Sức bật từ những "sếu đầu đàn"

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:00, 16/02/2021

Năm 2020, khi cả thế giới lao đao và kinh tế xuống dốc do ảnh hưởng của Covid-19, Việt Nam vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo kinh tế tăng trưởng dương. Cũng chính một năm đầy khó khăn và thử lửa đó, các "sếu đầu đàn" đã chứng tỏ được bản lĩnh chống chịu, vai trò của mình trong sự phát triển của nền kinh tế, không chỉ ổn định mà còn tăng trưởng dương, tạo sức bật cho nền kinh tế và đóng góp cho cộng đồng.
Landmark-3-4688-1612430981.jpg

Đó cũng là lý do mà trong năm qua, cụm từ "sếu đầu đàn", "đại bàng" (dành cho những doanh nghiệp lớn đứng top đầu trong các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh) đã được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập ở hầu hết diễn đàn, hội thảo như một sự khẳng định về vai trò không thể thiếu, cũng như đã đến lúc phải ưu tiên, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để những "sếu đầu đàn này có thể dẫn dắt nền kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tăng tốc phát triển. Theo đánh gía của các chuyên gia kinh tế, mặc dù các doanh nghiệp lớn "sếu đầu đàn" của Việt Nam chưa nhiều nhưng với sự hỗ trợ và tư duy đổi mới mới của Đảng và Chính phủ, Việt Nam sẽ có nhiều "sếu đầu đàn" trong tương lai, góp phần tạo nên sức bật mới cho nền kinh tế.

"Sếu" Vingroup và ước mơ để Việt Nam ngẩng cao đầu

Mang ước mơ "để Việt Nam ngẩng cao đầu với thế giới", Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng đã không "chùn tay" khi đầu tư vào các dự án lớn ở hầu hết lĩnh vực và đã từng bước tạo dựng được tên tuổi, trở thành một trong những "sếu đầu đàn" tự hào của Việt Nam. 

Trên chặng đường đó, không phải chỉ có hoa hồng, như vị chủ tịch này từng chia sẻ: "Trong kinh doanh, khó khăn bao giờ cũng có và rất nhiều nỗi sợ hãi vô hình và thường xuyên. Trong khi thành công thì không dễ dàng và nhiều rủi ro. Có thời điểm phải đi vay đến 70 nghìn tỷ đồng, chỉ tính trả lãi 20% thôi thì mỗi năm cũng phải mất 14 nghìn tỷ đồng mà thành công thì vô định. Song nếu không dám chấp nhận cuộc chơi như vậy thì không bao giờ có  được một Vingroup như hôm nay".

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, hướng đi của Vingroup  luôn có mục tiêu rất rõ ràng. Tuy nhiên, như Chủ tịch Vượng đã nói, thành công cho mỗi dự án là con đường rất khó khăn và khó đoán định. Vậy nên, trong suốt hành trình trở thành "sếu đầu đàn", không  ít lần mục tiêu phải thay đổi, như khi đặt  ra tham vọng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, quyết trở thành "người dẫn đầu" nắm quyền chi phối thị trường bán lẻ, Vingoup đã chấp nhận bỏ ra một khoản đầu tư ban đầu rất lớn để mở rộng hệ thống và đã có trong tay mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart+ tại 50 tỉnh, thành. Quy mô tăng nhanh cũng góp phần nâng hiệu suất từ hoạt động kinh doanh. Tăng trưởng lợi nhuận gộp bình quân năm trong ba năm gần nhất đạt hơn 67%, trong đó tỷ lệ biên lợi nhuận gộp năm 2018 đạt 11%.

