Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank: Nâng cao tri thức và kinh doanh liêm chính trong đội ngũ doanh nhân
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 02:21, 06/03/2021
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank: phải bình đẳng giữa DN tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, FDI, không phân biệt, không kỳ thị trong đánh giá, trong nhìn nhận |
Theo ông Đỗ Minh Phú, Đảng và Nhà nước đã đặt kinh tế tư nhân (KTTN) vào đúng vị thế, vai trò trong hoạch định tầm nhìn, hướng phát triển đất nước. Từ Đại hội X, Đảng đã xác định KTTN có vai trò quan trọng, tới Đại hội XI năm 2011, Đảng đánh giá KTTN là động lực và Đại hội XIII đã xác định KTTN là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và DN đầu tư nước ngoài.
Cuối năm 2019, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTTN chiếm 42% GDP và đóng góp 30% thu ngân sách, quan trọng hơn, khu vực này còn tạo ra 85% việc làm cho xã hội. Và đến năm 2030, theo dự báo, KTTN sẽ đóng góp 60% GDP của Việt Nam. Như vậy, KTTN, trong đó DNTN có sứ mệnh rất quan trọng và ghánh vác trách nhiệm nặng nề trong sự nghiệp phát triển kinh tế của Việt Nam, mục tiếu đến năm 2030 và 2045.
Để cởi trói cho khu vực KTTN, ông Đỗ Minh Phú kiến nghị Chính phủ cần chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ. Cụ thể, các bộ, ngành cần nên thay đổi tư duy từ quản lý doanh nghiệp sang tư duy phục vụ doanh nghiệp. “Các cơ quan công quyền cần ở tâm thế "tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng họ, lấy sự hài lòng và thành công của cộng đồng doanh nghiệp là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của mình”, ông nói.
Ngoài ra, theo ông Phú, trong nhận thức và đối xử, Nhà nước phải bình đẳng giữa DNTN và doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI. Không phân biệt, không kỳ thị trong đánh giá, trong nhìn nhận. Phải bình đẳng tiếp cận nguồn lực. Quan trọng hơn, theo ông, đó là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, nếu làm đúng pháp luật thì phải bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo hiến pháp, pháp luật.
Ông Phú cho rằng, DNTN ngày nay không chỉ tham gia vào những ngành thâm dụng lao động giản đơn mà họ đã thực hiện các công trình lớn, tham gia vào các công đoạn phức tạp trong công nghệ và đã có nhiều tập đoàn KTTN đảm nhận vai trò đầu tàu ở những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như: công nghiệp điện tử viễn thông, tự động hóa, ô tô, sắt thép, hóa chất, xi măng… Vì vậy, nếu được trao cơ hội, các doanh nghiệp tư nhân chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khó khăn mà mình được giao phó.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh gế thế giới, ông cũng cho rằng DNTT cần chú trọng nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, nhanh chóng áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh và quản lý. Một mặt, tri thức hóa đội ngũ doanh nhân, mặt khác, thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ. Đây là cốt lõi của cụm từ đổi mới sáng tạo, kinh doanh liêm chính, đề cao và vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có ý chí vươn lên để góp phần xây dựng một quốc gia hùng cường, hưng thịnh.