Năm 2021, tâm thế doanh nghiệp vẫn là phòng thủ
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 06:00, 26/02/2021
Theo ông Trần Văn Phát - Hội Doanh nghiệp quận 3, Giám đốc Điều hành Công ty CP Đầu tư Robot, trong năm 2021, mọi người đều lạc quan về triển vọng kinh tế. Cụ thể như ngành lương thực thực phẩm, cơ hội xuất khẩu trong năm 2021 là rất lớn, ngay trong năm đại dịch 2020 cũng đã tăng trưởng rất tốt.
Khó khăn trải đều các ngành, nghề
Riêng với Robot, tại thị trường nội địa, hàng thương hiệu Robot (ổ cắm, ổn áp, máy lọc nước...) đã liên kết với các hệ thống điện máy lớn trên cả nước và nhận được tín hiệu tiêu dùng sáng sủa. Doanh thu 6 tháng cuối năm 2020 của Robot tăng hơn 200%. Trong năm 2021, Robot đặt mục tiêu tăng trưởng 20% doanh thu so với năm 2019. Vì năm 2020 hầu như kinh doanh không được nhiều, doanh thu giảm khoảng 15% so với năm 2019.
Dù vậy, ông Phát cho biết mục tiêu này cũng chỉ là mơ ước, vì tình hình chung còn nhiều khó khăn. Đối với ngành tiêu dùng nói riêng, nếu doanh nghiệp không chịu tham gia thương mại điện tử, chỉ dựa vào các kênh bán hàng truyền thống thì rất khó đạt mức tăng trưởng. "Những doanh nghiệp có lãnh đạo dưới 50 tuổi chuyển đổi rất nhanh, còn lãnh đạo lớn tuổi thì còn chần chừ hoặc chuyển đổi chậm hơn", ông Phát đánh giá.
Ngành du lịch cũng được không ít doanh nghiệp kỳ vọng sẽ phục hồi sau năm 2020 đầy khó khăn. Theo ông Văn Công Thật - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Cần Giờ, dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch nước ngoài bị đóng băng. Do đó, việc Việt Nam đang kiểm soát dịch tốt sẽ là cơ hội cho ngành du lịch nội địa nói chung và doanh nghiệp huyện Cần Giờ nói riêng. Bởi lẽ, tiềm năng du lịch tại huyện này là khá lớn.
Hiện nay, Cần Giờ đã có bến phà nối với Vũng Tàu, Khu Rừng Sác cũng được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các chính sách phát triển TP.HCM vừa qua cũng mang lại hy vọng giúp Cần Giờ "nâng cấp" lên mức thành phố. Ngoài du lịch, ngành bất động sản cũng được doanh nghiệp kỳ vọng sẽ phát triển tốt trong năm 2021. "Đầu tư công đang được Chính phủ đẩy mạnh, vì vậy cầu Cần Giờ (nối huyện Cần Giờ và Nhà Bè) được kỳ vọng sẽ triển khai trong năm nay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Cần Giờ", ông Thật chia sẻ.
Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành cho biết, tại quận Bình Tân, rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với khó khăn.
Theo ông Nghĩa, kết quả thăm dò trong Hội gần đây cho thấy doanh nghiệp gần như không kinh doanh được gì trong năm 2020. Một số doanh nghiệp kỳ vọng sẽ gỡ lại được phần nào trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhưng rốt cuộc lại gặp đợt dịch mới. Không chỉ các ngành tiêu dùng và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều ngành khác cũng bị tác động dây chuyền.
Với ngành dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, mỹ phẩm), ông Nghĩa cho biết từ cuối năm qua đến giờ kinh doanh rất chậm. "Hồi cuối năm 2020, khách sạn bên tôi được khách đặt kín phòng. Bất ngờ xảy ra đợt dịch mới, khách hủy một nửa. Khi TP.HCM giãn cách xã hội tiếp, lượng phòng bị hủy tăng thêm 50% còn lại", ông Nghĩa xót xa chia sẻ.
Ngành bất động sản ở Bình Tân bị ảnh hưởng lớn, trừ các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp do nhu cầu có thật và rất lớn. Ông Nghĩa thừa nhận giá nhà đất ở Bình Tân thời gian qua có tăng (do nguồn cung ít), tuy nhiên lượng giao dịch rất ít. Điển hình như sản phẩm nhà phố, trước đây chỉ cần 3 ngày là bán được 1 căn, hiện giờ dù giảm giá 15-20% nhưng 3 tháng chưa bán được 1 căn.
