Nữ doanh nhân và chuyện cân bằng công việc, gia đình
Đời thường - Ngày đăng : 03:56, 08/03/2021
Đứng đầu bảng các nền kinh tế hỗ trợ tốt nhất cho phụ nữ kinh doanh là Israel, Mỹ đứng thứ nhì, thứ ba là Thụy Sỹ.
Nhiều người thở dài: Ta bì sao được với họ, nhất là với “thủ khoa” Israel!
Nhưng xem lại, khi cả thế giới xính vính với con virus SARS-CoV-2, thì Việt Nam dù sao cũng gần như “nhất thế giới” (chỉ sau Newzealand) chống dịch hiệu quả.
Mở báo các nước, vẫn thấy đầy tin kiểu “Phụ nữ Mỹ vật lộn giành việc làm sau dịch Covid-19”. “Phụ nữ vẫn chiếm 2/3 công việc lương tối thiểu”. “Dịch Covid-19 có thể đẩy 47 triệu phụ nhữ và trẻ em vào nghèo đói”. “Hơn 3.000 người Nhật tự vẫn trong năm 2020 vì trầm cảm trong đại dịch”. “Các cặp đôi ở Anh phải phá giới hạn về tiếp xúc (lockdown) để tránh thảm họa chia tay”. “Chủ sở hữu hệ thống mua sắm Mỹ Washington Prime Group nộp đơn xin phá sản”…
Những dòng tin ấy cho thấy con người khắp nơi chịu thử thách nặng nề bởi Covid-19, không riêng gì Việt Nam.
Nữ doanh nhân vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19 là lo cho cả doanh nghiệp, nhất là đời sống công nhân và lo cho gia đình |
Phụ nữ kinh doanh thường đông trong các ngành du lịch, ăn uống, dịch vụ, may mặc, cho nên có đến 87% doanh nghiệp trên thế giới do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng kinh doanh do đại dịch, nhất là ở Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc bởi đứt gãy chuỗi liên kết kinh doanh và tiêu thụ toàn cầu.
Theo “truyền thống” thì xưa nay người ta thiếu tin tưởng phụ nữ làm kinh doanh. Nào là khả năng chèo lái doanh nghiệp yếu, hay né rủi ro một cách tiêu cực, trả nợ yếu, thiếu kiến thức và năng lực. Nhưng nên nhớ có cả tá những thách thức mà nữ doanh nhân nào cũng gặp phải, như phải chống chọi với định kiến xã hội, phải cân bằng công việc kinh doanh với việc nhà…
“Cần cả làng để nuôi một đứa trẻ”. Câu ngạn ngữ ấy có người bảo từ châu Phi nên ta ít nghe. Nhưng ý nghĩa của nó thì chắc là ai cũng gặp trong đời: Nỗi khó khăn để nuôi dưỡng con cái - nuôi dưỡng con người. Đó là sứ mệnh của phụ nữ. Công việc cần đến… cả làng nhé!
Cũng có một câu khác: “Ai cũng chỉ có 24 giờ một ngày”. Nữ doanh nhân còn phải thêm vào: “Tôi còn có cả một gia đình phải chăm sóc”.
Thế nên, cân bằng giữa công việc kinh doanh và đời sống gia đình - được nói bao năm, bây giờ có ý kiến khẳng định: “Đó là việc không thể. Làm sao cân bằng được. Chỉ có thể làm sao dung hòa được mà thôi”.
Điểm qua vài nữ doanh nhân “vượt khó Covid” để thấy họ suy nghĩ như thế nào về bổn phận “một lúc gánh hai vai”. Bà sếp Vietinbank trong lĩnh vực chứng khoán, nói, điểm yếu của sếp nữ là “độ liều” kém. Nhạy bén công nghệ không bằng nam giới nhưng “chìa khóa” để vượt lên là sự chân thành, một chút tham vọng và kiên trì. Bài học ở sếp nữ Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là xây dựng nguồn nhân lực và những giá trị cốt lõi. Sếp nữ của Công ty CP Bán đấu giá Lạc Việt thì điềm tĩnh, mềm dẻo - điểm mạnh của phái yếu…
Những nữ Doanh nhân thành đạt nhất trên thị trường Việt Nam |
Có các con số do Báo Phụ nữ kinh doanh (Woman Business News) khảo sát 300 nữ chủ doanh nghiệp yêu cầu họ tự đánh giá thì thấy “linh hoạt trong chăm sóc gia đình” bị xếp cuối cùng.
Thảo nào có con số do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố: “Phụ nữ phải đợi 250 năm để được bình đẳng giới”. Khiếp quá!
Nữ doanh nhân vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19 là lo cho cả doanh nghiệp, nhất là đời sống công nhân và lo cho gia đình. Họ là “bà mẹ kiêm doanh nhân”. 23% nữ doanh nhân nói một ngày phải bỏ ra 6 tiếng đồng hồ để chăm sóc gia đình, trong khi nam doanh nhân là 11%.
Bà mẹ kiêm doanh nhân - vừa nuôi con vừa nuôi doanh nghiệp phải lo tìm kiếm thị trường, hướng tới sản phẩm tốt mà giá phải hợp lý khi mùa dịch siết chặt chi tiêu, tìm hướng đi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ… Ngay ở công ty, doanh nhân đã phải đảm bảo hai vai: vừa sản xuất, kinh doanh vừa làm nhiệm vụ chính trị - xã hội, như thu mua nông sản khi giá xuống quá thấp để giúp nhà nông, chăm sóc người lao động, tham gia công tác từ thiện…
Vì thế “cân bằng là không thể” giữa công việc của doanh nhân và công việc gia đình. Chỉ có thể dung hòa. Mà muốn dung hòa được còn cần xã hội và gia đình hỗ trợ.
Bởi thế mới nói “Cần cả làng nuôi một đứa trẻ” - dù bà mẹ - bà chủ luôn cố gắng.