Nguyên nhân CPI tháng 2 tăng cao
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 12/03/2021
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 1,52% của CPI tháng 2/2021 so với hồi tháng 1, bao gồm 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, có nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng cao nhất, tới 4% - yếu tố làm CPI chung tăng 0,75 điểm phần trăm. Kế đến, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,61%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Đứng thứ ba là nhóm giao thông, tăng 1,55%, do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào cuối tháng 1 và cuối tháng 2, làm chỉ số giá xăng dầu tăng 3,28%.
TS. Vũ Đình Ánh - Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, lạm phát năm 2020 thể hiện rõ rệt yếu tố cầu kéo. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 2,6% so với năm 2019 và nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm tới 1,2% trong khi năm 2019 tăng 9,5%. Vai trò dẫn dắt lạm phát của yếu tố cầu kéo càng mạnh khi chỉ số giá sản xuất công nghiệp năm 2020 giảm 0,6%, dịch vụ giảm 0,73%, chỉ có giá sản xuất nông nghiệp tăng 8,24% trong khi chỉ số giá xuất khẩu giảm 1,32% và chỉ số giá nhập khẩu giảm 0,59%.
Ngay từ đầu năm 2020, TS. Vũ Đình Ánh đã cảnh báo: "Quản lý và điều hành giá cả, kiểm soát lạm phát 2020 sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với mấy năm trước". Thực tế năm 2000 cho thấy, nguy cơ lạm phát cao đã lên đến đỉnh điểm khi CPI tháng 1 tăng tới 6,43% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, Covid-19 đã làm thay đổi tất cả khi so với cùng kỳ CPI đã giảm liên tục và xuống dưới ngưỡng 3% ngay từ tháng 4/2020, còn CPI bình quân mặc dù duy trì xu hướng giảm suốt các tháng còn lại nhưng chỉ xuống dưới ngưỡng 4% từ tháng 8/2020.
Tin tốt là dịch Covid-19 đã được khống chế ở nhiều nước, các loại vắc xin được tiêm chủng trên diện rộng, trong khi sản xuất, thương mại dần khôi phục, nhưng tình hình vẫn rất khó đoán định. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, việc đưa ra dự báo cho một số mặt hàng của năm 2021 là rất khó. Mặt bằng giá các mặt hàng thiết yếu không có biến động do Việt Nam tiếp tục chịu những tác động của thị trường thế giới, các lĩnh vực du lịch, hàng không, giải trí... đều tiếp tục gặp khó khăn. Đến nay, tổng cầu của nền kinh tế khó có khả năng phục hồi trở lại như giai đoạn trước dịch bệnh, áp lực tăng giá đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng cao nhưng đã không xem xét tăng giá trong năm 2020. Thậm chí, sau hai tháng đầu tiên của năm 2021, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới.
TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, có ba yếu tố có thể làm tăng áp lực lên lạm phát. Thứ nhất, khả năng phục hồi mạnh sau đại dịch của kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Khi đó, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng, thúc đẩy mặt bằng giá mới. Thứ hai, lạm phát trên toàn cầu có thể tăng trong năm 2021, do lượng tiền mà các ngân hàng trung ương bơm ra để phòng chống dịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế, hay tiếp tục nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất... trong năm 2020 sẽ tác động mạnh hơn. Thứ ba, các dự báo đều cho thấy giá các hàng hóa cơ bản, trong đó có giá dầu tăng trở lại, dù mức tăng không lớn nhưng cũng sẽ tạo thêm sức ép tăng giá tiêu dùng.
Theo TS. Cấn Văn Lực, khi nhu cầu vẫn yếu và sự phục hồi của nền kinh tế còn chưa cao, việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ là rất quan trọng, bao gồm việc kiểm soát giá cả. Trường hợp áp lực lạm phát lớn hơn, cần cân nhắc lùi lộ trình tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhằm giảm thiểu tác động lên chỉ số giá tiêu dùng.