Hơn 12 nước ngừng tiêm vắc-xin AstraZeneca: Hại nhiều hơn lợi?
Bình luận - Ngày đăng : 09:00, 17/03/2021
![]() |
"Chúng tôi vẫn hoàn toàn tin rằng các lợi ích của vắc-xin AstraZeneca trong việc ngừa Covid-19 và nguy cơ phải nhập viện hay chết vì bệnh này là lớn hơn các rủi ro từ tác dụng phụ", Giám đốc điều hành EMA Emer Cooke nói ngày 16/3. |
Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khẳng định, dữ liệu hiện thời không chứng minh vắc-xin AstraZeneca gây huyết khối, qua đó tiếp tục khuyến khích các nước tiêm ngừa. Trong khi đó, những người phản đối việc ngừng tiêm vắc-xin cho rằng, đây là hành động "hại nhiều hơn lợi", và có thể khiến nhiều người mất niềm tin vào vắc-xin.
Theo The Guardian, Đức và Ý - hai quốc gia sử dụng nhiều vắc-xin AstraZeneca nhất trong Liên minh châu Âu (EU), đã rơi vào cảnh "hỗn loạn" sau quyết định ngừng tiêm vắc-xin. Được biết, ít nhất 7 người ở Đức đã bị tình trạng máu đông sau khi tiêm vắc-xin, và 3 người đã tử vong. Ở Ý, có 8 trường hợp đã tử vong sau khi tiêm và 4 người khác gặp biến chứng nghiêm trọng.
Trước đó, Đan Mạch là nước đầu tiên tuyên bố tạm ngừng tiêm vắc-xin AstraZeneca sau khi xuất hiện tình trạng máu đông trên một số trường hợp, với 1 ca tử vong sau 10 ngày tiêm. Na Uy, Ireland, Bulgaria, Thái Lan, Congo, Hà Lan là những nước theo bước Đan Mạch; kế đến là Pháp, Đức và Ý.
Theo giới chức y tế Đan Mạch, nước này sẽ ngừng tiêm ít nhất 2 tuần để điều tra, làm rõ các trường hợp, nhưng cũng khẳng định chưa thể kết luận có hay không mối liên hệ giữa vắc-xin và tình trạng máu đông.
Ngừng tiêm vắc-xin: Lợi bất cập hại?
Được biết, nhiều tranh cãi đã dấy lên sau động thái ngừng tiêm vắc-xin tại Đức và Ý. Klaus Cichutek - người đứng đầu Viện Paul Ehrlich quản lý dược phẩm Đức, hi vọng người dân sẽ hiểu cho chính phủ, trong khi ông Karl Lauterbach - một bác sĩ và phát ngôn viên của Đảng Dân chủ xã hội Đức trong lĩnh vực y tế, cho rằng việc ngừng tiêm là "sai lầm". Theo ông, đây là hành động "lợi bất cập hại", khiến nhiều người gặp rủi ro hơn.
"Chúng ta đều biết các phản ứng phụ này rất nghiêm trọng, nhưng rất hiếm khi xảy ra như vậy. Cần cân nhắc kỹ điều đó. Những ảnh hưởng về mặt danh tiếng đối với loại vắc-xin này là không thể khắc phục. Chúng ta đang ở trong đợt bùng dịch thứ ba. Việc ngừng tiêm vắc-xin sẽ tạo ra hậu quả nghiêm trọng và sẽ cực kỳ khó để khôi phục niềm tin của công chúng", Lauterbach nói.
![]() |
Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca tại trung tâm y tế ở Seoul. Ảnh: AFP |
Làn sóng hoang mang và thậm chí tức giận cũng diễn ra tại Ý sau khi chính phủ đột ngột ngừng tiêm; vì Rome đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào vắc-xin AstraZeneca. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan quản lý dược phẩm của Ý Nicola Magrini cũng thừa nhận, việc ngừng tiêm là một động thái chính trị, trong bối cảnh các chính trị gia phải chịu sức ép từ một số quốc gia EU ngừng tiêm.
"Chúng tôi phải đình chỉ vì một số quốc gia Châu Âu - bao gồm cả Đức và Pháp - muốn làm gián đoạn việc tiêm chủng, tạm dừng tiêm để tiến hành kiểm tra. Đây là một sự lựa chọn chính trị", Magrini nói.
