“Bố già” và “sneakshow”

Thư giãn - Ngày đăng : 07:00, 13/03/2021

Gái già lắm chiêu V” và “Bố già” đều có thế mạnh để chinh phục khán giả nhưng chiến thắng đã nghiêng về “Bố già”, cho thấy sự phân cực người xem ngày càng rõ nét.
“Bố già” và “sneakshow”

Khi khán giả phân cực

6 tiếng chiếu sớm ngày đầu tiên, Bố già thu về 10,6 tỷ đồng. Đến ngày sneakshow đầu tiên, phim cán mốc 22 tỷ. Kỷ lục này tiếp tục được xô đổ ở ngày thứ 3 với 30 tỷ đồng trước khi cán mốc doanh thu 100 tỷ ở ngày thứ 4. “Kỷ lục sinh ra là để phá vỡ” là câu nói không thể đúng hơn với trường hợp của Bố già. Không ít người làm nghề kỳ vọng, với tốc độ tăng trưởng doanh thu tính bằng đơn vị chục tỷ đồng mỗi ngày, Bố già dễ dàng cán mốc 300 tỷ khi thời gian chiếu chính thức vẫn chưa đến. Điều gì đã tạo nên thành công của Bố già dù nội dung phim không quá xuất sắc?

Ra rạp ngay sau thời điểm dịch vừa được kiểm soát, Bố già cũng như Gái già lắm chiêu V đã thực hiện một cuộc đặt cược “được ăn cả ngã về không”. Thời điểm hai bộ phim ra mắt, ngoài bom tấn Raya dành cho khán giả nhỏ tuổi thì cả hai phim không “đụng độ” với bất kỳ bom tấn Hollywood nào. Đây cũng là thời điểm khán giả “khát khao” trở lại rạp chiếu sau một mùa Tết hạn chế các hoạt động vui chơi, giải trí. Cán cân phòng vé đã nghiêng hẳn về Bố già.

Dù có nhiều khác biệt so với bản web-drama từng công bố, nội dung của Bố già vẫn không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, câu chuyện về tình cha con, tình anh em, tình hàng xóm láng giềng chưa bao giờ lã cũ. Không cần tô vẽ quá nhiều, Bố già tìm được “sợi chỉ đỏ” để gắn kết từ câu chuyện ấy với cảm xúc của khán giả bằng lối kể chuyện mộc mạc mà bất cứ người xem nào cũng có thể tìm thấy họ trong đó. Chính điểm chạm này đã tạo nên hiệu ứng “word of mouth” (truyền miệng) trên mạng xã hội – phương pháp marketing mỹ mãn và ít tốn kém nhất. So với Gái già lắm chiêu V cũng kích thích trí tò mò về thế giới vương giả thì Bố già có lợi thế bởi sự gần gũi ấy.

Tình thế này cũng cho thấy sự phân cực rõ nét của khán giả, đặt cho nhà sản xuất và các nhà phát hành bài toán cân não. Một bộ phim được yêu thích, được lan tỏa chắc chắn sẽ có lợi thế hơn dù bộ phim còn lại nội dung không hề kém cạnh, thậm chí là nhỉnh hơn. Để giảm thiểu sự cạnh tranh này, với khối lượng phim tồn vì dịch, cần một chiến lược quảng bá thông minh hơn, cũng như lịch chiếu hợp lý hơn để không phân tán sự chú ý của khán giả.

Ở góc độ vĩ mô, sự phân cực của khán giả vô hình trung tạo nên những bất cập về đầu tư và điều tiết thị trường. Để khán giả quyết định số phận bộ phim là không sai vì họ có quyền lựa chọn “món ăn” hợp khẩu vị. Nhưng, thị trường điện ảnh muốn phát triển luôn cần đầu tư đa dạng vào nhiều đề tài phim khác nhau, nâng cao chất lượng sản phẩm điện ảnh thay vì chỉ chọn những đề tài quen thuộc.

Chiêu trò chiếu sớm

Theo lịch khởi chiếu ban đầu, Bố già Gái già lắm chiêu V đều chính thức phát hành từ ngày 12/3 tại các cụm rạp trên toàn quốc. Nhưng, cả hai phim đều có những suất chiếu sớm (sneakshow) từ ngày 5 đến 8/3, sau đó là từ 9-11/3. Sneakshow là buổi xem phim "lén" với số lượng suất chiếu hạn chế trước khi phát hành chính thức, nhằm đo lường phản ứng của khán giả. Nó là một phép thử mạo hiểm của các nhà làm phim, ra đời vào năm 1930. Thành bại của một bộ phim có thể được dự đoán từ các buổi sneakshow này.

Sneakshow tại Việt Nam vẫn mang tính thăm dò đối thủ và phản ứng của khán giả nhưng không còn gói gọn trong quy mô nhỏ. Một số trường hợp, khi bộ phim có dấu hiệu “cá kiếm”, sneakshow được hợp lệ hóa để chiếu chính thức như Gái già lắm chiêu V Bố già. Điều này không sai nhưng đã phá vỡ và lạm dụng khái niệm “sneakshow”. Về lâu dài, “sneakshow” sẽ rơi vào tình trạng mất thiêng nếu để khán giả hình thành suy nghĩ “hôm khác xem cũng được”. Hiệu ứng đo lường lúc này sẽ phản tác dụng. Mặt khác, với các suất chiếu sớm, khán giả sẽ bị thiệt hơn khi không được hưởng các hình thức khuyến mãi hay ưu đãi từ nhà rạp. 

Minh Khôi