Mục tiêu vẫn là sống sót trước
Để ứng phó với năm 2021 nhiều biến động và khó khăn, ông Nghĩa cho biết mục tiêu hàng đầu chỉ là sống sót chứ chưa dám nghĩ đến tăng trưởng. Theo đó, ông ưu tiên cắt giảm tất cả khoản chi tiêu không cấp thiết, tập trung hoàn thiện các dự án cũ chứ cũng không dám làm dự án mới.
Bà Lâm Thúy Ái - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP.HCM (TGB), Chủ tịch Hội đồng Thành viên Mebi Group cũng có chung cảm nhận. Theo bà Ái, rất ít doanh nghiệp trong TGB lạc quan về triển vọng kinh tế trong năm 2021.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp làm điện mặt trời (lĩnh vực cánh đồng điện mặt trời - solarfarm) phải dừng thi công theo yêu cầu từ Chính phủ. Nguyên nhân là công suất các dự án solarfarm năm 2020 đã vượt quá quy hoạch của Chính phủ. Lĩnh vực điện mặt trời mái nhà thì thị trường còn nhỏ, do ý thức người dân cũng như doanh nghiệp chưa cao.
Đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ của TGB cũng lâm vào cảnh lao đao. Doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, quảng cáo, triển lãm... phải đóng cửa theo chỉ đạo của TP.HCM. Doanh thu hầu như không có nên doanh nghiệp phải trả mặt bằng hoặc tạm dừng hoạt động.
Doanh nghiệp sản xuất cũng đang đau đầu với vấn đề thiếu container (cả nhập và xuất), kéo theo giá nguyên vật liệu tăng cao (chủ yếu nhập khẩu). Đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi thủy sản của Mebipha (thuộc Mebi Group), từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu đã tăng khoảng 20-30%, kéo giá bán tăng theo. Điều này khiến doanh nghiệp khó bán hàng vì người chăn nuôi sẽ giảm đầu tư, do giá bán sản phẩm thủy sản trong nước không tăng kịp giá vốn.
Thực tế tại Mebi Group cho thấy, diễn biến thị trường đạt thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Mebi Group đặt mục tiêu tăng khoảng 15% doanh thu cho năm 2021. Nhưng doanh thu tháng 1/2021 đã giảm gần 30% so với cùng kỳ, tháng 2 nghỉ Tết nên không được bao nhiêu. Thời điểm cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm rồi, khách hàng liên tục hối Mebi Group giao hàng, thậm chí thiếu hàng để giao. Nhưng năm nay, lượng hàng giao cho khách chỉ lai rai.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh năm 2021, bà Lâm Thúy Ái nói đến giờ vẫn chưa dự đoán được điều gì. Theo bà Ái, tâm thế của lãnh đạo doanh nghiệp TGB trong năm 2021 là phòng thủ và luôn sẵn sàng ứng phó với các khó khăn trước mắt.
Còn theo ông Nghĩa, mục tiêu hàng đầu năm 2021 chỉ là sống sót chứ chưa dám nghĩ đến tăng trưởng. Với kế hoạch kinh doanh phòng thủ, ông Nghĩa dự đoán đến đầu quý IV/2021 thì tình hình kinh doanh mới bắt đầu vào guồng trở lại, do vắc xin Covid-19 được triển khai rộng rãi ở Việt Nam. Ông đánh giá, năm 2021 nếu khó khăn còn kéo dài như năm trước, hẳn nhiều doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh khốn đốn.
Chuyện thiếu vốn cũng là vấn đề của nhiều doanh nghiệp sản xuất ở huyện Cần Giờ. Cần Giờ có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đầu ra của doanh nghiệp thực tế không khó, do hoạt động bán hàng trong nước và xuất khẩu vẫn đang diễn ra khá tốt. Tuy nhiên, ông Văn Công Thật cho biết, doanh nghiệp vẫn đang lo lắng về nguồn vốn.
Trải qua năm 2020 khó khăn do dịch bệnh, doanh nghiệp hầu như đã cạn vốn và cần nguồn vốn mới để lấy đà tăng trưởng tiếp. Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn mới của doanh nghiệp hiện nay không phải là chuyện dễ dàng gì. "Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu thuê đất để làm nên không có tài sản thế chấp, khiến việc vay thêm vốn trở nên xa vời. Để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, doanh nghiệp rất cần Chính phủ hỗ trợ thêm các chính sách tín dụng thông thoáng hơn", ông Thật nhận xét.