Tản mạn cùng sách

Sách hay - Ngày đăng : 06:00, 14/02/2021

Mỗi doanh nhân Việt là một cuốn sách sống. Và cần thêm nhiều những cuốn sách do doanh nhân Việt viết để thế hệ trẻ, doanh nhân tương lai có thể học hỏi, đúc rút những điều hay ý đẹp, trong cuộc sống, trong công việc kinh doanh.
Tản mạn cùng sách

1. Mười một năm trước, lần đầu tiên Lễ hội Đường Sách Tết ra đời. Bên cạnh Đường hoa, Đường sách trở thành chốn du Xuân không thể thiếu của nhiều người dân TP.HCM và du khách. Đầu Xuân lì xì sách, với ước mong khai thông nhãn tuệ, mở mang tầm nhìn, còn gì tao nhã và truyền cảm hứng hơn! 

Trong nhiều năm, người ta bàn về văn hóa đọc xuống cấp và đi tìm những giải pháp căn cơ để thu hút người Việt đọc sách. Còn nhớ giữa thập niên 2010, truyện ngôn tình bán khá chạy, lấn át các dòng sách khác, hẳn nhiên là điều đáng bàn, đáng quan tâm, bởi các hình thức giải trí khác như phim ảnh, như gameshow, như trình diễn nghệ thuật hấp dẫn hơn nhiều. Ngay cả trong cùng ngành giải trí mà kịch nói, cải lương cũng còn chịu phần lép vế thì việc những trang sách chịu số phận hẩm hiu cũng là tình trạng chung. Nhưng suy cho cùng, đọc sách ngôn tình cũng chỉ phản ánh một phần xu hướng đọc. Nó không là mẫu số chung, bởi người đọc dòng sách này đâu chỉ có những người trẻ tuổi. Cũng đừng nên định kiến đọc sách ngôn tình hay đọc truyện tranh chỉ lãng phí thời gian. Đơn giản, đó là một thú vui, một trò giải trí “mua vui cũng được một vài trống canh” giữa cuộc sống đầy áp lực và bận rộn. Tôi biết có không ít doanh nhân thích đọc truyện tranh hoặc sách kiếm hiệp, bởi họ tìm được phần nào đó triết lý sống hoặc cũng có thể qua đó nảy ra ý tưởng kinh doanh mới. Và cũng đâu có gì đảm bảo rằng, người đọc sách ngôn tình hay đọc truyện tranh, học kiếm hiệp sẽ khước từ đọc những dòng sách khác? Cốt lõi của việc đọc đến từ nhu cầu của con người tại thời điểm ấy. Tất nhiên, việc đọc rộng, đọc nhiều, ngoài bổ sung kiến thức chuyên môn hay nhu cầu giải trí, luôn được khuyến khích, bởi nó không chỉ mang lại cho bạn kiến thức mà còn mở rộng thế giới quan, nhân sinh quan. Như Macxim Gorki từng viết: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

2. Trở lại chuyện của các đơn vị làm sách. Nhiều năm nay, không còn gói gọn trong các đầu sách văn chương, sách ở lĩnh vực văn hóa, chuyên ngành hoặc sách kinh tế, các đơn vị làm sách chủ động khai phá những đầu sách mới ở lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, nghiên cứu, tự truyện, phong cách sống, sức khỏe, ẩm thực, sách ngoại văn... điển hình là sự trở lại của các đầu sách về Sài Gòn, Hà Nội do nhiều đơn vị thực hiện, điển hình nhất là Phương Nam Books với các đầu sách của nhà báo Phạm Công Luận, tủ sách Pháp ngữ, tủ sách nghệ thuật của Omega+... Mỗi đơn vị làm sách sở hữu thế mạnh riêng. Những đầu sách cũ cũng được làm mới, thổi vào hơi thở hiện đại như Số đỏ, Tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp... do Đông A thực hiện.

Phong vị Xuân xưa cũng được tiếp nối với các đầu sách đặc trưng như sách Tết do Đông A, Phương Nam Books khởi xướng.

Về hình thức, sách được in trau chuốt, dùng mực vi sinh (thân thiện với môi trường), hình ảnh chăm chút, kỹ thuật đóng gáy, giấy in không kém gì các bản sách nước ngoài. Đó là một bước tiến lớn của ngành xuất bản. Hình thức sách được nâng lên tầm thưởng lãm, đưa thú chơi sách phiên bản đặc biệt trở lại sau nhiều năm vắng bóng, khiến thị trường này trở nên nhộn nhịp, thú vị. Sách điện tử, sách nói có bản quyền được đầu tư, bắt đầu tiếp cận với người dùng trên những nền tảng khác nhau.

