TP.HCM NĂM 2021: Thực hiện chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 14/02/2021

Năm 2021 là năm đặc biệt của TP.HCM, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực. Đây cũng là năm Thành phố xác định chủ đề "Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư", đề ra 20 chỉ tiêu phát triển, tiếp tục phòng, chống tốt dịch Covid-19 và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 6% trở lên.

Hỗ trợ đầu tư, kinh doanh 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, dù bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, kinh tế TP.HCM năm 2020 vẫn tăng trưởng dương, thu ngân sách đạt hơn 91%. TP.HCM cũng đã hoàn thành 16 chỉ tiêu đề ra, trong đó có vượt hai chỉ tiêu. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ.

Nhìn lại chặng đường phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2020 của Thành phố trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 bao trùm lên toàn bộ các lĩnh vực, có thể khẳng định TP.HCM đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế. TP.HCM đã kiểm soát được các đợt dịch bệnh, khống chế kịp thời từ 3-15 ngày, đã điều trị khỏi cho 143 ca bệnh, đang điều trị 8 ca bệnh và không có người tử vong. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đánh giá đây là một thành quả vô cùng quan trọng, thể hiện khả năng ứng phó nhanh, kịp thời của chính quyền, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố.

Về kinh tế, Thành phố tăng trưởng 1,39% so với năm 2019, không để GRDP tăng trưởng âm. Cả ba khu vực dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp đều tăng trưởng dương, xuất khẩu đạt hơn 43 tỷ USD, thu hút đầu tư từ nước ngoài đạt hơn 4,3 tỷ USD, kiều hối đạt hơn 5,5 tỷ USD, có hơn 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Thành phố có hơn 8.300 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21% so với năm 2019. Thu ngân sách hơn 371.000 tỷ đồng, đạt gần 92% dự toán.

TP.HCM xác định chủ đề năm 2021 là "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư". Thành phố quyết tâm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung triển khai bảo đảm tiến độ 49 nội dung, chương trình đề án của ba chương trình đột phá, một chương trình trọng điểm.

Trong xây dựng chính quyền đô thị, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu tập trung thực hiện Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức đảm bảo tiến độ.

Dự kiến, trong quý I/2021, TP.HCM hoàn thành việc triển khai thực hiện các nội dung phân cấp cho thành phố Thủ Đức. TP.HCM đang nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Thủ Đức trình các cơ quan trung ương.

metro-5250-1612233032.jpg

Về cải thiện môi trường đầu tư, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các sở, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

TP.HCM tăng cường rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh và đầu tư, trên tất cả bình diện (cơ chế, thủ tục hành chính, chính sách thuế...) góp phần hỗ trợ thiết thực cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, TP.HCM khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ, các loại hình thương mại văn minh, hiện đại.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, trong tình hình mới, loại hình thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 cần được khuyến khích, phát huy và đạt hiệu quả tốt nhất có thể. TP.HCM cũng tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghệ cao và kinh tế số. 

Phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo

Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực có mục tiêu là phát huy truyền thống năng động, sáng tạo của nhân dân Thành phố. TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng thành phố thông minh làm nền tảng phát triển kinh tế hiện đại; tiếp tục là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước, dần dần trở thành một trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó là tập trung phát triển Thành phố trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế. Thành phố nghiên cứu và triển khai các chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn, phát triển du lịch thông minh, phát huy tiềm năng du lịch nội địa, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương trên cả nước.

Thành phố sẽ đồng hành và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hợp tác các ngân hàng - tổ chức tài chính - Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chú trọng phát triển sản phẩm và thương hiệu sản phẩm, nâng cao tỷ lệ cung ứng sản phẩm đặc trưng của Thành phố trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, tập trung vào các ngành công nghiệp thế mạnh, trọng yếu và có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, như công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, chế biến thực phẩm, công nghiệp dược, nhựa, cao su; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, hình thành trung tâm sản xuất và cung ứng giống cây, giống con chất lượng cao cho khu vực và cả nước.

khoa-hoc-3396-1612233032.jpg

Các nội dung chương trình cụ thể giai đoạn 2020-2030 bao gồm: Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin - truyền thông giai đoạn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm cơ khí - tự động hóa, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến thực phẩm, đề án phát triển công nghiệp dược, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp sản phẩm nhựa, cao su, phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao, triển khai thực hiện đề án du lịch thông minh, chương trình liên kết phát triển du lịch cùng với 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, diễn đàn kinh tế TP.HCM và các triển lãm công nghiệp, dịch vụ 4.0.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2020-2025, Thành phố còn có chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn, chương trình kết nối ngân hàng - tổ chức tài chính - Nhà nước để hỗ trợ vốn doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD. Đến năm 2030, TP.HCM sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là một trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045 là trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Tràng Dương