Sáng ngời tấm gương nữ Anh hùng lao động ngành dệt may Trần Thị Đường

Chân dung - Ngày đăng : 09:02, 11/02/2021

Sự ra đi của bà, một trong những cây đại thụ của ngành dệt may Việt Nam, trong những ngày cận Tết Tân Sửu 2021 không chỉ là một mất mát lớn cho ngành dệt may mà còn cho ngành sản xuất công nghiệp nói chung và các hoạt động đào tạo các thế hệ tiếp nối cho ngành.

Dù biết tin bà đã phải liên tục chạy thận trong suốt thời gian qua, thông tin bà đã từ trần vào hồi 17g45 ngày 06/2/2021 (tức ngày 25/12 năm Canh Tý) tại nhà riêng ở TP.HCM do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) công bố đã khiến nhiều người trong ngành bất ngờ.

Bà Đường luôn được nhớ đến bằng hình ảnh “một người phụ nữ thông minh, năng động, luôn đau đáu, trăn trở cho sự phát triển, và luôn muốn cống hiến nhiều hơn để làm đẹp cho đời - gắn với thời kỳ đổi mới và bước vào tiến trình công nghiệp hóa của đất nước”, theo trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM.

“Người phụ nữ giỏi giang ấy đã để lại ấn tượng đậm nét trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới ở TP.HCM, cùng với bà Ba Thi - tư lệnh ngành gạo, bà Đồng và bà Đường ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Sau khi nghỉ hưu, bà Đường còn có nhiều năm gắn bó với hoạt động đào tạo”.

vinatex2-1613042204-1613042231-9556-1613

Hình ảnh tại lễ truy điệu Anh hùng Lao động ngành dệt may Trần Thị Đường hôm 10/2/2021. 

Tấm gương phấn đấu không ngừng nghỉ   

Bà Trần Thị Đường, sinh ngày 1/11/1939 trong một gia đình nông dân tại xã Sơn Phố – huyện Hương Sơn – tỉnh Hà Tĩnh, đã trải qua một hành trình phấn đấu học tập và làm việc cật lực và không ngừng nghỉ trường kì, từ một người công nhân lên một Tổng Giám đốc, rồi Ủy viên Trung ương Đảng 3 khóa V, VI, VII và cuối cùng trở thành một Anh hùng lao động. 

Là học sinh giỏi ở quê hương Hà Tĩnh, năm 16 tuổi, bà được tuyển chọn đi học ở Ba Lan cùng với 1.100 học sinh khác vào năm 1956 theo chủ trương gửi nhiều học sinh giỏi sang học ở 8 nước xã hội chủ nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau thời gian đầu học về thiên văn, bà bén duyên rồi chuyển qua học ngành dệt. 

Vì vậy, sau khi hoàn thành chương trình đại học và về nước năm 1966, bà được phân công về Dệt Kim Đông Xuân Hà Nội làm công nhân, và sau một thời gian phấn đấu, bà đã được đề bạt làm Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân Hà Nội và sau đó trở thành Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam.

vinatex5-1613042244-1619-1613042541.jpg

Chân dung nữ Anh hùng lao động ngành dệt may Trần Thị Đường. 

Trong 37 năm công tác tại ngành Dệt May Việt Nam, nhất là thời gian 14 năm là phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt May Việt Nam (1989-2003), và Bí thư Đảng uỷ – Tổng giám đốc công ty Dệt Phong Phú, bà đã có những đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự phát triển của ngành. Bà đã góp phần đưa công ty Dệt Phong Phú từ doanh nghiệp hạng trung trong ngành trở thành lá cờ đầu về đổi mới mô hình quản lý, sản xuất kinh doanh hiệu quả từ năm 1994, thành lá cờ tiên phong trong hợp tác quốc tế với liên doanh đầu tiên của ngành công nghiệp kể từ năm 1989 và đến nay vẫn là mẫu hình của một liên doanh hiệu quả, nhân văn, hoà nhập với văn hoá Việt Nam, theo thông cáo của Vinatex tại lễ truy điệu bà hôm qua (10/2). 

Từ một nhà máy dệt hoạt động theo cơ chế cũ với doanh số chỉ khoảng 120 triệu đồng hằng năm trước giai đoạn trên, bà đã gầy dựng công ty trở thành doanh nghiệp dệt may hàng đầu cả nước, một thương hiệu mạnh và đứng vững trên thương trường trong và ngoài nước với doanh số lên đến hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm. 