Bên cạnh các đơn vị làm sách truyền thống, sự xuất hiện của các đơn vị làm sách độc lập như Phục Hưng, Sky Books, An Books, Stylory... với các đầu sách thiên về phong cách sống, thời trang, làm đẹp, bày tỏ tâm tư của người trẻ giúp thị trường sách thêm đa dạng. “Làm ít nhưng chất”, phương châm của các đơn vị này không chỉ mang đến góc nhìn mới cho thị trường xuất bản mà còn tạo cơ hội cho những tác giả trẻ.

3. Riêng lĩnh vực sách kinh tế, trong ba năm trở lại đây, thị trường xuất bản Việt Nam có sự chuyển biến rõ nét. Nếu như trước đây, những đầu sách về kinh tế, quản trị, doanh nhân luôn là sách dịch thì hiện tại, lĩnh vực này đã có những cây bút Việt viết về những đề tài sát sườn với doanh nghiệp Việt hoặc chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế từ các tác giả là chủ doanh nghiệp, làm công việc quản trị, được nhiều độc giả đón nhận. Có thể kể đến một vài cuốn tiêu biểu như Một đời thương thuyết - Phan Văn Trường, Trải nghiệm khách hàng xuất sắc - Nguyễn Dương, Người thả diều - Lê Thị Thanh Lâm, Phép màu để trở thành chính mình - Nhan Húc Quân, Cooking with Madam Tuyết Mai - Phan Thị Tuyết Mai, Thập kỷ vàng - Trang sử mới của doanh nhân Lê Viết Hải... Điều này cho thấy, mỗi doanh nhân Việt là một cuốn sách sống. Và cần thêm nhiều cuốn sách do doanh nhân Việt viết để thế hệ trẻ, doanh nhân tương lai có thể học hỏi, đúc rút những điều hay ý đẹp trong cuộc sống, trong công việc kinh doanh.

Không dừng lại ở đó, nhiều công ty, tổ chức kinh tế chọn việc xuất bản sách làm công tác truyền thông nội bộ thay thế cho kỷ yếu cũng được đánh giá cao khi chia sẻ kinh nghiệm quản trị công việc và nhân sự hiệu quả. Bởi một điều đơn giản, sách của doanh nhân nước ngoài có thể cung cấp nhiều kiến thức bổ ích nhưng khó vận dụng hơn vì phụ thuộc nhiều vào văn hóa quốc gia, thể chế chính trị... Tầm quan trọng của việc doanh nhân đọc sách hiển thị rất rõ. Nó không chỉ bổ sung tri thức mà còn giúp doanh nhân, doanh nghiệp vận dụng hiệu quả trong quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh.

PHNG3136-5097-1612324837.jpg

Tuần lễ Doanh nhân và Sách 2020 và nối tiếp là Hội đồng Phát triển sách doanh nhân (với hai câu lạc bộ Khuyến đọc, Khuyến viết) do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức căn cứ trên nhu cầu thực tế ấy. Kỳ vọng của ban tổ chức không dừng ở việc phản ánh xu hướng đọc được doanh nhân quan tâm, mà còn là lan tỏa tinh thần khuyến đọc, khuyết viết trong cộng đồng doanh nhân, hỗ trợ tốt nhất trong khả năng để tinh thần ấy ngày một lan tỏa.

Nhiều năm trước, khi cầm trên tay quyển sách quản trị được chuyển ngữ qua tiếng Việt, tôi từng tự hỏi, bao giờ có thể đọc một quyển sách do chính doanh nhân người Việt chia sẻ? Câu hỏi ấy giờ đã được trả lời. Mỗi cuối năm, tôi cũng thường thấy các báo hay tạp chí giới thiệu những cuốn sách được những tỷ phú trên thế giới quan tâm. Có lẽ, không cần chờ đợi thêm nữa bởi trong năm 2021 này, Doanh Nhân Sài Gòn sẽ giới thiệu đến độc giả không chỉ những tựa sách doanh nhân viết mà còn là các tựa sách được doanh nhân chọn đọc, dù là phục vụ kinh tế hay thư giãn, dù là cho công việc hay hướng đến gia đình, chăm sóc con cái.

Qua sách, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn chỉ có một mong muốn duy nhất: xây dựng hình ảnh doanh nhân Việt tri thức trong tổng thể trí - tâm - tài - tín. Đạo kinh doanh và tích lũy tri thức của người xưa chưa bao giờ là cũ. 

Hoàng Linh Lan