Vinfast-9831-1612430981.jpg

Tuy nhiên, với quy mô mở rộng và thị trường bán lẻ vẫn đang trong giai đoạn cạnh tranh cao, nếu vẫn tiếp tục đầu tư, mỗi năm Vingroup sẽ phải chấp nhận khoản lỗ nhiều nghìn tỷ để giữ vị thế chủ động trên sân chơi này. Hơn nữa, nhìn thấy xu hướng và cơ hội lớn từ hai  lĩnh vực công nghệ và công nghiệp , Vingroup đã nhanh chóng quyết định nhượng lại mảng bán lẻ VinMart & VinMart+ và VinEco cho Masan, tập trung toàn bộ nguồn lực cho hai thương hiệu mới là VinFast và VinSmart.

Cũng đầu năm 2020, Vingroup lại đưa ra quyết định "chấn động" khi công bố rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, dừng dự án Vinpearl Air. Lý do cũng được lý giải là để tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Vingroup. 

Thời điểm ra quyết định này, không ít hoài nghi về nguồn tài chính không còn khả năng "chống chịu" của tập đoàn này. Song cũng có nhiều lý lẽ cho đây là một quyết định sáng suốt và chờ đợi một kết quả đúng. Không chờ đợi lâu, Vingroup đã chứng tỏ được bản lĩnh của một con "sếu lớn" khi liên tục  ghi dấu ấn về doanh thu và phát triển bền vững trong nhữngg năm sau đó, thể hiện khả năng dẫn dắt và đem lại "lợi ích chuỗi" cho nhiều doanh nghiệp khác trong các lĩnh vực tập đoàn. Chỉ tính riêng quý III/2020, dù Covid-19 khiến kinh tế khó khăn nhưng VinSmart đã ra mắt 14 mẫu điện thoại, bán ra hơn 1,2 triệu chiếc. Theo báo cáo thị trường quý III/2020 của GFK, điện thoại VinSmart đã đạt 16.7% thị phần, gia nhập nhóm ba thương hiệu có thị phần trên 15% (cùng Samsung và Oppo). 

Riêng mảng ô tô, trong tháng 9/2020 VinFast đã bán ra hơn 3.626 xe và đang chạm dần đến mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á vào năm 2025 và hiện thực hóa giấc mơ "xe thương hiệu Việt". 

Cũng trong quý III/2020, doanh thu mảng bất động sản của Vingroup đạt gần 26.000 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có đóng góp lớn của dự án Vinhomes, cho thuê bất động sản của Vincom Retail và khách sạn, giải trí của Vinpearl. 

Cũng trong 5 năm trở lại đây, khi dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam với mức tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, khi Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, các nhà đầu tư có kế hoạch mở rộng, đặt chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất tại những thị trường khác, trong đó có Việt Nam, ngay lập tức Vingroup đã đặt mục tiêu cho năm 2020 là tấn công vào thị trường bất động sản khu công nghiệp. Tại đại hội cổ đông thường niên 2020 của Vingroup, Chủ tịch Vượng tuyên bố Vingroup xác định bất động sản công nghiệp sẽ là mảng kinh doanh chính và quan trọng trong tương lai bởi lĩnh vực này mang lại dòng tiền thường xuyên và tổng mức đầu tư dự kiến cho lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp được Chủ tịch hoạch định khoảng 10.000 tỷ đồng.

Có thể nói, chiến lược kinh doanh linh hoạt, biết quăng, bắt đúng thời điểm, có tầm nhìn xa, thậm chí đôi lúc phải chấp nhận "được một, mất một" của Chủ tịch Vingroup chính là "cách" để Vingroup lớn lên, không chỉ thể hiện bản lĩnh kinh doanh nhạy bén của một doanh nghiệp top đầu mà còn xây dựng được một thương hiệu Việt đầy tự hào, uy tín, đủ tầm và lực. Những thương hiệu như Landmark 81, Vinpearl, Vinhomes, ô tô VinFast và điện thoại VinSmart... đã trở thành thương hiệu Việt Nam khiến cả thế giới và nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải nể phục và xem là đối trọng. 

