
Ngày trước, ông ngoại tôi là một thầy thuốc đông y khá nổi tiếng trong vùng. Bệnh nhân có tiền thì trả tiền chữa bệnh cho ông, còn bệnh nhân nghèo thì ông khám chữa bệnh miễn phí. Năm nào cũng vậy, vào lúc năm hết Tết đến, nhiều bệnh nhân được ông chữa khỏi bệnh, dù có trả tiền hay không, cũng đem chút lễ đến biếu để tỏ lòng nhớ ơn ông. Ba tôi là thầy giáo, cuối năm tiếp đón rất nhiều học trò cũ đem quà bánh hay hoa đến mừng. Ba tôi kể lại, ông nội là thầy đồ, quanh năm không có lương bổng vua ban, Tết là dịp học trò nghĩ đến trả ơn thầy. Trong nhà vì thế có đủ những sản vật địa phương, từ vài ký nếp đặc sản cho đến gói mứt tự làm.
Nhớ lại một ngày cận Tết thời bao cấp, lúc tôi đi công tác ở vùng núi Bình Phước. Vào một căn nhà tềnh toàng của hai cô giáo người Kinh miền xuôi lên dạy học, nhìn bọn trẻ đen nhủi hớn hở tay xách nách mang mấy trái bắp, con gà hay nải chuối đến biếu cô giáo "ăn Tết", rồi nhìn gương mặt tràn trề hạnh phúc của hai cô giáo trẻ xa nhà, thấy việc tặng quà Tết thật xúc động và quả là nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt.
Nhưng cuộc sống hiện đại ngày càng nhuốm màu thực dụng. Các bên quan hệ đối tác có thể biếu quà nhau để "lại quả”, cùng nhau đặt chỗ làm ăn, ký kết hợp đồng. Ở một số cơ quan, cấp dưới biếu quà Tết cấp trên để lo lót, nhờ vả, trả ơn hoặc để được cất nhắc, xuê xoa trong công việc. Có những nơi, việc "đi Tết" sếp như một cái lệ, một "quy định ngầm" không thể thiếu. Các loại quà biếu Tết ngày càng xa xỉ, từ các loại đặc sản quý hiếm, đồng hồ đắt tiền, vàng cho đến cả ô tô hay biệt thự. Mấy năm gần đây, vào dịp cuối năm, Chính phủ đã có những văn bản chỉ đạo không tổ chức đi thăm, chúc Tết và cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức. Việc nói "không với quà biếu" sẽ không dễ dàng nhưng không thể không tiến hành triệt để.
Tôi có một cô học trò cũ chăm làm từ thiện. Những ngày này, cô vẫn tích cóp từng đồng tiền đóng góp của bạn bè, đồng nghiệp để chuẩn bị cho một đợt tặng quà Tết cho học sinh một trường tiểu học ở một xã nghèo tiếp giáp biên giới Việt Nam - Campuchia. Cô nói, cứ nhìn gương mặt rạng ngời của học sinh nhỏ khi nhận gói quà và những phong bao lì xì mỏng dính dịp Tết đến là "nghiện" những chuyến đi như vậy.
Thầm nghĩ, trừ phi bị biến tướng thành món hàng để buôn danh, bán lợi, quà Tết luôn ngời lên vẻ đẹp trường tồn nếu biết sẻ chia.