Ngon quá, ST25!
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:00, 13/02/2021
1. Tôi mạnh miệng thế vì đã mấy lần gặp Anh hùng Lao động - KS. Hồ Quang Cua, đặc biệt là lần ông từ Philippines trở về sau cuộc thi World’s Best Rice (Gạo ngon nhất thế giới) do The Rice Trader World (Tổ chức Thương mại gạo Thế giới) tổ chức tại Manila, giữa tháng 11/2019 với giải nhất cho loại gạo ST25 do ông và cộng sự lai tạo, vượt qua gạo Hom Mali (Thái Lan), Jasmine (Campuchia), Paw Son (Myanmar) - là những loại gạo được chấm giải “Gạo ngon nhất thế giới” vào các kỳ thi trước.
Đến với World’s Best Rice lần thứ 11, KS. Hồ Quang Cua và hai cộng sự mang theo ST24 và ST25. Gạo ST24 đã lọt vào tốp gạo ngon nhất thế giới tại World’s Best Rice ở Hà Nội vào tháng 10/2018 và đoạt giải nhất cuộc thi Gạo ngon Việt Nam do Hiệp hội Thực phẩm Việt Nam tổ chức ngày 4/11/2019.
ST24 và ST25 là hai loại gạo “anh em sinh đôi”, chất lượng như nhau, đều lọt vào tốp đầu thế giới, nhưng ban giám khảo chọn ST25 để trao giải nhất vì hạt cơm dẻ hơn.
Để có được gạo ST24, ST25 hạt dài, sáng, trong, không bạc bụng, cơm dẻo, thơm hương dứa, hương cốm, hàm lượng đạm cao, KS. Hồ Quang Cua và hai cộng sự là TS. Trần Tấn Phương, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương lai tạo từ rất nhiều giống lúa và không ngừng cải tiến trong suốt 20 năm.
Năm 1979, tốt nghiệp Khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ, Hồ Quang Cua trở về quê nhà, làm nhân viên ở Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên rồi dần dần lên đến chức Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, nhưng không mấy khi ở văn phòng. Ông cùng nông dân Sóc Trăng lội ruộng chống sâu rầy, ốc bươu vàng và luôn đau đáu làm sao lai tạo được giống lúa ngắn ngày, thích nghi với thổ nhưỡng nhiều địa phương, chống được dịch bệnh, năng suất cao, cho gạo thật ngon.
Gần Tết năm 1996, KS. Hồ Quang Cua tình cờ phát hiện những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài trên một cánh đồng vùng Bãi Xàu, quê hương ông. Với con mắt nhà nghề, ông biết đây là những cá thể đột biến của giống lúa cho gạo rất ngon chỉ có ở Bãi Xàu mà thời Pháp đô hộ đã xuất qua Hồng Kông và vài nước châu Âu. Từ đó, ông và cộng sự lai tạo, nhân giống từ “cây lúa lạ” với hàng loạt giống lúa thơm như KDM mà GS-TS. Võ Tòng Xuân mang về từ Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), bộ sưu tập giống lúa thơm của Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long và giống lúa Khao Dawk Mali 105 chuyển giao cho Sóc Trăng trồng khảo nghiệm cùng nhiều giống bố mẹ thu thập từ Đài Loan, Bangladesh, Thái Lan và một số khu vực trong nước để cho ra đời trên 1.000 cá thể đột biến đầu tiên, trồng thử nghiệm rồi tiếp tục lai tạo, chọn những cá thể vượt trội nhất để có các tổ hợp lúa lai mới, được đặt tên Sóc Trăng (ST), từ ST1 đến ST25 ngày nay.
ST24 và ST25 là giống lúa cao cây (110-115cm), lá xanh lâu nên nuôi hạt tốt, thân cứng, ít bị đổ ngã, chịu phèn, chịu mặn nên trồng được trên nhiều loại đất và dễ luân canh lúa - tôm hay một vụ lúa kết hợp nuôi một vụ tôm.
Điều tâm đắc nhất của KS. Hồ Quang Cua và cũng là bài học kinh nghiệm ông đúc kết được trong quá trình nghiên cứu là đã chọn tạo được giống lúa thơm thích nghi với thổ nhưỡng nhiều địa phương, xây dựng được quy trình canh tác hiệu quả cao, phù hợp với trình độ nông dân.