Theo trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM, thành công bà có được ở Dệt Phong Phú chính là nhờ ở phát huy tối đa vai trò nguồn nhân lực bằng chính sách chăm sóc người lao động, tập trung vào việc đào tạo và tái đào tạo các vị trí cán bộ quản lý, chính sách trả lương, thưởng, phạt công bằng và hợp lý dựa trên cơ sở hiệu quả và khuyến khích sáng tạo. Ngoài ra, việc liên doanh với tập đoàn Coats của Anh để sản xuất chỉ may đạt các tiêu chuẩn quốc khắt khe nhất cho xuất khẩu và bán nội địa đã đem lại cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.

“Ngày nay, Dệt Phong Phú có dáng dấp của một doanh nghiệp đẳng cấp quốc tế, có dây chuyền kéo sợi tự động hiện đại nhất Đông Nam Á, có dây chuyền khép kín: sợi - dệt - nhuộm - may, cung cấp nhiều sản phẩm cho nhiều nhãn hiệu thời trang và có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, và đều đạt doanh số khá cao”, trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM cho biết. 

Tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tổng công ty cổ phần Phong Phú hồi tháng 10/2014, bà cho biết: “ở Việt Nam những người phụ nữ giỏi rất nhiều, nhưng chỉ có những ai có điều kiện phát triển thì phát huy hết khả năng và sức cống hiến của mình. Tôi có điều kiện được Đảng và Nhà nước đào tạo bài bản, có hệ thống cả ở trong nước và ngoài nước về mọi mặt từ khoa học kỹ thuật, kinh tế, chính trị, văn hóa… vì vậy đã tích lũy cho mình những vốn quý kiến thức để lãnh đạo doanh nghiệp”.

“Tôi nhận nhiệm vụ tại Phong Phú khi nhận được sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ công nhân viên trong bối cảnh công ty đang gặp phải những gian khó, thử thách trên con đường đưa công ty phát triển. Một vài kỷ niệm để lại dấu ấn trong tôi như khi Phong Phú đưa ra mục tiêu phát triển, lúc đầu chỉ xuất khẩu chỉ có nửa container một tháng, sau đó cán bộ kỹ thuật cải tiến thiết bị máy móc và nâng sản lượng xuất khẩu lên 5, 10, 20, 50, 70… cứ thế tăng dần”.

“Có lúc, tôi kiên quyết cho đóng cửa nhà máy sợi vì chất lượng chưa đạt như mong muốn, lãnh đạo nhà máy khóc và rất buồn. Sau đó cán bộ kỹ sư nhà máy họp lại, trong 45 ngày sau họ báo cáo lại sẽ hoạt động lại với chất lượng và giá thành rẻ. Từ đó đến nay nhà máy cứ thế phát triển và chất lượng sợi cứ thế được nâng cao”.

Ngoài ra, Bà Đường cũng từng cho trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM biết rằng Dệt Phong Phú thắng lớn trên thương trường nhờ hàng trăm máy vi tính kết nối với mạng Internet và vận dụng các phầm mềm cùng các thành tựu công nghệ thông tin cùng với việc áp dụng cung cách quản lý hiện đại để kịp thời nắm bắt và xử lý thông tin trong sản xuất và điều hành.

Chú trọng công tác đào tạo thế hệ tiếp nối

Trong quá trình công tác, bà chú trọng đặc biệt vào công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Đã có 2 chủ tịch HĐQT, 2 TGĐ tập đoàn Dệt May Việt Nam, nhiều P.TGĐ tập đoàn và gần 10 TGĐ các đơn vị thành viên tập đoàn được chính bà đào tạo, bồi dưỡng từ cái nôi Dệt Phong Phú. 

Bà cũng từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nhân lực, nhân tài Việt Nam, và đã tham gia các hội thảo quốc tế và tổ chức các lớp học - đào tạo theo chương trình gắn với chức danh. Chương trình đào tạo có phối hợp với các ngành, với Bộ Nội vụ, với nhiều hoạt động đào tạo có kết hợp với đi thực tế, nghe các Tổng Giám đốc các doanh nghiệp nói chuyện, có cả những chuyên gia trong nước và ngoài nước được thỉnh giảng, gặp gỡ trao đổi. Các chương trình đào tạo được đánh giá bổ ích, thiết thực và thu hút khá đông người tham gia.

Bà Đường chia sẻ trong buổi lễ kỷ niệm 2014: “Tôi vui mừng vì đã đào tạo được đội ngũ cán bộ kế cận có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có phẩm chất đạo đức vững vàng. Sự phát triển của Phong Phú hôm nay làm tôi vô cùng tự hào, 50 năm một chặng đường nhìn lại và chặng đường mới để Phong Phú luôn không ngừng phát triển về mọi mặt”.

vinatex4-1613042416-4096-1613042541.jpg

Anh hùng Lao động ngành dệt may Trần Thị Đường phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tổng công ty cổ phần Phong Phú hồi tháng 10/2014.

