Sức khỏe tâm thần, đừng xem thường
Sống khỏe - Ngày đăng : 08:11, 28/02/2021
Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM ngày 10/4/2018, BS. Trịnh Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần (TP.HCM) cho biết, TP.HCM có đến 16% dân số có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong số này có những chứng mãn tính như tâm thần phân liệt 0,3-1%, động kinh 0,5%, trầm cảm 6%, rối loạn lo âu 7%, nghiện hoặc lạm dụng rượu 5%, đặc biệt là nhóm loạn thần liên quan tới chất kích thích ngày càng tăng cao ở người trẻ. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám bệnh ngoại trú, trị liệu tâm lý, giám định 800 lượt/ngày, tăng 10-15% mỗi năm. Thông tin từ Khoa Tâm thần Bệnh viện 175 (TP.HCM) vào tháng 9/2018 cho biết, trước đây tỷ lệ người Việt mắc bệnh tâm thần chiếm khoảng 15-20% dân số, nhưng những năm gần đây tỷ lệ này tăng lên khoảng 30%.
Nỗi lòng của cha mẹ
Một buổi tối của tháng 8, tôi lạc bước vào phòng khám tâm thần của một bác sĩ có tiếng trong ngành này ở quận Tân Bình, TP.HCM. Có khoảng gần 20 người thuộc đủ mọi lứa tuổi ở đó, từ trẻ em 3 tuổi đến thanh thiếu niên và người trung niên. Nam hay nữ đủ cả. Những bệnh nhân thanh thiếu niên đều đeo khẩu trang che kín không nhận diện rõ khuôn mặt, trong khi chờ đợi đứa trẻ nào cũng mải mê cúi đầu xuống cái điện thoại, thậm chí có trẻ phản ứng khi thấy người thân đi kèm đụng vào người. Những bệnh nhân trẻ em thì đứa lơ ngơ sợ sệt, đứa tăng động cứ chạy lăng xăng quanh phòng. Những bệnh nhân người lớn thì trầm mặc, ai cũng dán mắt vào màn hình, hiếm hoi có một người mang theo sách để đọc.
Mỗi bệnh nhân đều đã đến đây nhận một con số từ lúc trưa và buổi tối từ 6 giờ lần lượt vào gặp bác sĩ hay chuyên viên tâm lý khi cô nhân viên gọi. Những bệnh nhân người lớn thường một mình vào gặp bác sĩ, còn bệnh nhân trẻ em và thiếu niên đi cùng cha hoặc mẹ. Mỗi một ca bệnh gặp bác sĩ khá lâu, từ 10-20 phút. Có những đứa trẻ được hướng dẫn lên lầu 1 gặp chuyên viên tâm lý một mình. Khi đứa trẻ xong việc trị liệu với chuyên viên tâm lý, cô ấy sẽ xuống nói chuyện với cha hoặc mẹ bé về tiến triển của bé hôm nay rồi sau đó sắp xếp để họ dẫn bé vào gặp bác sĩ. Căn phòng trị liệu của bác sĩ ở dưới tầng trệt có cánh cửa nặng đóng kín, không thể nghe được câu chuyện bên trong như ở những phòng mạch trị bệnh tai mũi họng, xương khớp hay đông y.
Một bà mẹ trẻ khoảng hơn 30 tuổi ngồi một mình nói với tôi cô chờ con trai 9 tuổi đang trị liệu tâm lý với chuyên gia ở trên lầu. Cô bảo mình dẫn con đi bác sĩ này được một năm và thấy bé có tiến triển. “Hôm nay vắng bệnh nhân đó chị, chứ có hôm em đến từ 5 giờ 30 lấy số 40 mà chờ đến hơn 9 giờ 30 mới tới lượt khám cho cháu”. Con trai cô bị chẩn đoán là tâm thần chậm phát triển, ngay từ lúc hơn 2 tuổi cô đã cho con đi khám nhiều nơi vì cháu không nói được, nay đã nói tốt hơn nhưng học thì chậm, phải ở lại lớp 3 dù bạn bè đã lên lớp 4. “Trí của cháu chỉ như trẻ 5-6 tuổi thôi. Vợ chồng em chỉ mong con tự lo được cho mình sau này nên khi bác sĩ khuyên cháu cần phải chơi với bạn nhiều hơn, tụi em đã chuyển nhà đến chỗ có sân chơi rộng có nhiều trẻ em. Mùa hè em cũng không cho đi học thêm mà đưa cháu về quê Bắc Giang ở hẳn hai tháng nơi đồng ruộng với ông bà, cháu đi theo trẻ chăn trâu, mò cua bắt ốc mà vui lắm”.