Ngoài các giống lúa ST1, ST3 đến ST20 đã được nông dân nhiều tỉnh sử dụng trên hàng trăm nghìn hécta mỗi vụ thì vụ Đông - Xuân sớm 2018-2019, nông dân vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long đã trồng hơn 30.000ha hai giống lúa ST24, ST25. Nhưng đơn đặt hàng của một số doanh nghiệp để bán vào dịp Tết và xuất khẩu quá nhiều và nhu cầu của thị trường trong nước quá lớn, diện tích ấy không thấm vào đâu.
KS. Hồ Quang Cua với gạo ST25 do công ty của con trai ông sản xuất |
2. Từ năm 1989-2020, hạt gạo Việt Nam đã có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong ba nước xuất khẩu gạo nhiều nhất (năm 2020 đã vượt qua Thái Lan, Ấn Độ cả về số lượng và giá bán để chiếm ngôi đầu bảng), chiếm 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới với trên 130 triệu tấn, thu về trên 50 tỷ USD. Nhưng gần 30 năm miệt mài xuất khẩu, đến năm 2018, gạo Việt Nam vẫn “mất hút” trên thị trường thế giới. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chính là chỉ chăm chăm về số lượng mà không chú trọng xây dựng thương hiệu cho hạt gạo. Trong các nguyên nhân không xây dựng được thương hiệu gạo, có một nguyên nhân rất quan trọng là Việt Nam chưa có được gạo vào loại ngon nhất thế giới. Bắt đầu từ năm 2018 thì ST24, ST25 đã “hóa giải” được điều đó.
Năm 2018, ngay sau khi gạo ST24 được The Rice Trader World công nhận là một trong bốn loại gạo ngon nhất thế giới và năm 2019, ST25 quán quân thế giới thì đã được đưa vào danh mục xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.
Dù vậy, ai cũng biết, từ giải nhất một cuộc thi đến đưa sản phẩm ra thị trường thế giới bằng một thương hiệu nào đó là một chặng đường dài, nhưng với gạo ST24, ST25 lại tương đối thuận lợi nếu có chiến lược phát triển bài bản, khác hẳn những gì đã làm trong gần 30 năm qua.
Thuận lợi thứ nhất là ST24 và ST25 thích nghi với mọi loại đồng đất, nếu thời tiết thuận lợi, năng suất có thể đạt 10 tấn/ha, cho lợi nhuận trên 30 triệu đồng/ha/vụ, chu kỳ sản xuất 95-105 ngày nên mỗi năm sản xuất được hai vụ, trong khi mấy giống lúa cho gạo ngon nhất của Thái Lan, Campuchia, Myanmar có chu kỳ canh tác đến 5 tháng. Nếu sản xuất một vụ lúa kết hợp nuôi tôm sinh thái thì có thể thu lợi nhuận 100 triệu đồng/ha. Điều này đồng nghĩa với cơ cấu mùa vụ đa dạng hơn, sản lượng lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ quanh năm của thị trường trong và ngoài nước. Thuận lợi thứ hai là thế giới đang đi theo xu hướng tiêu dùng nông sản an toàn, thân thiện với môi trường, đồng nghĩa với việc phải sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học và hạt gạo không đơn thuần là lương thực. ST24, ST25 đáp ứng được yêu cầu ấy vì không nhiễm bệnh sọc trong, đạo ôn lá, khoang cổ bông và một số bệnh khác nên sẽ cho “gạo sạch”. ST24, ST25 nhiều đạm, thích hợp với người bị bệnh tiểu đường, nên được xem như một loại dược phẩm.
Gạo thơm ST24, ST25 đã “đóng dấu” được tên tuổi đối với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gạo trên thế giới, nhất là tại Mỹ và Liên minh châu Âu, dù rằng cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới năm 2020”, ST25 đứng thứ nhì.
Tin rằng không lâu nữa, thương hiệu gạo ST24, ST25 và như KS. Hồ Quang Cua cho biết, sẽ có ST26, ST27... được nhiều nước tìm mua, như hiện nay người Việt Nam không dễ tìm mua được hai loại gạo này vì sản xuất bao nhiêu cũng thiếu.
Riêng tôi, như đầu bài viết đã “mạnh miệng” tuyên bố sẽ lo “món gạo” để gia đình ăn Tết vì KS. Hồ Quang Cua đã chỉ cho một trong ba nơi độc nhất ở TP.HCM có bán ST25 do chính công ty của con trai ông làm ra...