Song đáng nói hơn là những con số tăng trưởng của Vingroup đã góp phần đưa  kinh tế  của Việt Nam đạt con số tăng trưởng lạc quan trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2020 nhiều khó khăn. Cụ thể, trong quý III/2020, lợi nhuận trước thuế của Vingroup đạt 3.609 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 1.436 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Trong năm tài chính 2020 vừa qua, theo báo cáo tài chính ngày 30/9/2020, tổng tài sản Vingroup đạt 430.011 tỷ đồng, tăng 6,5%, vốn chủ sở hữu đạt 124.552 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cuối năm 2019.

Với sứ mệnh "chim đầu đàn", Vingroup tiếp tục thể hiện bản lĩnh "bay trước, mở đường" như khi  đại dịch Covid-19, không chỉ nỗ lực giữ vững kinh doanh ổn định, lãnh đạo tập đoàn còn nhanh chóng tập trung vào tìm kiếm và nghiên cứu các phương án để có thể sản xuất được các loại máy thở. Một không khí quyết tâm, cao độ được bao trùm toàn nhà máy. Tất cả cán bộ lãnh đạo tập đoàn và các phòng ban chuyên môn được yêu cầu làm việc trực tiếp điện thoại 24/24. Chỉ sau một ngày đêm, tất cả đã có thể triển khai. Ngay sau đó, Vingroup đã ký kết hợp đồng license với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho máy thở xâm nhập nhãn hiệu PB560 và đã phát triển, sản xuất thành công các mẫu máy thở đạt tiêu chuẩn quốc tế VFS-510 và VFS-410, hỗ trợ 2.600 máy thở cho Chính phủ và nhân dân các nước Singapore, Nga và Ukraina và trong nước, Vingroup cũng tài trợ trang thiết bị y tế, công cụ và hóa chất xét nghiệm, các dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với Covid-19... 

Kết thúc năm 2020, Vingroup đã nằm vị trí thứ hai trong danh sách thương hiệu được yêu thích nhất do Campaign Asia-Pacific (tổ chức chuyên về truyền thông thương hiệu quốc gia) và Nielsen thực hiện khảo sát, vượt qua Honda, Samsung, Apple do liên tục ra mắt và quảng bá các sản phẩm, dịch vụ mới trong cả ba lĩnh vực công nghệ - công nghiệp và thương mại dịch vụ, bất chấp các ảnh hưởng của Covid-19. 

Thaco - Nâng tầm nông nghiệp Việt

Sau gần 20 năm với khát vọng sản xuất ô tô tại Việt Nam, Chủ tịch Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương đã chinh phục được nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới hợp tác. Hiện những lô xe Kia, xe bus Thaco hay sơmi rơ mooc của Thaco đã ra nước ngoài. Theo kế hoạch năm 2020, sẽ có hơn 1.200 xe du lịch Kia xuất sang các nước ASEAN và kỳ vọng tiép tục tăng trưởng trong năm 2021.

Được biết đến là một doanh nghiệp đầu đàn trong ngành cơ khí - ô tô nhưng hơn hai năm qua, cú bắt tay của Chủ tịch Thaco với Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - HNG) và Công ty CP Hùng Vương (HVG) dưới danh nghĩa Công ty Thadi đã mở ra cho vị chủ tịch này một con đường đi mới với quyết tâm mới "nâng tầm nông nghiệp Việt Nam, tái cấu trúc nền nông nghiệp, đưa sản xuất nông nghiệp vào chuẩn mực, quy mô lớn", vì theo Chủ tịch Thaco: "Doanh nghiệp làm nông nghiệp nếu không bài bản, quy mô lớn sẽ khó đi xa".

Sau cú bắt tay của Thaco với HAGL và Hùng Vương, dư luận vẫn râm ran cho đây là "phi vụ” giải cứu của Thaco nhưng Chủ tịch Thaco không xem đó là sự giải cứu mà là... duyên trời định, là cách chia sẻ, hợp tác với những doanh nhân khó khăn nhưng cùng chí hướng và tâm huyết để cùng nhau làm nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tạo sức bật cho nông nghiệp đủ sức cạnh tranh thế giới, đây cũng chính là nhiệm vụ của các doanh nghiệp "sếu đầu đàn". Chủ tịch Thaco cho biết thêm, ông đã đầu tư khoảng 40.000 tỷ vào HAGL Agrico và đây chính là tâm huyết, là danh dự nên càng phải quyết tâm hoàn thành thử thách.