Cô cũng xác định con bị bệnh này phải theo con suốt đời nhưng cô an ủi dù sao mình cũng còn may mắn hơn các mẹ có con bị tự kỷ hay bệnh Down. Không vui vẻ như bà mẹ này, một ông bố tóc đã bạc đưa con gái đang học lớp 9 đi khám bệnh cho biết đã chữa trị cho con hơn một tháng. Hỏi con ông bị bệnh gì? Ông bảo con gái bị rối loạn cảm xúc vì nghe theo bạn bè xúi giục rồi không kịp nói thêm gì vì con gái của ông sau khi gặp chuyên viên tâm lý trên lầu đã xuống ngồi bên cạnh. Cô gái có khuôn mặt lầm lì, không thèm nhìn ai và cũng không buồn trả lời khi cha hỏi chuyện.
Ở đây một lần vào gặp bác sĩ để tư vấn tâm lý là 300.000đồng. Nếu cần uống thuốc, bác sĩ sẽ bán luôn, liều dùng từ 1 tuần, 2 tuần hoặc 1 tháng, với giá từ 500.000 - 800.000 đồng, đã cộng tiền tư vấn.
Bệnh tâm thần có nhiều dạng, không phải ai bị bệnh tâm thần cũng là người điên
BS. Lâm Hiếu Minh - làm việc tại Đơn vị Tâm lý Lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “18 năm làm việc trong ngành tâm thần trẻ em, tôi thấy số lượng bệnh nhân gia tăng rõ rệt và mức độ bệnh cũng ngày càng nghiêm trọng hơn: như hành vi tự sát, tự hủy hoại bản thân... ở thanh thiếu niên ngày càng nhiều. Tuy nhiên, có một điều tốt là mức độ nhận thức về bệnh tâm thần trong xã hội cũng phổ biến hơn. Hơn 10 năm trước người ta ngạc nhiên khi nghe nói có bác sĩ chuyên ngành tâm thần trẻ em, họ cứ nghĩ bệnh tâm thần là người điên và trẻ em thì không thể bị điên”.
Như vậy có bao nhiêu dạng bệnh tâm thần ở Việt Nam? BS. Minh trả lời: “Ở trẻ em từ 0-6 tuổi: loại bệnh tâm thần thường gặp là chậm phát triển tâm thần và rối loạn ngôn ngữ, thứ ba mới là bệnh tự kỷ. Trẻ em từ 6-10 tuổi thường gặp rối loạn tăng động giảm chú ý, thứ hai là rối loạn lo âu, thứ ba là rối loạn khí sắc dẫn đến trầm cảm. Trên 12 tuổi gặp nhiều bệnh nhân rối loạn lo âu (triệu chứng hay lo sợ, tim đập nhanh, bị ám ảnh, sợ dơ, sợ bệnh, rối loạn giấc ngủ...) và trầm cảm (triệu chứng buồn, chán nản, suy nghĩ tiêu cực, muốn chết, muốn tự sát)“.
Cũng theo BS. Minh, cách chữa trị bệnh tâm thần hiệu quả phải kết hợp việc đến bác sĩ tâm thần, gặp chuyên viên tâm lý và nhân viên xã hội... để họ giúp đỡ về mặt y khoa và các phương pháp trị liệu khác. Người bệnh dùng thuốc chưa đủ mà phải đi kèm các liệu pháp tâm lý, nâng cao khả năng tự chữa lành cho bệnh nhân. Một cháu chậm phát triển, dùng thuốc là một phần nhưng gia đình phải tạo điều kiện cho cháu hòa nhập xã hội, đi học bình thường, ra công viên chơi cùng các bạn.
Một người trầm cảm ngoài điều trị bằng thuốc phải biết nhìn nhận vấn đề của mình, có kỹ năng kiểm soát cảm xúc và có thời gian tương tác với người khác. Trên thế giới hiện có nhiều mô hình trị liệu bệnh tâm thần bằng làm vườn, trồng cây, nghe nhạc hay chăm sóc thú cưng... Những cháu chậm phát triển tâm trí hoặc tự kỷ khi nghe nhạc, trồng cây, sống hòa mình với thiên nhiên hoặc chơi với thú cưng sẽ cải thiện mối tương quan với con người. Một người lớn rối loạn cảm xúc hay trầm cảm cũng cần những cách trị liệu này. Hiện nay có Bệnh viện Tâm thần Nha Trang áp dụng mô hình trị liệu bằng làm vườn, trồng cây cho các bệnh nhân...
Ngoài việc phải đi chữa trị, bệnh nhân tâm thần dù ở lứa tuổi nào cũng rất cần sự chăm sóc, khuyến khích và động viên của thân nhân, đây là điều kiện cần để giúp bệnh nhân tâm thần hồi phục, BS. Minh nhấn mạnh.