Với các thành tích xuất sắc đó, năm 2003 bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Với tập thể cán bộ dệt may, nhất là cán bộ Dệt Phong Phú, hình ảnh bà luôn là tấm gương liên tục tự học, gương mẫu, chí công vô tư, nhưng chan hoà tình cảm, là người đồng nghiệp, người chị, người cô, người thầy chí tình của nhiều thế hệ cán bộ trong ngành. Bà là người xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp cốt lõi của “Dệt Phong Phú”: tận tuỵ – thuỷ chung – sáng tạo – nhân văn.

Theo trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM, bà Đường cho rằng nhà lãnh đạo bây giờ phải đáp ứng yêu cầu trí tuệ, biết xử lý vấn đề, tình huống chắc và nhanh, phải có tầm nhìn và không bị lợi ích nhóm chi phối. “Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng, người lãnh đạo phải biết ngoại ngữ. Tiếng Ba Lan, tiếng Nga không đủ, bà đã học tiếng Anh cật lực ngoài giờ 2 năm liền để có thể trực tiếp giao tiếp, đọc được các hợp đồng khi đảm nhiệm cương vị cao nhất ở Dệt Phong Phú”.

Bà Đường là tấm gương không ngừng phấn đấu vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển, một Anh hùng lao động trong ngành công nghiệp có nhiều lao động nữ, luôn tự đòi hỏi để khẳng định sự đóng góp có hiệu quả, nhất là về cơ chế quản lý, chủ động đào tạo nguồn nhân lực trong tiến trình đổi mới, trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM cho biết.

“Với bà, niềm vui trong sự nghiệp, hạnh phúc gia đình như hài hòa. Chồng bà là bộ đội chuyển ngành, học Đại học Bách khoa, làm việc ở Ủy ban Kế hoạch và Đầu tư, sau đó về Ban Kinh tế của Thành ủy, rồi về hưu. Hai người con đều học hành đến nơi đến chốn, ai cũng hai bằng thạc sĩ, giỏi ngoại ngữ và đều thành đạt”. 

“Công việc dù bận nhưng bao giờ bà Đường vẫn quan tâm đến thực đơn của gia đình, lo việc ăn thế nào cho hợp lý, tập thế nào cho vừa sức... và rất thích tiếu lâm. bà hay nói vui, mình sống thế này là quá lời rồi, nhưng vẫn luôn cố gắng hoạt động và sống sao cho hài hòa, biết đủ là đủ”.

Tiểu sử Anh Hùng Lao động Trần Thị Đường

Bà Trần Thị Đường sinh năm 1939, tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Từ 1956 – 02/1966: Đi học văn hóa và kỹ thuật ở Ba Lan, được kết nạp vào Đoàn và Đảng Cộng sản Việt Nam tại Ba Lan.

Từ 3/1966: Về nước công tác tại Nhà máy Dệt Kim Đông Xuân Hà Nội.

Từ 1967 – 9/1977: Đảng ủy viên, Phó Phòng Kỹ thuật, Trưởng Phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm, Trưởng Phòng Kỹ thuật Nhà máy Dệt Kim Đông Xuân Hà Nội.

Từ 10/1977 – 5/1979: Học trường Nguyễn Ái Quốc II.

Từ 7/1979 – 8/1980 : Đảng ủy viên, Phó Giám đốc Kỹ thuật.

Từ 9/1980 – 7/1984: Giám đốc Nhà máy, Ủy viên thường vụ Đảng ủy.

Tháng 3/1982: Được bầu Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V.

Từ 9/1983 – 12/1983: Học quản lý kinh tế tại Viện Hàn lâm kinh tế quốc dân Liên Xô.

Từ 8/1984 – 4/1989: Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Dệt.

Từ 1980 – 1986: Ủy viên Ban chấp hành Thành hội Phụ nữ Hà Nội.

Từ 1982 – 1989: Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Ấn.

Tháng 12/1986: Được bầu Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI

Tháng 6/1991: Được bầu Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII.

Từ 5/1989 – 3/2003: Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công ty Dệt Phong Phú.

Từ 4/2003 đến nay: Cố vấn Tổng Công ty CP Phong Phú.

Từ 6/2005-12/2020: Phó Chủ tịch Hội phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam.

Ngọc Thoại