Thaco-6187-1612430981.jpg

Với tâm huyết đó, Chủ tịch Thaco luôn say sưa, tâm đắc với các mục tiêu đề ra và cho biết sẽ làm quyết liệt mảng nông nghiệp trong vài năm nữa để đi vào nề nếp, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp quy mô lớn với chuỗi giá trị khép kín theo loại sản phẩm cây trồng, vật nuôi, hình thành nền sản xuất kinh doanh mang tính tích hợp cao, với giải pháp liên doanh liên kết và tự đầu tư linh hoạt, nhanh chóng ứng dụng công nghệ, áp dụng phương pháp quản trị công nghiệp trên nền tảng số hóa với lộ trình phù hợp, hướng đến mục tiêu nâng tầm ngành nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, sau khi hoàn thành chuỗi giá trị, tìm ra mô hình phù hợp sẽ chuyển giao công nghệ, mô hình canh tác, nuôi trồng cho nông dân để người nông dân được tham gia vào chuỗi giá trị bền vững của nông nghiệp. 

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, mỗi năm Thaco đều có chiến lược cụ thể, rõ ràng. Còn nhớ đầu năm 2020, trong lá thư chúc Tết gửi đến toàn thể cán bộ và nhân viên nhân dịp năm mới, ông Dương đã gửi đến thông điệp kế hoạch kinh doanh trong năm 2020. Lá thư viết: "Năm 2020, Thaco sẽ bước vào năm thứ ba thực hiện chiến lược phát triển trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó ô tô và cơ khí là chủ lực, hai lĩnh vực chính là nông nghiệp và đầu tư - xây dựng, và hai lĩnh vực hỗ trợ là logistics và thương mại - dịch vụ. Mục tiêu của lĩnh vực ô tô và cơ khí của Thaco trong năm 2020 là giữ vững vị trí đứng đầu thị trường ô tô trong nước với thị phần trên 30%. Thaco cũng sẽ triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà máy sản xuất phụ tùng xuất khẩu có vốn đầu tư 100 triệu USD, doanh thu xuất khẩu hằng năm 70 triệu USD và đưa vào hoạt động cuối năm 2020. 

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thaco đề ra ba mục tiêu: hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất thông qua việc hợp tác với HAGL Agrico; triển khai thực hiện nhanh chiến lược nuôi heo giống và heo thịt qua liên doanh với Hùng Vương và hỗ trợ Hùng Vương phục hồi, phát triển lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất thức ăn, chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, Thaco đẩy nhanh thi công để hợp long cầu Thủ Thiêm 2 và hoàn thành thông xe trong tháng 12/2020, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công dự án quảng trường trung tâm và công viên bờ sông, tiếp tục hoàn thiện các mô hình đầu tư bất động sản, qua đó xây dựng thương hiệu khu đô thị... Đối với mảng logistics, chỉ tiêu doanh thu năm 2020 là 1.100 tỷ đồng.

Năm 2020 nhiều khó khăn vừa qua đi nhưng cũng đủ vui vì nhiều mục tiêu được hoàn thành, đặc biệt là vẫn đủ tâm thế của một "sếu đầu đàn" còn khỏe mạnh, đầu năm 2021, Công ty CP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) - đổi tên từ Công ty Thadi lại chính thức trở thành công ty mẹ nắm quyền chi phối HAGL Agrico và Chủ tịch Thaco cũng chính là Chủ tịch HAGL Agrico. 

