Kinh tế Việt Nam 2021: Nỗ lực tận dụng lợi thế từ các FTA

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 05:00, 14/02/2021

Có thể nói các hiệp định thương mại tự do (FTA) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng, cải cách cấu trúc nền kinh tế và nâng cao môi trường kinh doanh, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo ra hàng loạt việc làm, cũng như giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Dù vậy, việc tận dụng triệt để những lợi ích mà các FTA mang lại vẫn chưa được như kỳ vọng và mục tiêu đặt ra.
Kinh-te-Viet-Nam-2021-3-2973-1612238259.

Nhìn lại các FTA

Trong những ngày cuối năm 2020, Việt Nam lại đón nhận thêm tin vui, khi chính thức ký kết FTA với Vương quốc Anh với tên gọi UKVFTA. Đây là FTA thứ hai mà Việt Nam ký kết trong năm, khi một tháng rưỡi trước đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có quy mô lớn nhất hiện nay, gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020.

FTA giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Trước đó nữa là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 quốc gia là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam cũng đã có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019, sau đó là FTA giữa các nước ASEAN và Hồng Kông (AHKFTA) cũng có hiệu lực từ ngày 11/6/2019.

Như vậy, chỉ trong vòng hai năm, Việt Nam đã tham gia thêm 5 FTA, trong đó RCEP và CPTPP là nổi bật nhất. Còn nếu tính từ năm 1993, thời điểm Việt Nam tham gia FTA đầu tiên có tên gọi Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), đến nay Việt Nam đã ký 15 FTA. Hiện tại, Việt Nam còn 2 FTA đang tiếp tục đàm phán là FTA với Hiệp hội Thương mại tự do (EFTA) gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein và FTA với Israel.

Có thể nói các FTA đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải cách cấu trúc nền kinh tế và nâng cao môi trường kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh, gia tăng kim ngạch thương mại, thu hút dòng vốn FDI, tạo ra hàng loạt việc làm, cũng như giúp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của Việt Nam tính đến năm 2020 đã đạt gần 544 tỷ USD, gấp gần 79 lần so với thời điểm năm 1993 và cũng gấp 3,5 lần so với 10 năm trước đây. Đáng lưu ý là sau giai đoạn thâm hụt thương mại triền miên thì từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại 5 năm liên tiếp, với con số kỷ lục xuất siêu trong năm 2020 lên hơn 19 tỷ USD. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại có ký FTA đều duy trì trên hai con số kể từ năm 2004 đến nay.

Các FTA cũng góp phần giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI trong nhiều thập kỷ qua, khi các tập đoàn đa quốc gia đều không muốn bỏ lỡ các ưu đãi về thuế quan mà Việt Nam được hưởng khi ký kết các FTA. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là ở các nhóm ngành có thế mạnh về xuất khẩu như dệt may, thủy sản, nông nghiệp... cũng có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ và ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Nỗ lực tận dụng các FTA

Dù vậy, việc tận dụng triệt để những lợi ích mà các FTA mang lại vẫn còn không ít hạn chế và chưa được như kỳ vọng và mục tiêu đặt ra. Thứ nhất là tuy các FTA đã giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng chỉ mới nằm ở chuỗi giá trị thấp, chủ yếu vẫn là cung ứng nguyên liệu thô và hàng gia công, mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi, phức tạp còn nhiều hạn chế so với một số quốc gia khác trong ASEAN như Malaysia, Thái Lan và Philippines.

Trong khi doanh nghiệp FDI đã tận dụng khá tốt các lợi ích mà FTA mang lại, với tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này ngày càng cao, thì doanh nghiệp Việt Nam không những chưa tận dụng hết những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà thậm chí còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt, hệ quả là không ít doanh nghiệp đã thất bại ngay trên sân nhà.

Chính vì vậy, việc sớm có giải pháp tiến dần lên chuỗi giá trị cao hơn phải là mục tiêu trọng tâm cho giai đoạn kế tiếp. Để làm được điều này, Việt Nam không chỉ phải tăng năng lực cạnh tranh, cải tiến các sản phẩm dịch vụ, nâng cao trình độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua xúc tiến thương mại và đầu tư, mà trong quá trình thu hút vốn FDI cũng cần chọn lọc khắt khe hơn.

Với lợi thế là một thị trường tiêu thụ rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào và tham gia nhiều FTA, thay vì chấp nhận bất kỳ dự án đầu tư nào thì Việt Nam nên ưu tiên những tập đoàn có công nghệ sản xuất phát triển và sản phẩm hiện đại, dành những ưu đãi cho các dự án này đi kèm điều kiện phải đặt và duy trì các khâu có giá trị gia tăng cao nằm tại Việt Nam. Việt Nam cũng cần ưu tiên cho các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, sớm phát triển hoàn thiện các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

Trước mắt, Việt Nam cần phải giải quyết hai điểm nghẽn quan trọng là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc Chính phủ gần đây thúc đẩy triển khai hàng loạt dự án đầu tư công quan trọng được kỳ vọng sẽ dần xử lý các nút "thắt cổ chai" về hạ tầng. Tuy nhiên, với những áp lực về ngân sách thì việc xã hội hóa và thu hút đầu tư tư nhân lẫn vốn quốc tế vào các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là chính sách phù hợp và cần thiết.

Kinh-te-Viet-Nam-2021-5-6894-1612238259.

