Mỹ, Liên minh châu Âu cùng trừng phạt các quan chức Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 05:00, 23/03/2021
Nhân viên an ninh canh gác tại cổng một "trung tâm đào tạo nghề" ở huyện Hoắc Thành, Tân Cương. Ảnh: Reuters |
Bộ Tài chính Mỹ hôm 22/3/2021 thông báo đóng băng tài sản liên quan đến Mỹ của Bí thư Đảng ủy Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) Vương Quân Chính và Giám đốc Cơ quan Công an Tân Cương Trần Minh Quốc theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu năm 2016.
Được biết, đạo luật này cho phép chính quyền Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân bị coi là vi phạm nhân quyền. Giới chức Mỹ cũng cho biết, động thái này nhằm hỗ trợ các biện pháp tương tự từ EU, Anh và Canada. Đây là hành động trừng phạt phối hợp đầu tiên giữa Washington và các đồng minh kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Trước đó, ngoại trưởng 27 nước EU cũng đã phê chuẩn lệnh cấm vận nhắm vào Trung Quốc sau phiên họp tại Brussels, Bỉ. Cụ thể, 4 quan chức chính quyền Tân Cương cùng XPCC sẽ bị đưa vào danh sách đen, vì có liên quan đến cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo thiểu số khác ở khu tự trị này.
Bốn cá nhân này sẽ chịu các lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản. Thực thể Trung Quốc bị EU trừng phạt là XPCC - một tổ chức kinh tế và bán quân sự đặc thù tại Tân Cương.
Theo Reuters, đây là biện pháp trừng phạt đầu tiên được EU áp lên Bắc Kinh, kể từ vụ cấm vận vũ khí năm 1989. Ngay sau khi EU công bố lệnh trừng phạt, Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách trừng phạt 10 cá nhân cùng 4 thực thể EU, và yêu cầu EU "sửa chữa sai lầm", cũng như không can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Theo hãng tin AFP, biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đồng nghĩa với việc 10 cá nhân EU nói trên và gia đình sẽ bị cấm tới Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macau.
Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh tuần trước cảnh báo lệnh trừng phạt nhắm vào Bắc Kinh đồng nghĩa với "đối đầu". "Nếu ai đó nhất quyết đối đầu, chúng tôi sẽ không lùi bước bởi không còn lựa chọn nào ngoài việc làm tròn trách nhiệm với người dân trong nước", ông Trương nói.
Theo các nhóm hoạt động vì nhân quyền, ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người thiểu số Hồi giáo đã bị giam trong các "trại cải huấn chính trị" tập trung ở Tân Cương. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ cáo buộc này, và khẳng định đây là các trung tâm đào tạo nghề, nhằm chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố cực đoan trong khu vực, đồng thời giúp người Duy Ngô Nhĩ hòa nhập xã hội.