Ngay sau đó, Chủ tịch Thaco cho biết sẽ đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng trong năm 2021 vào công ty nông nghiệp này. Sau khi trở thành công ty mẹ của HAGL Agrico và mua lại một loạt công ty nông nghiệp, Thagrico đang có khoảng 84.000ha đất vườn cây các loại. Trong năm 2021, HAGL Agrico đặt mục tiêu doanh thu dự kiến thấp nhất là 2.109 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty đảm bảo công ty sẽ có lời dù là ít nhưng là lời thật và sẽ tăng lên hằng năm.

Định hướng phát triển giai đoạn 2021-2023, HAGL Agrico công bố chiến lược đầu tư cho diện tích đất còn lại là 35.757ha tại Lào (27.383ha) và phía Bắc Campuchia (8.374ha). Về chăn nuôi bò sẽ tổ chức chăn nuôi bò sinh sản, bò nuôi thịt theo mô hình bán chăn thả và bò vỗ béo tập trung với tổng đàn đến năm 2023 là 110.000 con.

Cũng trong năm qua, thể hiện vai trò của một doanh nghiệp đầu đàn, Thaco không chỉ nỗ lực tăng trưởng kinh doanh mà còn tài trợ các thiết bị và vật phẩm y tế cho Đà Nẵng và Quảng Nam trong đợt dịch Covid-19 bùng phát với trị giá 10 tỷ đồng (mỗi địa phương 5 tỷ đồng). Đồng thời, tập đoàn cũng hỗ trợ 2.000 bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 trị giá hơn 1 tỷ đồng cho Bệnh viện Trung ương Huế.

Trước đó, Thaco đã đóng góp 10 tỷ đồng vào Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, tặng 1 hệ thống máy ECMO (máy tim và phổi nhân tạo) của Đức trị giá 2,3 tỷ đồng cho Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, tặng Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM một bộ thiết bị monitor theo dõi trung tâm cùng 6 màn hình theo dõi với trị giá hơn 1,36 tỷ đồng. Tổng kinh phí do Thaco hỗ trợ chống dịch Covid-19 tính đến thời điểm này lên đến gần 25 tỷ đồng.

Masan: Hành trình phụng sự người tiêu dùng

Luôn sẵn sàng bắt đầu từ những điều khác biệt và bước vào lãnh địa mới để tìm cái mới và khai phá thị trường, ngay từ những ngày đầu thành lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang đã luôn kiên định với sứ mệnh nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt và suốt hành trình của mình, Masan đã mang lại sự giàu có cho rất nhiều người, trong đó có các cổ đông lớn của Masan và đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế.  

Năm 2020, một năm khủng hoảng nhiều bất biến khó lường nhưng lại là cơ hội để Masan nắm bắt làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và sẽ thay đổi hoàn toàn trải nghiệm tiêu dùng là bán lẻ hiện đại. "Xu hướng này đang diễn ra nhanh chóng và đây sẽ là "trận địa" quan trọng, có quy mô lớn nhất của ngành tiêu dùng - bán lẻ trong tương lai", Chủ tịch Masan nhận định và đã mạnh dạn thực hiện bước nhảy vọt, kết hợp mô hình kinh doanh hàng tiêu dùng của Masan với nền tảng bán lẻ hiện đại hàng đầu Việt Nam từ VinCommerce (VCM). "Đây không phải là một động thái phòng thủ mà là bước đi khẳng định Masan là ai. Một lần nữa, chúng ta xác định Masan là một tổ chức có định hướng bán lẻ và đánh dấu một cột mốc mới trong hành trình người tiêu dùng. VCM là điểm khởi đầu chiến lược hoàn hảo", Chủ tịch Masan nói.