Trong khi đó, mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cực kỳ quan trọng để giữ chân dòng vốn và thu hút thêm vốn mới. Theo đó, bên cạnh việc cải tiến các điều kiện và hệ thống giáo dục, tập trung hơn vào dạy nghề và các kỹ năng cần thiết cho nhu cầu công việc, Chính phủ cũng cần có chính sách chỉnh sửa các điều kiện nhập cư, nhập tịch theo hướng thông thoáng hơn cho nguồn nhân lực nước ngoài chất lượng cao, nhất là khi đại dịch vừa qua đã nâng cao hình ảnh và thương hiệu Việt Nam như là một điểm đến an toàn.

Thứ hai là dù đã có nhiều FTA, nhưng Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống và chịu thâm hụt nặng nề với các thị trường này, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN. Không những vậy, Việt Nam còn tập trung quá mức vào một số sản phẩm, doanh nghiệp, như nhóm dệt may, điện tử, hóa chất và kim loại chiếm 2/3 kim ngạch thương mại, 4 tập đoàn hàng đầu gồm Samsung, Foxconn, Intel và Panasonic chiếm 70% kim ngạch thương mại của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc thu hút các dự án đầu tư thiếu chọn lọc và những điều kiện đi kèm dẫn đến Việt Nam đã trở thành nơi trung chuyển hàng hóa hoặc chủ yếu gia công cho các tập đoàn đa quốc gia, trong khi ngành công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển tương xứng khiến lợi nhuận gần như chuyển hết về mẫu quốc của các tập đoàn này, do đó việc thâm hụt thương mại với những quốc gia vừa có FTA với Việt Nam vừa có nguồn vốn đầu tư lớn rót vào Việt Nam là khó tránh khỏi.

Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ cần tiếp tục ngăn chặn chuyển giá của doanh nghiệp nước ngoài, kiểm tra chặt xuất xứ hàng hóa, chống gian lận thương mại, nhất là khi Việt Nam mới đây đã bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ, mà trong đó không loại trừ khả năng là do những ảnh hưởng từ việc doanh nghiệp Trung Quốc đã chọn Việt Nam làm nơi trung gian xuất hàng vào Mỹ để tránh thương chiến trong hai năm qua.

Thứ ba là trong khi các doanh nghiệp FDI đã tận dụng khá tốt các lợi ích mà FTA mang lại, với tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này ngày càng tăng cao, thì doanh nghiệp Việt Nam không những chưa tận dụng hết những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà thậm chí còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt, hệ quả là không ít doanh nghiệp đã thất bại ngay trên sân nhà.

Thực tế cho thấy phần lớn các FTA chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm các dòng thuế, tuy nhiên không ít đối tác sau đó vẫn có xu hướng bảo hộ thông qua việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật mới, những yêu cầu khắt khe về lao động, bảo vệ môi trường, yêu cầu xuất xứ hàng hóa, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA.

Kinh-te-Viet-Nam-2021-2-9161-1612238259.

Hệ quả là trong khi hàng rào thuế quan giảm xuống thì ngược lại, hàng rào phi thuế quan gia tăng, khiến doanh nghiệp Việt Nam nếu không cải thiện các mô hình kinh doanh, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ, tái sắp xếp chuỗi cung ứng đầu vào thì vẫn không đủ điều kiện để thâm nhập vào các thị trường mới. Chính vì vậy, việc tuân thủ luật chơi theo tiêu chuẩn cao để tận dụng được cơ hội và hạn chế tranh chấp thương mại là rất quan trọng.

Một thực tế nữa là doanh nghiệp trong nước chưa thật sự tập trung tìm hiểu và nắm rõ nội dung các FTA, trong khi cam kết kèm theo hệ thống các phụ lục của FTA rất phức tạp. Ở góc độ quản lý, việc phối hợp thông tin giữa các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp chưa hiệu quả, nguồn lực để triển khai các lợi thế từ các FTA còn hạn chế. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, cần có một bộ phận trung tâm làm đầu mối triển khai, kết nối với bên ngoài và cả bên trong để tận dụng tốt các FTA.

Cuối cùng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp xuất khẩu cần phải phù hợp và tuân thủ các quy định của FTA. Trong giai đoạn 2016-2020, lãi suất cho vay bình quân đã giảm đến 3,7% so với 5 năm trước đó, giúp Việt Nam có mặt bằng lãi suất cho vay cạnh tranh hơn trong khu vực. Tỷ giá được giữ ổn định, tín dụng ngoại tệ được mở lại cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho nhóm này. Như một số ý kiến gần đây cho rằng, chính sách thu hút "đại bàng quốc tế đến làm tổ" tại Việt Nam là quan trọng, nhưng đồng thời vẫn phải giữ được sự phát triển cho "đại bàng" lẫn "chim sẻ" trong nước.

Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu tư công đang làm nhiệm vụ kéo nền kinh tế tăng trưởng khi niềm tin đầu tư bị suy yếu khiến dòng vốn nước ngoài bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thời gian tới, dòng vốn FDI có thể thay thế vai trò này trở lại và xuất khẩu sẽ tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong "cỗ xe tam mã" tăng trưởng kinh tế. Đáng lưu ý là cả hai yếu tố này đều sẽ chịu những ảnh hưởng đáng kể từ các FTA.

Đơn cử, theo ước tính, EVFTA và CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm lần lượt 4,3% và 1,3% vào năm 2030, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đến năm 2030 dự kiến tăng thêm khoảng 44,4% và xuất khẩu sang các nước trong CPTPP đến năm 2035 tăng 14,3%. Chính vì vậy, việc nỗ lực tận dụng triệt để những lợi thế mà các FTA mang lại nên xem là một trong những mục tiêu quan trọng nhất cho giai đoạn phát triển kế tiếp của Việt Nam.

Hồ Lê