Gần 45.000 doanh nghiệp thực hiện cơ chế một cửa quốc gia

Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 04/03/2021

Theo Tổng cục Hải quan, đến ngày 15/2/2021, cả nước có 212 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên cơ chế một cửa quốc gia, với xấp xỉ 3,63 triệu hồ sơ của gần 44.800 doanh nghiệp.
Gần 45.000 doanh nghiệp thực hiện cơ chế một cửa quốc gia

Tổng cục Hải quan là cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành kết nối thêm thủ tục mới. 

Về xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã nhận 25/26 ý kiến của thành viên Chính phủ đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định. Tổng cục Hải quan đang tiếp thu và giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ...

Về triển khai cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN thông qua cơ chế một cửa ASEAN. Tính đến ngày 15/2/2021, số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 286.386 C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 357.023.

Đồng thời, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật. Theo kế hoạch của ASEAN, hai chứng từ này dự kiến sẽ được kết nối trao đổi trong năm 2021.

Cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định  cho  phép  hàng  hóa  được  xuất  nhập  khẩu,  quá  cảnh;  cơ  quan  hải  quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp (Điều 4, Luật Hải quan năm 2014).

Cơ chế một cửa ASEAN là một môi trường trong đó các cơ chế một cửa quốc gia hoạt động và tích hợp với nhau. Việc  triển  khai  cơ  chế  một  cửa  quốc  gia,  kết  nối  cơ  chế  một  cửa  ASEAN sẽ giúp việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước được nhanh chóng, chính xác. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có nhiều thông tin và tính kịp thời nhanh hơn để đảm bảo việc quản lý nhà nước đối với hàng hóa, phương tiện vận tải qua biên giới. Điều đó cho  phép  các  cơ  quan  quản  lý  biên  giới  quản  lý  hàng  hóa,  phương  tiện  một cách hiệu quả hơn, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận  thương  mại  sẽ  hiệu  quả  hơn,  đảm  bảo  an  ninh  quốc  gia  cũng  như  ngăn chặn các hoạt động vận tải và thương mại bất hợp pháp.

Việt Nam đã chính thức tham gia xây dựng cơ chế một cửa ASEAN từ năm 2005 với việc ký kết Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN ngày 9/12/2005 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 11 được tổ chức tại Malaysia và Nghị định thư về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN vào ngày 20/12/2006 tại Siêm Riệp, Vương quốc Campuchia.

HT