Xuất phát điểm cho một dự án khởi đầu là rất quan trọng và tại Masan luôn xuất phát với một vạch đích được xác định rõ ràng. "Mục tiêu của chúng ta là dẫn đầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc chứ không chỉ giới hạn ở một vài địa phương. Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và chúng ta có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%", ông Quang khẳng định . 

masan-1328-1612430982.jpg

Song không phải ai cũng đồng ý với bước nhảy vọt đầy táo bạo này của Masan nhưng với Chủ tịch Quang, Masan chỉ có một con đường và con đường của Masan là suốt đời đồng hành và phụng sự người tiêu dùng. Vậy nên, chiến lược này là sự phát triển tất yếu của Masan và công nghệ, yếu tố mà vị chủ tịch này tin là sẽ thay đổi cuộc chơi và cần được đầu tư. Ông nói: "Máy học (Machine Learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là một lợi thế cạnh tranh đột phá. Thông qua nền tảng công nghệ chúng ta có thể biết được người tiêu dùng muốn gì trong thời gian thực và dự đoán các xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Công nghệ không chỉ là bệ phóng cho mô hình kinh doanh sắp tới của chúng ta, mà bản thân công nghệ cũng sẽ là một mảng kinh doanh độc lập".

Đây cũng chính là công thức chiến thắng và chiến lược của Masan. Năm 2020, Masan chọn chiến lược không mở rộng kinh doanh quá nhanh chóng, mà sẽ nỗ lực để đảm bảo mô hình hiện có tiếp tục bền vững khi tăng quy mô. Với chiến lược này, Chủ tịch Masan khẳng định Masan không những sẽ trở thành nền tảng bán lẻ hàng đầu Việt Nam mà còn có thể đạt được biên lợi nhuận hai chữ số. Chủ tịch Quang chia sẻ: "Thật sự, tôi đã không nghĩ rằng VinCommerce có thể chuyển đổi nhanh như vậy. Mức lỗ của VinCommerce trong quý I/2020 đã giảm một nửa và doanh thu tăng trưởng 40% so với quý I/2019". Ông nhấn mạnh: "Chỉ những thay đổi bứt phá mới có thể mang đến giá trị vượt trội cho người tiêu dùng và chiến lược tích hợp mảng tiêu dùng bán lẻ đang bắt đầu gặt hái những trái ngọt đầu tiên khi VinCommerce sẽ đạt mục tiêu hòa vốn vào quý IV/2020".

Trong vai trò "sếu đầu đàn", những ngày cuối năm 2020, Masan đón tin vui khi nhận danh hiệu công ty có thương vụ đầu tư, mua bán - sáp nhập (M&A) tiêu biểu nhất năm 2019-2020. Trải qua năm 2020 đầy biến động khi nhiều doanh nghiệp bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19, Masan và các công ty thành viên vẫn hoàn thành các thương vụ M&A lớn gồm mua lại VinCommerce, bột giặt NET, nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Starck, đầu tư góp vốn vào 3F Việt.

Đặc biệt, thương vụ nhận sáp nhập hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+, nông trại VinEco từ Vingroup hoàn tất vào đầu năm 2020 giúp Masan hình thành đế chế hàng tiêu dùng - bán lẻ có quy mô lớn. Một lợi thế lớn của Masan khi vận hành VinCommerce phải kể đến đó là việc sở hữu chuỗi giá trị thịt mát MEATDeli. Nhờ đó, VinCommerce trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm duy nhất có thể tích hợp mảng sản xuất hàng tươi sống. Việc Masan MEATLife mua lại Công ty 3F Việt đồng thời bổ sung sản phẩm thịt gia cầm vào chuỗi giá trị thịt sẵn có, tiếp tục giúp VinCommerce có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Song song đó, mảng kinh doanh cốt lõi của Masan là hàng tiêu dùng nhanh tiếp tục tăng trưởng mạnh với nhiều phát kiến mới. Khi người tiêu dùng đang dịch chuyển xu hướng ăn tại nhà thay vì đến hàng quán vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, Masan tung ra nhiều sản phẩm thực phẩm tiện lợi mới, thịt chế biến để đón đầu. Đặc biệt, khi ngành bia có một năm đầy khó khăn, sản phẩm bia mới Red Ruby của Masan vẫn ra mắt thành công với mức tăng trưởng doanh số gần 40%.

