Lối ra nào cho kinh tế Việt Nam năm 2021?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 03/03/2021
Không thể nới lỏng tiền tệ
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 lên nền kinh tế, PGS-TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới, ví dụ như nới lỏng tiền tệ quy mô lớn do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá. Sang năm 2021, theo quan sát của ông Thế Anh, việc "không gian chính sách không còn rộng rãi" sẽ khiến chính sách vĩ mô nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội sẽ gặp nhiều hạn chế hơn.
"Chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất trong năm 2021 sẽ giảm hiệu quả đáng kể", Kinh tế trưởng của VEPR nhận xét. Ông đặc biệt lưu ý tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Năm 2020, các thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể, chủ yếu vì đó là nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Điều này có thể hiểu được trong giai đoạn khủng hoảng, nhưng việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn. Thêm vào đó, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải (wealth effect) thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu, dẫn tới sự lan tỏa của sự tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng, dù chậm chạp - một biểu hiện của hiện tượng tăng giá khi chính sách nới lỏng tiền tệ được theo đuổi trong thời gian đủ dài.
Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công
Báo cáo mới nhất của VEPR công bố hôm 9/2/2021 cũng xác định, ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai, bên cạnh đó cần cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo báo cáo này, với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành. Trong trường hợp có các ý tưởng chính sách để hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cụ thể, thì các chính sách này cần đi theo hướng kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ của hãng, thay vì tài trợ trực tiếp cho hãng.
"Biện pháp đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt và bố trí vốn thực hiện trong các tháng còn lại của năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc. Đồng thời, cắt giảm ngân sách thường xuyên tối thiểu 10% nên được thực hiện một cách cương quyết nhằm dành nguồn lực cho khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra, đồng thời chia sẻ với nhân dân cả nước trong giai đoạn khó khăn", VEPR khuyến nghị.
"Chúng tôi cho rằng việc giãn, giảm thuế nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế VAT thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp", ông Thế Anh nói và giải thích thêm rằng, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Từ đó, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ lãnh đạo mới của Đảng và Nhà nước, là năm được kỳ vọng sẽ có nhiều bước đi mới, chính sách mới và hành động cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh này, Kinh tế trưởng của VEPR cho rằng, các chính sách trọng cung là hữu ích nhất cho Việt Nam, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Ngoài ra, việc đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc vào một số đối tác kinh tế lớn. Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19, hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này, trong những năm tới.
Lạc quan nhưng thận trọng, ông Đinh Quang Hinh của VNDIRECT giữ kỳ vọng lĩnh vực sản xuất ít bị ảnh hưởng do làn sóng Covid-19 đang được khống chế nhờ vắc xin, kinh tế toàn cầu trong những tháng tới khởi sắc, đem lại nhiều đơn đặt hàng hơn cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Theo ông, sẽ cần thêm thời gian để quan sát và định lượng các tác động tiềm tàng đối với triển vọng nền kinh tế, nhưng nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố với thặng dư tài khoản vãng lai, thặng dư thương mại lớn, dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng và áp lực lạm phát giảm. Những bước đệm này sẽ giúp Việt Nam đối phó với những rủi ro bên trong lẫn bên ngoài.