Tại Pháp, quyết định của chính phủ cũng gặp phải sự phản đối, nhưng ít công khai hơn. Tờ Le Monde hôm 15/3 cho rằng, sự thành công của một chiến dịch tiêm chủng không phải chỉ đến từ mức độ an toàn và hiệu quả của vắc-xin mà còn nằm ở "sự tự tin mà nó tạo ra". "Trong trường hợp của vắc-xin AstraZeneca, rõ ràng yếu tố thứ hai đang được thử thách", nhật báo Pháp lập luận.
Trong khi đó, tiến sĩ, bác sĩ Peter English - chuyên gia tư vấn của chính phủ Anh trong kiểm soát bệnh truyền nhiễm, nói: "Đáng tiếc nhất là các nước đã ngừng tiêm chủng với lý do 'đề phòng'. Nó có nguy cơ ảnh hưởng thực sự tới mục tiêu tiêm chủng đủ số người để làm chậm sự lây lan của virus và chấm dứt đại dịch".
AstraZeneca nói gì?
Về phần mình, AstraZeneca tuyên bố, khi rà soát dữ liệu của 17 triệu người đã được tiêm vắc-xin ở châu Âu, có 37 trường hợp có biểu hiện tăng huyết khối, song không có bằng chứng cho thấy vắc-xin làm tăng nguy cơ này. Theo AstraZeneca, con số 37 ca này là nằm trong tính toán dự báo, không có bất thường xét trên tổng số người được tiêm, tỷ lệ tương đương với các vắc-xin đã được cấp phép khác.
Tuyên bố của công ty cho biết: "Việc xem xét cẩn thận tất cả dữ liệu an toàn hiện có của hơn 17 triệu người được tiêm vắc-xin Covid-19 AstraZeneca ở EU và Anh cho thấy không có bằng chứng về việc tăng nguy cơ thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc giảm tiểu cầu, ở bất kỳ độ tuổi xác định nào. nhóm, giới tính, lô hàng hoặc ở bất kỳ quốc gia cụ thể nào".
AstraZeneca cũng cho biết, có 15 trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu và 22 trường hợp thuyên tắc phổi đã được báo cáo cho đến nay, điều này tương tự như các vắc-xin Covid-19 được cấp phép khác.
![]() |
Các lọ vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca trước logo của nhà sản xuất được chụp vào ngày 14/3. Ảnh: Reuters. |
Riêng EMA khẳng định, không có dữ liệu nào về tác dụng phụ tăng huyết khối khi tiêm vắc-xin. Cơ quan này cho biết đang tiếp tục điều tra, phân tích đầy đủ dữ liệu. Trong thời gian này, lợi ích của việc tiêm vắc-xin vẫn lớn hơn nguy cơ tác dụng phụ.
"Chúng tôi vẫn hoàn toàn tin rằng các lợi ích của vắc-xin AstraZeneca trong việc ngừa Covid-19 và nguy cơ phải nhập viện hay chết vì bệnh này là lớn hơn các rủi ro từ tác dụng phụ", Giám đốc điều hành EMA Emer Cooke nói ngày 16/3.
Theo AFP, dù AstraZeneca khẳng định không có rủi ro, song các chuyên gia WHO vẫn sẽ nhóm họp để đánh giá về độ an toàn của vắc-xin. Ngoài ra, EMA cũng sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt trong ngày mai để đánh giá vắc-xin của AstraZeneca.
Trên thực tế, khi vắc-xin được sử dụng rộng rãi, sẽ luôn tiềm ẩn yếu tố tử vong và các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đơn giản vì khi có hàng triệu người được tiêm, khả năng sự cố xảy ra cũng tăng lên. Theo đó, phần lớn biến cố này không có liên quan đến vắc-xin, nhưng do vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn đang được thử nghiệm và chưa có dữ liệu dài hạn, nên giới khoa học sẽ phải điều tra tất cả các khả năng, để làm rõ liệu việc tiêm chủng có gây ra các tác dụng phụ chưa tiên lượng hay không.
Hơn nữa, các chiến dịch tiêm chủng ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương, nên những người đã được chủng ngừa hiện tại thường có bệnh lý nền và có vấn đề về sức khỏe - điều khiến việc xác định vắc-xin gây tác dụng phụ gặp khó khăn hơn.
Theo Tiến sĩ Soumya Swaminathan - nhà khoa học trưởng của WHO, cơ quan này không muốn người dân lo ngại giữa lúc xuất hiện thông tin về tình trạng huyết khối xảy ra ở một số người đã được tiêm vắc-xin AstraZeneca. Theo bà, với hơn 300 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu, chưa có ca tử vong nào được xác định là do vắc-xin.