Cùng với một loạt sản phẩm mới trên nhiều ngành hàng, chiến lược cao cấp hóa sản phẩm cũng mang lại quả ngọt cho Masan. Kết quả là doanh thu của Masan Consumer Holdings sau 9 tháng đạt 16.359 tỷ đồng, tăng trưởng tới 30% so với cùng kỳ năm trước. Với chiến lược nhanh nhạy và thích ứng, năm 2020, Masan Group đạt doanh thu thuần từ 75.000 - 85.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của công ty trong mức 1.000 - 3.000 tỷ đồng. 

Bước sang năm 2021, Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự báo triển vọng khả quan về năng lực tăng trưởng doanh thu của Masan Group trên mọi mảng kinh doanh sẽ đạt tổng doanh thu 93.251 tỷ đồng trong năm tới với tốc độ tăng trưởng 18% so với cùng kỳ. Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đưa ra những dự báo lạc quan với kỳ vọng Masan sẽ đạt doanh thu 93.100 tỷ đồng.

Với Masan Consumer Holdings, mức tăng trưởng theo VCSC có thể lên tới hai chữ số. Mảng thực phẩm tiện lợi của Masan được kỳ vọng vẫn sẽ tăng trưởng 15% năm 2021 nhờ sự thành công của danh mục sản phẩm cao cấp ngày càng mở rộng. 

Song kết quả kinh doanh năm 2020 và dự báo tích cực về năm 2021 mới chỉ là những bước đầu tiên trong hành trình hiện thực hóa tầm nhìn 2025 của Masan với nền tảng bán lẻ - hàng tiêu dùng The CrownX. Masan đặt mục tiêu có 10.000 cửa hàng bán lẻ vào năm 2025 và 20.000 điểm bán hoạt động theo hình thức nhượng quyền. Với quy mô tổng cộng 30.000 cửa hàng, Masan có thể phục vụ tới 30-50 triệu người tiêu dùng Việt Nam.Với tiềm năng thị trường bán lẻ - hàng tiêu dùng lên tới hơn 100 tỷ USD, Masan kỳ vọng có thể cán mốc doanh thu 5-10 tỷ USD sau 5 năm nữa. 

Công ty đồng thời đặt mục tiêu lọt vào nhóm 50 thương hiệu bán lẻ toàn cầu. Với tham vọng và tầm nhìn đã đặt ra, chắc chắn Masan sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong những năm tới.

Vinamilk: Giữ vững vị thế đầu đàn

Dẫn dắt ngành sữa Việt Nam suốt mấy chục năm qua trong một thị trường luôn sôi động và nhiều cạnh tranh cả trong nước và nước ngoài cùng hội nhập là một thách thức vô cùng lớn nhưng Vinamilk vẫn giữ vững vị thế con chim đầu đàn, đặc biệt trong năm qua, dù kinh tế khó khăn do khủng hoảng Covid-19 nhưng Vinamilk vẫn đóng góp lớn cho doanh số tăng trưởng của ngành và của nền kinh tế; là thương hiệu đại diện duy nhất của Việt Nam trong top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới và tiếp tục được xét chọn là thương hiệu quốc gia lần thứ 6 liên tiếp. 

vinamilk-2-3727-1612430982.jpg

Với Vinamilk, thương hiệu quốc gia không chỉ là một sự công nhận mà còn là trọng trách. Trong 10 năm qua, để trở thành thương hiệu quốc gia vươn ra thế giới là một nỗ lực không ngừng. Từ năm 1997, Vinamilk đã xuất khẩu nhiều loại sản phẩm sữa đến các thị trường lớn. Đến nay, nhiều chủng loại sản phẩm dinh dưỡng của Vinamilk đã có mặt tại hơn 54 quốc gia và vùng lãnh thổ, đem về kim ngạch xuất khẩu hơn 2,2 tỷ USD. Ở nhiều quốc gia phát triển, người tiêu dùng cũng đang dần quen với các sản phẩm sữa Vinamilk với chất lượng được đánh giá cao. Suốt 10 năm qua, Vinamilk được xem là biểu trưng của thương hiệu quốc gia như một niềm tự hào để giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Đặc biệt, sản phẩm của Vinamilk được chọn để phục vụ cho Văn phòng Chính phủ, góp mặt trong các sự kiện lớn của quốc gia như Diễn đàn APEC 2017, Năm Chủ tịch ASEAN 2020. 

