Đạo lý phải giữ
Du lịch - Ngày đăng : 03:48, 28/02/2021
1. Thanh niên ngồi lắng nghe thầy nói chuyện đạo và đời. Nhắc lại bài kệ “Cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
(Cõi trần vui đạo cứ tùy duyên
Đói bụng thì ăn mệt ngủ liền
Báu vật trong nhà thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm khỏi hỏi thiền)
Thầy nói làm người trọn vẹn ai cũng muốn nhưng khao khát để tìm con đường đi vào nội tâm sâu thẳm như khám phá vũ trụ bao la kia thì phải nhẫn nại mới có thể đạt đến. Nghề nghiệp nào cũng tu học được. Có ý thức thì ai cũng có thể trở về với cõi sáng, chỉ chạm nhẹ đến ánh sáng của một vì sao cũng đủ cho kiếp này theo bước chân Như Lai.
Lan nghinh xuân tỏa hương dìu dịu, hoa mai rực rỡ trong trời chạng vạng như lời thầy truyền dạy đánh thức tâm can.
Ra về trong nụ cười viên mãn đầu năm. Nhưng sao cứ muốn ở lại để mãi được nhìn thấy vẻ đẹp của núi non mà sống đời tịch lặng, từ giã những cạnh tranh khốc liệt bởi tham ái.
Bọn nhỏ níu áo kéo đi. Thầy mỉm cười chào tạm biệt. Những ly biệt đã gặp rồi thì không còn nuối tiếc. Khi trùng phùng niềm vui gấp bội.
Gọi điện thoại chúc Tết thầy đầu năm. Nghe thầy kể, vì mắt đã mờ nên nằm nghe Bát Nhã Tâm Kinh trong chiều mùng ba Tết. Thầy dặn về quê thắp hương cho mẹ dùm thầy.
Thầy còn kể chuyện Lý Trần Quán đỗ tiến sĩ đời vua Lê Hiển Tông, là người hiếu nghĩa với mẹ nổi tiếng trong dân gian. “Lý Trần Quán đương thời có tiếng là hiếu thảo, trung nghĩa. Khi chịu tang mẹ, ông ở nhà mồ luôn ba năm liền, không ăn thịt cá, thân thể gầy rạc. Ông nói: “Ta nay đã bốn chục tuổi đầu, nhưng những việc đã làm trong quãng đời vừa qua chỉ có ba năm chịu tang này là gần với đạo làm người”.
Bây giờ không thế giống như ngày xưa, nhưng đạo lý phải giữ.
Thầy tôi lâu nay vẫn có tiếng là “Tây học” nhưng ít ai biết Đông Tây kim cổ thầy đều rành rọt. Thầy dạy triết học phương Tây kết hợp với triết học phương Đông để học trò lãnh hội được cả hai mà không bị “Tây hóa” và vẫn giữ được căn cội Á Đông thuần tính.
Noi theo thầy, tôi cũng cố gắng học đạo. Kiến thức chỉ là để mở rộng tri kiến. Nhưng con đường hướng thượng thì phải bằng đạo làm người.
2. Thấy số điện thoại hiện lên “Cô Thương”, liền vội vã mở máy nghe, tiếng cô giáo năm xưa khiến lòng cảm khái mà nghẹn ngào chào cô trong niềm hạnh phúc ngập tràn.
Cô hỏi bao chuyện đời. Mình cứ lắp bắp chúc thầy cô năm mới mạnh giỏi và cẩn thận vì Sài Gòn đang có dịch Covid-19. Cô vừa nói vừa cười, không sao đâu em, tuổi này rồi thầy cô luôn sẵn sàng. Thân sanh hoại vô thường, sinh tử quy luật không cưỡng cầu thì không đau khổ.
Cô kể chuyện nhà có cháu nhỏ nên về hưu đã hơn 20 năm mà vẫn mang nghiệp dạy học trò. Rồi cũng 20 năm qua được làm học trò của các bậc thầy ghi lại trong kinh sách. Cô chia sẻ, lúc trước là thầy bây giờ là trò là đúng quy luật. Cô nói em lo cho gia đình con cái nhưng cũng nhớ lo cho bản thân. Đừng quên ơn cái thân đang chịu đựng sự tàn phá bởi tam độc tham, sân, si...
Điện thoại nói không được lâu và cũng không biết bao giờ sẽ gặp lại nhau, nhưng cô trò cứ bịn rịn, càng thêm nao lòng thương nhớ. Vì thế mà nếu có duyên hạnh sẽ phải đến thăm thầy cô ngày gần nhất có thể.