Đi kèm uy tín và thành quả kinh doanh, giá trị thương hiệu của Vinamilk nhiều năm liền được các tổ chức uy tín định giá cao. Năm 2020, giá trị thương hiệu này được Forbes Việt Nam công bố là 2,4 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2019 và vươn lên dẫn đầu Top 10 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam và tiếp tục duy trì sự hiện diện trong Top 1.000 thương hiệu dẫn đầu châu Á theo Campaign Asia và Nielsen. 

Theo Campaign Asia-Pacific, năm nay các khảo sát cho thấy người tiêu dùng đang ủng hộ các công ty đã hỗ trợ đắc lực cho xã hội trong Covid-19. Và trong năm đại dịch Covid-19, Vinamilk đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và đã ủng hộ gần 40 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ cộng đồng vượt qua khó khăn do dịch.

Cũng năm 2020, dù vô cùng khó khăn nhưng Vinamilk vẫn nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi ra các sản phẩm dinh dưỡng có tính đột phá, hàng loạt sản phẩm độc đáo đã ra mắt thị trường như cà phê đóng chai Hi!Café, sữa bột trẻ em có tổ yến, sữa chua organic chuẩn châu Âu, sữa tươi tiệt trùng chứa tổ yến... 

Ông Phan Minh Tiên - Giám đốc Điều hành Marketing Vinamilk cho biết, với tầm nhìn trở thành biểu tượng niềm tin hàng đầu Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe, Vinamilk luôn nỗ lực để mang đến những giá trị tốt nhất cho người Việt. "Chúng tôi xác định sự phát triển của doanh nghiệp phải song hành cùng lợi ích xã hội, đặc biệt là trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước", ông Phan Minh Tiên khẳng định.

Bước vào năm 2021, với định hướng kinh tế tuần hoàn là kim chỉ nam trong chiến lược phát triển bền vững, Vinamilk sẽ cụ thể hóa định hướng này bằng việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào hệ thống trang trại và nhà máy từ nhiều năm qua. Tại các trang trại bò sữa, vòng tuần hoàn nông nghiệp xanh của Vinamilk với trọng tâm là công nghệ Biogas và nguyên lý biến chất thải thành tài nguyên. Đây là điểm sáng đáng ghi nhận trong nỗ lực triển khai kinh tế tuần hoàn tại Vinamilk, mang đến lợi ích đáng kể về môi trường, tận dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu đáng kể lượng CO2 phát thải.

Bên cạnh đó, Vinamilk cũng tích cực đảm bảo giá trị nguồn tài nguyên đất quý giá của nông nghiệp với việc ứng dụng vòng tuần hoàn tái tạo đất theo công nghệ Nhật Bản và hình thức canh tác hữu cơ (organic)... Lộ trình cắt giảm chất thải và phát thải cũng được Vinamilk đẩy mạnh. Cụ thể như các mục tiêu giảm lượng nhựa sử dụng trong quá trình sản xuất, sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo từ biomass và CNG, hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED, các dự án đầu tư sử dụng năng lượng mặt trời tại tất cả trang trại bò sữa sẽ được chính thức khởi động vào năm 2021... Vinamilk cũng tích cực thực hiện các sáng kiến bền vững như 100% nước thải được xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn đầu ra nghiêm ngặt. Một phần nước được tái sử dụng để phục vụ các khâu sản xuất và hoạt động của nhà máy.

Lữ Ý Nhi